Tất cả những điều trên đã tạo nên lợi thế, tiềm năng riêng có để Bắc Giang tăng tốc phát triển du lịch. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển du lịch từ hiện tại đến trung và dài hạn, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh đã quy hoạch 4 khu với 18 điểm du lịch, trong đó có 1 khu du lịch cấp tỉnh. Hiện tại, tỉnh đã cấp phép cho 28 doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó có 8 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Hai năm qua, tổng số khách du lịch đến Bắc Giang ước đạt hơn 3 triệu lượt; doanh thu từ du lịch ước đạt gần 1.480 tỷ đồng; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Phát huy tiềm lực hiện có, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, Bắc Giang đã và đang tập trung liên kết với các tỉnh, thành phố lớn để thu hút du khách. Ở vị trí gần Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, tỉnh chủ trương thu hút nhà đầu tư mở các dự án lớn ở các địa phương: Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam, từng bước hình thành và đưa sản phẩm du lịch thể thao, nghỉ dưỡng vào hoạt động. Tỉnh còn có vùng cây ăn quả rộng lớn, đây là nền tảng để phát triển du lịch sinh thái, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Du khách về Bắc Giang được chiêm ngưỡng nhiều đình, chùa, đền, miếu ghi dấu những chiến công hiển hách của tổ tiên trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Mỗi ngôi đình, chùa còn là một di sản lao động nghệ thuật của ông cha ta để lại. Mỗi di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật đã và đang được các thế hệ con cháu ngày nay gìn giữ, khai thác thông qua các lễ hội hằng năm. Cùng đó, mỗi năm Bắc Giang có hàng trăm lễ hội. Ngoài các lễ hội lớn như lễ hội Yên Thế, lễ hội Xương Giang, lễ hội Thổ Hà... trong tỉnh còn hàng trăm lễ hội ở làng xã. Đây cũng là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh được du khách yêu thích.
Trong những dịp cuối năm và đầu xuân, đi và cảm nhận chợ quê cũng là một nét văn hóa độc đáo. Mỗi người chúng ta lớn lên từ vùng quê không thể quên kỷ niệm được mẹ cho đi chơi chợ. Dưới những mái tranh sơ sài, người bán đủ các loại hàng hóa, nông thổ sản của vùng quê. Người chen người, tiếng chào mời rộn rã. Chợ quê, hội làng chính là nơi gặp gỡ, giao lưu, là nơi hò hẹn nên duyên của người trẻ. Nếu chúng ta khéo tổ chức, chợ quê, hội làng xứng đáng là một sản phẩm du lịch có ý nghĩa giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cụ thể, sâu sắc.
Những năm vừa qua, hệ thống giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên vùng được đầu tư mở mới, nâng cấp thông suốt. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã kết nối, nâng cấp đường liên thôn, liên xã kết nối với tỉnh lộ, quốc lộ tạo thuận lợi cho việc giao thương đi lại. Đây là tiền đề để du lịch phát triển. Tỉnh cũng từng bước liên kết hệ thống giao thông với các tỉnh, thành phố ven biển và Thủ đô Hà Nội. Ngày bé tôi được ông cha kể cho nghe những con đò chở hàng hóa đi qua các vùng quê ven sông thật thú vị, lãng mạn. Du lịch đường sông nếu để tâm khai thác cũng trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh.
Một điều thú vị là, trong quy hoạch, tỉnh phát triển du lịch tâm linh gắn với con đường “Hoằng dương Phật pháp của thiền phái Trúc Lâm từ chùa Vĩnh Nghiêm bên bờ sông thuộc xã Trí Yên (Yên Dũng) lên Tây Yên Tử”. Ngày xưa nơi đây còn hoang vu, Phật hoàng Trần Nhân Tông phải đi thuyền từ kinh thành Thăng Long đến Lục Đầu giang rồi qua ngã ba vào sông Lục Nam đến Vĩnh Nghiêm soạn kinh Phật, để lại bộ mộc bản quý giá cho hôm nay, trở thành di sản được thế giới vinh danh. Khôi phục con đường Hoằng dương Phật pháp lên Tây Yên Tử là một dự án tâm linh của tỉnh, bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ hôm nay và mai sau đối với dòng Phật giáo thuần Việt.
Theo đề án, để tạo nét riêng, đồng thời khôi phục con đường Hoằng dương Phật pháp Trúc Lâm Yên Tử, tỉnh đã nghiên cứu xây dựng Khu di tích chùa Bát Nhã thuộc xã Huyền Sơn (Lục Nam) bên bờ sông Lục Nam. Ta có thể coi chùa Bát Nhã là nơi Phật hoàng đặt chân lên bộ, mở đường lên Tây Yên Tử. Ta cứ hình dung, từ chùa Vĩnh Nghiêm ra bờ sông Lục Nam chỉ vài chục mét, hơn 700 năm trước đây chắc sẽ có một bến thuyền, mở đầu cho con đường Hoằng dương Phật pháp lên Tây Yên Tử. Tổ tiên đã mở cho chúng ta con đường tâm linh, ngày nay chúng ta khôi phục, giữ gìn và khai thác nó trở thành một sản phẩm du lịch, vừa giáo dục truyền thống, vừa làm kinh tế du lịch làm lợi cho dân.
Một ngày không xa, du khách, phật tử đi lễ chùa Vĩnh Nghiêm lại được ra bến sông xưa, lên thuyền đi theo con đường hơn 700 năm trước Phật tổ đã đi, để nghe tiếng mái chèo khua nhẹ trên mặt nước, ngắm dãy Huyền Đinh, ngắm vòng cung Đông Triều xanh thắm, trầm mặc trong tiết xuân cho lòng người thanh thản, vơi đi nỗi âu lo. Thuyền cập bờ, du khách vào chùa Bát Nhã bên dãy Huyền Đinh thắp nén nhang cầu chúc một năm mới đầy niềm tin, hy vọng và thành công.