Dự buổi làm việc về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Hồ An Phong; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ. Về phía tỉnh Vĩnh Long có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Chính cùng lãnh đạo các sở ban ngành.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Long Phan Văn Giàu đã báo cáo về Kế hoạch tổ chức Festival Gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long năm 2024. Theo đó, với chủ đề “Điểm hẹn bên dòng Cổ Chiên”, dự kiến Festival sẽ có 12 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra từ ngày 22-25/11 tại khu vực TP. Vĩnh Long và Làng nghề sản xuất gạch, gốm tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít.
Festival được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Vĩnh Long đến với du khách, quảng bá những tiềm năng, lợi thế của vùng Di sản đương đại Mang Thít đến các doanh nghiệp, qua đó kêu gọi đầu tư phát triển, quảng bá du lịch, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị độc đáo của làng nghề sản xuất gạch gốm đỏ Vĩnh Long.
Dự kiến Festival sẽ mở rộng mời các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương; mời các làng gốm trong nước tham dự trưng bày như: Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương), làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), làng gốm Chu Đậu (Hải Dương), làng gốm Cây Mai (TP. Hồ Chí Minh), làng gốm Biên Hòa (Đồng Nai), làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế), làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam), làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận).
Vĩnh Long đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét hỗ trợ tổ chức Festival, đồng thời hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hoạt động famtrip và mời các doanh nghiệp lữ hành và làng nghề sản xuất gốm trong nước tham gia sự kiện.
Liên quan đến hoạt động du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Vĩnh Long nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giao thông thuận tiện, nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, lượng khách và tổng thu từ du lịch của Vĩnh Long chưa cao, ít cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch chưa phong phú, phần lớn tập trung phát triển du lịch sinh thái sông nước, ẩm thực, nông nghiệp, lịch sử…
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị du lịch Vĩnh Long tập trung triển khai những hoạt động trong nội dung cam kết giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, cùng với những phương châm rất cụ thể. Để hoàn thiện hơn cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, Vĩnh Long cần xây dựng và ban hành những chính sách thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, triển khai các dự án. Đồng thời, tập trung tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
“Với những đề nghị của tỉnh hỗ trợ các hoạt động du lịch trong khuôn khổ Festival, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tham gia hỗ trợ tổ chức đoàn famtrip trải nghiệm làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít - Vĩnh Long; Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long, tổ chức không gian giới thiệu du lịch Vĩnh Long và sản phẩm OCOP; Liên hoan ẩm thực Vĩnh Long”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Thể dục, thể thao, Vụ Kế hoạch, Tài chính của Bộ cũng đã cho ý kiến góp ý về nội dung kế hoạch, sự kiện điểm nhấn, chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc, quy mô Festival…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá cao sự đầu tư phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua, tuy nhiên dù có nhiều lợi thế phát triển nhưng ngành du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng. Nhiều sản phẩm truyền thống của Vĩnh Long với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khá giống nhau.
Riêng con đường gốm đỏ, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng đây là sản phẩm rất sáng tạo, tạo dấu ấn riêng của Vĩnh Long. Với Festival Gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long năm 2024, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần lựa chọn những hoạt động tiêu biểu, làm điểm nhấn cho Festival. Qua hình tượng gốm để kể câu chuyện lịch sử, xây dựng sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
“Tỉnh Vĩnh Long cần đặt ra kế hoạch 2 năm tổ chức Festival một lần, từ đó nâng cấp dần và tạo ra thương hiệu, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp. Đặc biệt là phải tạo ra một không gian gốm đặc trưng để các địa phương đưa sản phẩm gốm tới trưng bày, thể hiện sự đặc sắc của gốm Vĩnh Long”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cơ bản đồng tình với Kế hoạch tổ chức Festival Gốm đỏ Vĩnh Long năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Vĩnh Long và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng kế hoạch đồng tổ chức Festival Gốm đỏ Vĩnh Long năm 2024 để nâng tầm sự kiện. Sau đó, báo cáo đề xuất Chính phủ cho phép tổ chức Festival Gốm đỏ thường xuyên, định kỳ, qua đó quảng bá văn hóa, điểm đến du lịch Vĩnh Long, kết nối sản phẩm du lịch, nông nghiệp, làng nghề.
Bộ trưởng đề nghị Festival cần tập trung vào 3 nhóm chính là: Không gian trưng bày các sản phẩm gốm và nông nghiệp tiêu biểu của Vĩnh Long; Hoạt động quảng bá, xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư; Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó là xây dựng các sản phẩm bổ trợ như giải chạy thể thao, liên hoan ẩm thực, liên hoan đờn ca tài tử… Kế hoạch cần phải chuẩn bị chi tiết, chu đáo, tạo điểm nhấn cho sự kiện rất độc đáo này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao Thứ trưởng Hồ An Phong trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức Festival Gốm đỏ Vĩnh Long; giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam là đầu mối phối hợp với các đơn vị của UBND tỉnh Vĩnh Long xây dựng kế hoạch và tổ chức Festival. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng tỉnh Vĩnh Long cần làm việc với một số bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ sung các ý kiến góp ý cho Kế hoạch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng đồng hành với tỉnh để tổ chức tốt Festival Gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Đối với việc phát triển hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh Vĩnh Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, có lộ trình, bước đi cụ thể để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long, để người dân Vĩnh Long thêm tự hào về truyền thống, lịch sử, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa.
Trong đó, về lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng mong muốn các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, vấn đề xây dựng hương ước, quy ước phải đi vào thực chất hơn. Bên cạnh đó, cần dựa trên giá trị của di tích, di sản để phát triển tín ngưỡng tốt đẹp, mang nhiều giá trị văn hóa, nuôi dưỡng tâm hồn.
Về lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục duy trì phong trào thể thao quần chúng, từ đó phát hiện và bồi dưỡng vận động viên cho thể thao thành tích cao.
Về lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng cho rằng yếu tố tiên quyết để phát triển du lịch Vĩnh Long là phải xây dựng được sản phẩm đặc trưng dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần nghiên cứu để tạo ra sản phẩm du lịch có điểm nhấn, thu hút nhiều khách du lịch dựa trên thế mạnh về văn hóa, lịch sử.
Cảm ơn sự quan tâm và các ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu dự buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho rằng dù đã có những sự thay đổi, phát triển tuy nhiên Vĩnh Long vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Vì vậy, trong thời gian tới, Vĩnh Long mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước mắt sẽ đồng hành cùng tỉnh để tổ chức thành công Festival Gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Sáu tháng đầu năm 2024, Vĩnh Long ước đón 870.000 lượt khách du lịch, đạt 69% kế hoạch năm, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2023; khách quốc tế ước đạt khoảng 23.000 lượt, tăng 6.000 lượt so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 420 tỉ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Vừa qua, ngày 10/7/2024, HĐND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Theo đó, Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít được định hướng phát triển thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch cho tỉnh Vĩnh Long và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.