Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2025), Sở VHTTDL Bình Định tổ chức hội thảo nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định và các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, hình thành sản phẩm du lịch, khai thác tuyến đường sắt giữa các địa phương trong khu vực. Đồng thời liên kết các nguồn khách du lịch từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Định và các tỉnh, thành trong khu vực; định hướng phát triển sản phẩm du lịch Bình định nói chung, du lịch đường sắt nói riêng và định hướng thu hút khách du lịch đến Bình Định trong thời gian tới.

3103binhdinh-toancanh-1743475084.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BTC

Trong những năm qua, Bình Định tiếp tục là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đặc biệt, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025. Ngành Du lịch Bình Định phấn đấu thu hút 10 triệu lượt khách trong năm 2025 và tổ chức có hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch Quy Nhơn - Bình Định trong và ngoài nước, gắn với chuyển đổi số trong du lịch; đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch Bình Định; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên tự nhiên, đặc trưng văn hóa các địa phương; điểm nhấn là hình thành chuỗi các sự kiện, lễ hội tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt mang tầm quốc gia và quốc tế để tăng trải nghiệm và sức hút cho du khách trong nước và quốc tế.

1-sieu-1743475081.jpg
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết: "Du lịch đường sắt là loại hình có nhiều tiềm năng phát triển ở nước ta với mạng lưới đường sắt trải dài từ Bắc vào Nam, chạy qua nhiều vùng địa hình đa dạng từ đồng bằng đến rừng núi, ven biển. Du lịch bằng đường sắt được đánh giá là phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả, mang lại nhiều trải nghiệm đặc biệt cho du khách. Vừa qua ngày 9/7/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác không chỉ đánh dấu sự cam kết hợp tác của hai ngành mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững".

Bình Định là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sắt nhờ vào vị trí chiến lược trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, cảnh quan thiên nhiên phong phú và nhiều điểm du lịch biển hấp dẫn. Bên cạnh đó, Bình Định còn có hệ thống di sản văn hóa Chăm gắn với lịch sử Tây Sơn - Nguyễn Huệ là điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình du lịch bằng tàu hỏa.

Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, Bình Định đã có những nỗ lực nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh thu hút khách du lịch bằng đường sắt tạo đặc trưng riêng của tỉnh. Các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, vận tải du lịch, nhà hàng, điểm đến của Bình Định đã có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn thu hút khách du lịch. Đặc biệt Bình Định đã đưa vào khai thác 2 chuyến tàu hỏa du lịch hạng sang tuyến Đà Nẵng  - Quy Nhơn; Nha Trang - Quy Nhơn với nhiều tiện ích như khách sạn 5 sao.

Để góp phần cùng với ngành Du lịch cả nước đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong năm 2025 cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đường sắt, Phó cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị Bình Định tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách thuận lợi để phát triển du lịch, trong đó ưu tiên phát triển du lịch đường sắt.

Đồng thời đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường sắt, nâng cấp nhà ga Diêu Trì; duy trì hoạt động đội tàu Quy Nhơn - Sài Gòn (SE29, SE30); đẩy mạnh Phong trào “Đường tàu - Đường hoa” với ý tưởng “Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến”; liên kết với các trung tâm du lịch như TP.HCM, Ðà Nẵng, Huế, Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Nội… phát triển các tour chuyên biệt như “Tàu hỏa khám phá miền đất Võ” hoặc “Tàu du lịch ven biển Quy Nhơn”. Kết nối với các dịch vụ du lịch như xe buýt du lịch, xe điện từ ga đến các điểm tham quan; Hợp tác với các công ty du lịch xây dựng tour kết hợp giữa tàu hỏa và du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; Tổ chức các chuyến tàu charter (thuê nguyên chuyến) phục vụ khách du lịch từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đến Bình Định.

Bên cạnh đó, Bình Định cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Tăng cường quảng bá và tổ chức sự kiện lớn, có quy mô quốc tế để thu hút du khách. Quảng bá thương hiệu “Quy Nhơn  - Thành phố du lịch sạch ASEAN” trên các chuyến tàu, tạo ấn tượng tốt đẹp về điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm phát triển du lịch Bình Định theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn…

3105binhbinh-pct-giang-1743475083.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC

Tham gia phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho rằng, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là du lịch bằng đường tàu hỏa là một sản phẩm rất thú vị. Nhưng để làm được một tour du lịch bằng tàu hỏa về Bình Định, ngành du lịch tỉnh, các đơn vị lữ hành, các hiệp hội liên quan cần phải ngồi lại với nhau, bàn giải pháp và xây dựng kế hoạch bài bản. Ông cũng đề nghị bên cạnh việc nâng cao chất lượng đoàn tàu phục du khách, cũng cần nâng cấp dịch vụ trên các toa tàu. Ngành vận tải đường sắt cần nghiên cứu mức cước phí vận chuyển cạnh tranh để thu hút được du khách.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển, vận tải đường sắt đã phát biểu làm phong phú thêm về các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết sản phẩm du lịch Bình Định với các địa phương; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn du khách và xây dựng chương trình kích cầu du lịch; công tác truyền thông, quảng bá, ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ phát triển du lịch đường sắt tại Bình Định.

Cũng tại hội thảo, Sở VHTTDL Bình Định đã tổ chức lễ vinh danh các hãng lữ hành có số lượng khách đoàn lớn về Bình Định và tổ chức Lễ ký kết giữa Hiệp hội du lịch, chi hội lữ hành, doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố với Bình Định về liên kết phát triển sản phẩm du lịch.