Phát biểu khai mạc và đề dẫn Diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh cho biết, đất nước ta đang bước vào thời điểm lịch sử, khi thế và lực của đất nước đã hội đủ, khi cả hệ thống chính trị và nhân dân quyết tâm, đồng lòng chuẩn bị các điều kiện để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, hùng cường của dân tộc anh hùng. Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã mở ra hành lang pháp lý, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập sâu rộng - Một thời kỳ mới mà kinh tế tư nhân không chỉ là “bệ đỡ” mà được chính danh là “ một động lực tăng trưởng” quan trọng của đất nước.

Song song với đó, báo chí - với vai trò là “người bạn đồng hành tin cậy” - cần thể hiện rõ sứ mệnh của mình: là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, phản ánh tâm tư của cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị chính sách, lan tỏa những mô hình tốt, những giải pháp hay, và đồng thời lên tiếng cho một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phát triển bền vững.
Chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh thời đại. Doanh nghiệp muốn đi xa phải đổi mới không ngừng. Và báo chí, hơn bao giờ hết, phải là người đồng hành sáng tạo - hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ trong sản xuất, đầu tư mà cả trong truyền thông chiến lược, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững.

Diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” sẽ tập trung vào các chủ đề mang tính thời sự, thiết thực và gắn liền với những “huyệt đạo” phát triển của nền kinh tế tư nhân:
Với lĩnh vực bất động sản, Diễn đàn sẽ thảo luận về các nội dung báo chí đồng hành tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý, lan tỏa xu hướng nhà ở xanh, nhà ở xã hội và đô thị thông minh…
Với lĩnh vực môi trường, báo chí có thể là tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, công nghệ sạch và các hành vi tiêu dùng bền vững.
Với lĩnh vực du lịch, chúng ta cần một hệ sinh thái truyền thông hỗ trợ du lịch sinh thái, văn hóa và sáng tạo – nơi báo chí đồng hành cùng địa phương, cùng doanh nghiệp làm thương hiệu điểm đến.
Với truyền thông doanh nghiệp, Diễn đàn sẽ thảo luận vai trò của báo chí trong thời đại số hóa, đồng hành xử lý khủng hoảng truyền thông, và quan trọng hơn cả – là đạo đức người làm báo trong mối quan hệ với doanh nghiệp và xã hội.
“Chúng tôi tin rằng, với sự có mặt của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp và các cơ quan báo chí uy tín, Diễn đàn hôm nay sẽ là không gian chia sẻ, kết nối và kiến tạo – góp phần thúc đẩy tinh thần cải cách, đổi mới, đồng hành cùng doanh nghiệp vì một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn” – ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, trong tiến trình phát triển của đất nước, đặc biệt là sau hơn ba thập niên đổi mới, báo chí và doanh nghiệp luôn là hai lực lượng nòng cốt, song hành, tương tác chặt chẽ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu doanh nghiệp là "người lính" tiên phong trên mặt trận kinh tế, thì báo chí chính là "người bạn đồng hành" trung thành, là cầu nối thông tin, truyền cảm hứng đổi mới, lan tỏa các giá trị tốt đẹp và phản biện mang tính xây dựng.
Trong bối cảnh hiện nay, khi phát triển bền vững trở thành yêu cầu mang tính sống còn và toàn cầu – với ba trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường – thì vai trò của doanh nghiệp càng trở nên then chốt. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành tích cực, chủ động và bản lĩnh từ báo chí.
Báo chí không chỉ đưa tin, mà còn góp phần dẫn dắt nhận thức, kiến tạo niềm tin xã hội, lan tỏa những mô hình hay, doanh nghiệp tốt, truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo, và đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực làm cản trở sự phát triển lành mạnh của môi trường kinh doanh. Đồng thời, báo chí cũng cần có cái nhìn khách quan, nhân văn đối với doanh nghiệp - nhất là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu. Cần cổ vũ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, chấp nhận cái mới, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, và đặc biệt là giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa lan tỏa giá trị thương hiệu, xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng.
“Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn hôm nay không chỉ là nơi để chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, mà còn là cơ hội để hình thành các liên kết hợp tác mới, thiết thực giữa báo chí và doanh nghiệp. Sự phát triển bền vững của đất nước là một hành trình dài, đòi hỏi sự chung sức – đồng lòng – sáng tạo của tất cả các bên. Và báo chí – doanh nghiệp – chính là hai trụ cột không thể thiếu trên hành trình đó” - ông Lê Hoàng Châu nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cũng cho rằng, không thể nói đến doanh nghiệp mà thiếu vai trò của thông tin. Trong kỷ nguyên mới, nơi tốc độ lan truyền dữ liệu vượt qua cả chu kỳ sản xuất, báo chí chính thống giữ vai trò cốt lõi trong việc định hướng dư luận, cảnh báo rủi ro, lan tỏa tri thức và phản ánh chân thực các vấn đề của doanh nghiệp với Nhà nước và xã hội. Một bài báo điều tra về gian lận thương mại có thể cứu hàng trăm doanh nghiệp chân chính khỏi cạnh tranh không lành mạnh. Một tuyến bài phản ánh những vướng mắc trong chính sách thuế, đất đai, đầu tư có thể góp phần thúc đẩy sửa đổi pháp luật. Một câu chuyện doanh nghiệp khởi nghiệp thành công sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng đổi mới sáng tạo.
“Báo chí không chỉ là kênh thông tin - mà là một thành tố trong “hệ sinh thái cải cách”, cùng với doanh nghiệp, nhà nước, và tổ chức xã hội. Trong nghĩa rộng, báo chí đang dần chuyển từ vai trò người quan sát sang vai trò người tham gia - tham gia vào quá trình kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và phát triển lâu dài. Không phải ngẫu nhiên mà tại nhiều quốc gia phát triển, báo chí được xem là “cột trụ thứ tư” của nền dân chủ - là nơi giám sát quyền lực, phản ánh thực tiễn và thúc đẩy tiến bộ thông qua quyền lực mềm của thông tin” - Luật sư Trương Anh Tú nói.

