Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bảo tàng độc đáo nhất nhì Hà Nội lưu giữ nét đẹp của ngôi làng hàng trăm năm tuổi

Không chỉ có kiến trúc bên ngoài ấn tượng, dạo bước vào trong bạn mới cảm nhận được sự độc đáo của nghệ thuật thị giác với các không gian trưng bày gốm vô cùng độc đáo, phong phú.

Làng gốm Bát Tràng là một trong những làng nghề nổi tiếng, có tuổi đời hơn hàng trăm năm. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề gia truyền và không ngừng nỗ lực để ngày càng phát triển, đưa nghề làm gốm ra thế giới. Chính vì thế năm 2018, bảo tàng gốm Bát Tràng được xây dựng nhằm mục đích bảo tồn, phát triển nghề làm gốm truyền thống của làng Bát Tràng. Kể từ thời điểm bảo tàng đi vào hoạt động đến nay, nơi đây trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

battrang1-1701259953.JPG
Bảo tàng gốm Bát Tràng có kiến trúc độc đáo lấy cảm hứng từ các bàn xoay làm gốm, màu nâu đặc trưng của đất sét.

Nhìn từ xa, bảo tàng gốm Bát Tràng nổi bật với kiến trúc độc đáo. Công trình có tông màu nâu của đất sét cùng những đường cong xếp lớp lên nhau. Bảy xoắn ốc khổng lồ lấy ý tưởng từ những bàn xoay gốm của các nghệ nhân, càng lên cao càng rộng tạo cảm giác như lò nung gốm truyền thống.

Không chỉ ấn tượng với vẻ bề ngoài, dạo bước vào trong bảo tàng bạn mới cảm nhận được sự độc đáo của nghệ thuật thị giác. Nhiều du khách nhận xét khi bước đến gần và nhìn từ dưới lên, bảo tàng như một hẻm núi kỳ bí khiến người ta muốn khám phá. Càng đi vào trong, những bờ tường uốn lượn, những sản phẩm được làm bằng gốm trưng bày theo thời gian, không gian vô cùng cầu kỳ.

battrang3-1701259952.JPG
 
battrang12-1701259952.JPG
Bên trong là các không gian trưng bày gốm.

Bảo tàng có 6 không gian tham quan, trải nghiệm:

Tầng 1 là nơi được các bạn trẻ thích nhất bởi không gian được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ở đây còn là nơi trưng bày các gian hàng của làng gốm Bát Tràng.

Tầng 2 là không gian tham quan với những kiến thức thú vị về làng gốm Bát Tràng xưa và nay, các vật liệu, nguyên liệu để làm gốm. Du khách sẽ được nhân viên hướng dẫn đi theo hướng vòng từ trái qua phải để tìm hiểu về gốm theo thời gian phát triển của làng gốm.

battrang7-1701259952.JPG
Trưng bày tái hiện cuộc sống của người dân làng gốm Bát Tràng xưa.
battrang9-1701259952.JPG
Xe đạp thồ chở gốm.

Tầng 3 là nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại ấn tượng.

Tầng 4 là nơi để du khách nghỉ chân, nhâm nhi ly cà phê.

Tầng 5 là không gian trà đạo, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.

Tầng G là khu vực để du khách thử làm nghệ nhân gốm hay tô tượng. Ở đây có sẵn các bàn xoay, đất sét và nhân viên hướng dẫn cho du khách cách để làm nên một sản phẩm gốm. Sau khi làm xong du khách có thể sấy khô và mang về hoặc đi tô màu, nung gốm.

battrang6-1701259952.jpg
Một số sản phẩm gốm được trưng bày ở bảo tàng.
battrang11-1701259952.jpg
Khi tham quan du khách lưu ý không được chạm vào hiện vật.

Để vào tham quan bảo tàng, bạn nên tham khảo bảng giá ở ngay cổng. Với mức giá 50.000 đồng/vé, du khách sẽ được tham quan 3 tầng là tầng 1, 2 và 4. Tại đây có các không gian như quảng trường bàn xoay, kiot nghệ thuật thủ công, siêu thị tinh hoa; không gian nghề gốm Bát Tràng xưa và nay; không gian cafe nghệ nhân, nhà hàng ẩm thực tinh hoa.

Với mức giá 90.000 đồng/vé, du khách sẽ được tham quan không gian nghệ thuật đương đại và triển lãm nhật ký Đất hóa vàng ở tầng 3. Tiếp đó là không gian nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, thưởng ngoạn hương sa trà ở tầng 5. Nếu muốn được thử nghiệm làm gốm du khách có thể mua vé với mức giá 70.000 đồng/vé/người lớn và 50.000 đồng/vé/trẻ em. Nếu muốn trải nghiệm combo Ghi dấu nghệ thuật gồm tham quan toàn trung tâm cùng trải nghiệm Tôi làm nghệ nhân, du khách có thể mua vé với giá 189.000 đồng/vé.

battrang14-1701259953.JPG
Các bé trải nghiệm làm gốm.

Một trong những không gian khiến giới trẻ ưa thích chính là tầng 1 của bảo tàng bởi kiến trúc độc đáo. Lần đầu tiên đến đây, bạn Đ.T (32 tuổi) không giấu được thích thú: "Đây là lần đầu tiên mình đến bảo tàng Bát Tràng. Từ chỗ mình ở đến đây hết khoảng 40 phút đi xe máy. Dù đi hơi xa một chút nhưng mình cảm thấy xứng đáng vì nơi đây rất đẹp, nhìn màu nâu này là nhớ ngay đến đất sét".

Đặc biệt có rất nhiều phụ huynh, trường học đưa các con đến bảo tàng gốm Bát Tràng như hoạt động ngoại khóa. Cô T.L - quản lý một trường mầm non tư thục cho biết: "Hôm nay cả 3 cơ sở của trường cho các con đến bảo tàng gốm Bát Tràng tham gia hoạt động ngoại khóa. Hàng tháng nhà trường sẽ có các chủ đề và tháng 11 là chủ đề nghề nghiệp nên chọn nghề gốm. Đến đây các con sẽ được tham quan bảo tàng, tập làm gốm, tô tượng... Trong suốt buổi học các con đều rất hào hứng, chăm chú nghe hướng dẫn từ các cô chú nghệ nhân và làm theo vô cùng thích thú".

Bài và ảnh: Đoàn Hòa