1. Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993
Di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Với những giá trị mang tính toàn cầu, Cố đô Huế trở thành di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới vào ngày 11/12/1993. Đây cũng là Di sản thứ 410 trong danh mục và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh.
Nét đặc trưng ở Quần thể kiến trúc Cố đô Huế là hệ thống 29 điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Kiến trúc Huế là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc của kiến trúc truyền thống Việt, tư tưởng triết lý phương Đông, cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng của kiến trúc quân sự phương Tây, hài hòa với các yếu tố tự nhiên: núi Ngự Bình, sông Hương, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh, cồn Hến…
Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được diện mạo của một kinh đô xưa, với hàng trăm công trình nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa có giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam, vừa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc Huế,
2. Vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 1994, 2000
Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên của thế giới và được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào các ngày 17/12/1994 và ngày 2/12/2000. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất.
Vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 1.553km2, bao gồm 1.969 hòn đảo có tên và chưa có tên, vùng lõi của vịnh có diện tích 334km2 với hơn 775 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi karst tiêu biểu kiểu fengling và fengcong, hệ thống hang động phong phú. Trong vịnh có cảnh quan đặc sắc do đảo đá Hạ Long muôn hình vạn trạng với nét hoạ tiết, màu sắc của đảo núi, hòa quyện với trời biển tạo nên một bức tranh thuỷ mặc tráng lệ nhất là vào lúc bình minh và hoàng hôn. Vịnh Hạ Long đẹp bốn mùa, mỗi mùa đi qua vịnh đều có vẻ đẹp riêng, chính vì vậy vịnh rồng luôn lôi cuốn du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng quanh năm.
Để có một Di sản Thiên nhiên Thế giới như ngày nay, Vịnh Hạ Long đã trải qua lịch sử địa chất gần 400 triệu năm với quá trình tích tụ tầng đá vôi dày, nhiều lần sụt chìm và bị xâm thực bởi nước biển.
3. Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1999
Nằm cách thành phố Đà Nẵng gần 70 cây số, thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, khu di tích Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Champa. Năm 1999, khu di tích Mỹ Sơn của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại ở nơi đây vẫn là vẻ đẹp huyền bí, kiến trúc độc đáo mang nét riêng biệt của người Champa. Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ mang đậm nét kiến trúc riêng biệt mà nơi đây còn mang đậm nét văn hóa của người Chăm với những vũ điệu Chăm nhẹ nhàng, uyển chuyển. Độc đáo với những vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh ở các ngôi đền tháp.
4. Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1999
Hội An được xem như một “bảo tàng sống - bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị,” đã trở thành nguồn tài nguyên, nguồn động lực quan trọng đưa kinh tế-xã hội thành phố phát triển vượt bậc.
Phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa cấp Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia vào tháng 3/1985; Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 12/1999.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đô thị cổ Hội An vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ xưa. Nơi đây là một quần thể di tích được gìn giữ hầu như nguyên vẹn với 1.360 di tích bao gồm 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu. Điều này khiến Hội An trở thành một địa danh độc đáo thu hút khách du lịch.
5. Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 2003, 2015
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm ở phía bắc dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3/7/2015.
Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 201.000ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754ha và một vùng đệm rộng 195.400ha. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới.
Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất, giúp các nhà nghiên cứu hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực.
6. Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa Thế giới năm 2010
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Công trình kiến trúc này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Năm 2010, khu di tích Hoàng thành Thăng Long của Việt nam đã được Tổ chức khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là một dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long nói riêng và đối với Việt Nam nói chung.
Tại Di tích Hoàng thành Thăng Long, ngoài một số kiến trúc hiện hữu trên mặt đất như Cột Cờ, Đoan Môn, Thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc..., còn một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học đang bảo tồn tại chỗ.
Các hiện vật, phế tích kiến trúc tìm được còn cho thấy hệ thống cung điện, lầu gác đồ sộ; đồng thời, bổ sung kiến thức quan trọng vào hiểu biết về nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam truyền thống.
7. Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Di sản Văn hóa Thế giới năm 2011
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, Thành nhà Hồ được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.
Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Tuy không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành nhà Hồ là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính của Thành nhà Hồ được xây dựng theo kiến trúc hình vòm với những phiến đá xanh đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau.
8. Quần thể Danh thắng Tràng An (Ninh Bình) - Di sản hỗn hợp năm 2014
Với những giá trị đặc sắc nổi bật về thẩm mỹ, cảnh quan, địa chất, địa mạo và truyền thống cư trú của người tiền sử, Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào tháng 6/2014, trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam.
Sở hữu hệ thống 31 đầm và hồ nước nối thông với 48 hang động, khu du lịch được ví von như bức tranh thủy mặc với cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng đã xuất hiện từ hàng trăm năm qua. Ngoài ra, những hang động ở đây cũng nhận được nhiều sự chú ý của mọi người, đặc biêt là giới khảo cổ với hệ thống nhũ đá đa dạng hình thù, chẳng hạn như Hang Sáng, Hang Tối, Hang Cơm, Hang Địa Linh, Hang Ba Giọt, Hang Nấu Rượu, Hang Bói.
Khác biệt với sự nhộn nhịp của chốn thị thành hay sự đông vui nơi miền biển, Tràng An nép mình lại trong vẻ đẹp nhẹ nhàng cùng núi non xanh biếc. Vẻ đẹp thiên nhiên tĩnh lặng, trầm mặc cùng thời gian đã khiến nhiều người đến Tràng An, một lần đến sẽ muốn đến thêm lần nữa.
9. Quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà - Di sản Thiên nhiên Thế giới 2023
Quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới ngày 16/9/2023 bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Danh hiệu tạo thêm sức hút cho hai kỳ quan của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch.
Trước đó, năm 1994, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo vào năm 2000.