Ở góc nhìn khác, bà Văn Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP Hồ Chí Minh (HSIA); Chủ tịch CLB Báo chí và truyền thông Xanh (HSIA) nhận định, khi báo chí viết về các doanh nghiệp đã thành công trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn, thành công khi thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, sẽ tạo cảm hứng cho những doanh nghiệp khác. Điều này rất cần thiết, để những doanh nghiệp nào chưa thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn – kinh tế xanh, chưa thực hiện chuyển đổi số phục vụ mục tiêu kinh tế tể tuần hoàn thì sẽ thấy mình đứng phía sau, sản phẩm của doanh nghiệp không được yêu thích, thậm chí còn bị tẩy chay.
“Các báo cần phổ biến các câu chuyện thành công, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong phát triển xanh, từ đó khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp khác áp dụng các thực hành tương tự. Chúng ta thấy câu chuyện cảm hứng từ Sữa Vinamilk, bia Heineken, Coca – Cola…thực sự giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng các sản phẩm này” - bà Văn Thị Minh Hoa chia sẻ.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp, luật sư, nhà báo đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí, doanh nghiệp. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Diễn đàn cũng khẳng định vai trò của báo chí, là cầu nối báo chí - doanh nghiệp - nhà quản lý - nhà hoạch định chính sách, từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của các tỉnh, TP trên cả nước.
“Từ tầm nhìn quốc gia đến từng hành động cụ thể, mỗi bước đi của doanh nghiệp đều cần truyền thông thấu hiểu và sát cánh. Mỗi trang báo, mỗi chương trình truyền hình, mỗi dòng thông tin trên mạng xã hội – nếu được định hướng tốt – đều có thể trở thành “hạt giống” gieo mầm tri thức, lan tỏa khát vọng và đồng hành vì một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường” - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị