Bình Dương triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với thông điệp “Việt Nam - Đi để yêu”

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 49/KH-SVHTTDL nhằm triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với chủ đề “Việt Nam - Đi để yêu”.

Chương trình nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo tại Quyết định số 444/QĐ-BVHTTDL (ngày 28/02/2025) và Kế hoạch số 760/KH-BVHTTDL (ngày 26/02/2025) của Bộ VHTTDL, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Mục tiêu chính là phục hồi và phát triển ngành du lịch sau những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, biến động kinh tế, và thay đổi hành vi tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương trình hướng đến việc kích thích nhu cầu du lịch nội địa và quốc tế, tăng lượng khách đến Bình Dương, kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao mức chi tiêu tại các điểm đến. Một số nội dung trọng tâm của chương trình bao gồm:

Quảng bá điểm đến: Tăng cường truyền thông hình ảnh Bình Dương là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn; xây dựng thương hiệu du lịch gắn với bản sắc văn hóa và sản phẩm đặc trưng. Giới thiệu sản phẩm OCOP như gốm sứ, sơn mài, mây tre đan làm quà lưu niệm; quảng bá các tour tham quan vườn trái cây, chương trình du lịch hè... nhằm tăng cường thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Bình Dương.

binh-duong-1747828743.jpg
Khu sinh thái Kawazo - Bình Dương

Liên kết vùng: Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm phát triển du lịch bền vững, đồng bộ và hiệu quả. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa ưu đãi, khuyến mãi để thu hút du khách.

Chính sách hỗ trợ du khách: Vận động các đơn vị áp dụng chính sách giảm giá, ưu đãi, tặng quà cho khách; xây dựng tour kích cầu đa dạng, phù hợp với các điểm đến chất lượng và mới lạ.

Triển khai hoạt động xúc tiến: Tổ chức các đoàn khảo sát, hội nghị, tọa đàm góp ý phát triển sản phẩm; phối hợp tổ chức các sự kiện như Liên hoan Ẩm thực vùng miền, giải đua thuyền trên sông Sài Gòn, các giải marathon...

Phát triển sản phẩm du lịch xanh: Tập trung vào các loại hình như du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, golf, sinh thái, nông nghiệp, MICE… phù hợp xu hướng phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ số: Tăng cường sử dụng mã QR, bản đồ số, ứng dụng App Du lịch Bình Dương; quảng bá mạnh mẽ qua mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử.

Liên kết phát triển tour: Xây dựng các tuyến du lịch kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ theo các chuyên đề du lịch cuối tuần, sinh thái, làng nghề, ẩm thực, văn hóa - lịch sử.

Tư Nguyễn