Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bên trong xưởng giặt được ghi vào kỷ lục Guiness

Trên đường vào thành phố Mumbai (Ấn Độ), chắc ít người biết bên dưới cây cầu vượt đường sắt ở phía nam có một khu vực đã được ghi vào kỷ lục Guiness thế giới – Xưởng giặt thủ công ngoài trời Dhobi Ghat.

Tấm biển của tổ chức Guiness trao tặng cho Xưởng giặt từ năm 2011 nằm lặng lẽ, lẫn vào màu tường ở cổng vào, nếu không được giới thiệu, chắc du khách sẽ không biết đến.

Sau khi mua vé tham quan, một người hướng dẫn của xưởng sẽ đưa du khách len lỏi giữa các đống đồ giặt để khám phá nơi này, vì thật sự nếu không có người dẫn đường, chắc chắn bạn sẽ bị lạc.

img-3812-1696002088.jpg
Tấm biển của tổ chức Guiness trao tặng cho Xưởng giặt từ năm 2011 nằm lẫn vào màu tường ở cổng vào.

Xưởng giặt chia thành nhiều khu với sự phân công công việc khác nhau. Trước đây, xưởng giặt đồ hoàn toàn thủ công, nhưng hiện nay, do nhu cầu tăng lên nên xưởng đã đầu tư một số thiết bị cỡ lớn, ví dụ chiếc máy giặt khổng lồ có thể giặt một lúc 500 chiếc áo sơmi mới, chuyên làm dịch vụ giặt tẩy cho các xưởng may trang phục.

img-3846-1696002088.jpg
Nếu không có người dẫn đường, chắc chắn du khách sẽ bị lạc trong xưởng giặt rộng lớn này.

Công nhân trong xưởng gồm nhiều lứa tuổi khác nhau và được phân công những công việc phù hợp, ví dụ nam thanh niên phụ trách công đoạn giặt và tẩy trắng, nam giới giặt đồ dày như quần jean; phụ nữ giặt đồ mềm như sari, đồ khách sạn; nam giới trung cao tuổi phụ trách là ủi, phơi đồ hoặc giao nhận hàng.

img-3834-1696002088.jpg
Công nhân trong xưởng giặt được phân công công việc phù hợp.

Một số công nhân trong xưởng là người có điều kiện khó khăn, nên xưởng cũng chấp nhận cho rất nhiều gia đình sinh sống ngay trong xưởng. Họ làm việc rất chăm chỉ và có cách đánh dấu rất đặc biệt đối với hàng giặt, nên xưởng giặt này gần như không có hiện tượng trả nhầm hàng, dù chỉ là một chiếc quần.

img-3836-1696002088.jpg
Xưởng giặt có cách đánh dấu rất đặc biệt để không bị trả nhầm đồ giặt.

Công việc của những người thợ giặt thủ công là đứng ngâm chân trong những chiếc bể giặt được xây rất thô sơ. Họ xát xà phòng vào đồ giặt, tùy mức độ sạch bẩn mà chà thêm bằng bàn chải, đập nhiều lần vào một chiếc trụ xây trong bể, sau đó chuyển sang bể giặt tráng.

img-3843-1696002088.jpg
Những người thợ giặt ngâm chân giặt đồ trong bể.

Đồ giặt được phơi ở một khu vực riêng có nhiều ánh nắng và một số đồ được phơi trên mái nhà. Sau khi đồ khô, những người phụ nữ phân loại, đưa đi là ủi, sắp xếp theo đúng quy định và chuyển đến bộ phận trả đồ.

Công việc giặt thủ công tuy vất vả nhưng lượng công việc lớn, nên luôn đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho công nhân. Có những người đã gắn bó với công việc này, tại vị trí ở gần cổng này khoảng 20 năm, và chắc sẽ còn tiếp tục nếu vẫn còn đủ sức khỏe.

img-3813-1696002088.jpg
Người đàn ông này đã gắn bó với công việc tại xưởng giặt khoảng 20 năm.

Ở một đất nước đông dân nhất thế giới và tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo khá cao như Ấn Độ, thì cho dù là công việc thủ công và thu nhập không cao, nhưng với lượng đồ giặt lên tới cả trăm nghìn chiếc mỗi ngày, xưởng giặt này đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn người dân trong nhiều năm qua. 

Trên đường phố Mumbai, nếu bạn bắt gặp những chiếc xe người kéo chất đầy những bọc hàng, thì đó có thể chính là những xe giao nhận đồ giặt của xưởng giặt thủ công ngoài trời lớn nhất thế giới Dhobi Ghat.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung