Bánh tráng Thuận Hưng: Trăm năm nguyên vị hồn quê

Có lịch sử hình thành và phát triển hơn hai thế kỉ, làng bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ) mang nét văn hóa truyền thống lâu đời, trở thành di sản quý giá của người dân xứ Tây Đô.

Nói về vùng đất Tây Đô người ta có thể kể ngay nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như bến Ninh Kiều, chợ đêm Tây Đô, chợ nổi Cái Răng cùng nhiều làng nghề truyền thống. Trong đó, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng tồn tại hơn 200 năm nức tiếng xứ Tây Đô với hương vị dẻo thơm, mềm mịn. 

413964471-268097592943460-3154142017106861301-n-1703817023.jpg
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng tọa lạc tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Tồn tại lâu đời trên mảnh đất Tây Đô, hiện nay Thuận Hưng còn lại khoảng 100 hộ sản xuất bánh tráng. 
413929559-268097629610123-5331921292783817561-n-1703817023.jpg
Vào 19/05/2023 làng bánh tráng Thuận Hưng được UBND quận Thốt Nốt phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức lễ trao Quyết định công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là làng nghề đầu tiên ở Cần Thơ đạt danh hiệu danh giá này. 
414406397-268097606276792-2408654013055554385-n-1703817023.jpg
Người thợ nơi đây chủ yếu sản xuất 3 loại bánh gồm: bánh tráng lạt, bánh tráng dừa mè dùng để nướng và bánh tráng dừa mè ăn liền. Mỗi loại đều mang hương vị và đặc trưng riêng, nhưng có điểm chung là đều dẻo ngon, thơm mùi hạt gạo vùng đất “chín rồng”. 
413970978-268097472943472-4822669325498966313-n-1703817023.jpg
Theo người thợ lâu năm trong vùng lúc hút hàng thì phải thức từ 2h sáng, hàng ít thì 4h - 5h sáng. Làm hàng đợt tết thì phải thức từ 1 giờ sáng cho kịp sản xuất, tráng đến hết nắng thì nghỉ. 
413943431-268097559610130-6092748445966742825-n-1703817022.jpg
Người Thuận Hưng có nhiều kinh nghiệm, bí quyết riêng trong khâu chọn gạo, pha bột, phơi bánh nên bánh tráng nơi đây không bị nát, bở mà vẫn giữ được hương vị nồng nàn miền quê sông nước. 
413982860-268097612943458-9108552437738753471-n-1703817023.jpg
Cái nghề này mang lại thu nhập khả quan cho người dân nơi đây. Hiện tiền công của người lao động cho các cơ sở sản xuất bánh tráng từ 100.000 đồng - 200.000 đồng/ngày, chủ cơ sở từ 500.000- 1.000.000 đồng/ngày. Mỗi hộ từ 3 đến 4 lao động trong cùng gia đình tham gia. 
410356632-707119954854487-8515099876492954515-n-1703817022.jpg
Chưa bước vào làng, từ xa du khách đã ngửi thấy mùi béo của dừa, mùi thơm thoang thoảng của bột gạo bay trong gió. Hai bên đường, những phên bánh tráng được phơi thẳng tắp như dải lụa trắng, đẹp vô cùng. 
413983035-268097439610142-7718345512303431692-n-1703817022.jpg
Du khách khi đến nơi đây sẽ được tham quan làng nghề làm bánh, hoá thân thành người thợ trải nghiệm công việc tráng bánh nhìn dễ nhưng khó này. Cùng tìm hiểu, khám phá cách làm bánh cũng như thưởng thức đặc sản nơi đây ta mới thấy rõ sự tỉ mỉ, cảm phục tấm lòng hiếu khách của người Cần Thơ. 
413853753-268097532943466-2887416099799982631-n-1703817023.jpg
Vào dịp cận Tết làng bánh tráng Thuận Hưng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhà nhà rộn ràng, hí hoáy đổ bột, tráng bánh, đông vui như hội. Từng chồng bánh xếp ngay ngắn báo hiệu một vụ mùa Tết thành công, ấm no. 

Những chiếc bánh tráng dẻo thơm từ làng nghề Thuận Hưng lan tỏa khắp nơi, trở thành thứ quà quê, món ăn đặc sản mang nhiều thương nhớ. Suốt bao nhiêu năm, làng bánh tráng Thuận Hưng vẫn là điểm đến nổi bật tại vùng đất Tây Đô. Chính những người thợ bao năm giữ lửa làng nghề đã mang thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng vang danh khắp Nam Kỳ Lục tỉnh, để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách mỗi khi có dịp ghé đến và thưởng thức.

Bài: Y Thanh - Ảnh: Nguyễn Thanh Nhật