Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

4 vấn đề cần giải quyết để du lịch Việt Nam xanh

Du lịch xanh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu của du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong thời gian qua. Nhắc đến du lịch xanh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những thách thức, khó khăn.

4 vấn đề cốt lõi của du lịch Việt Nam xanh

Tại Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững 2024 do Hiệp Hội du lịch Việt Nam và Cục Du lịch Quốc gia tổ chức, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc) Việt Nam chia sẻ rằng, du lịch Việt Nam đạt được những thành công này phần lớn là nhờ vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Trong bối cảnh ngành du lịch thế giới tăng cường xu hướng trải nghiệm gắn bó, gần gũi với thiên nhiên, văn hóa bản địa thì yêu cầu về một ngành du lịch xanh là yếu tố tiên quyết để hút khách du lịch quốc tế.

Ông nhấn mạnh chuyển đổi xanh để phát triển bền vững là điều tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao đời sống cho những cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và góp phần tăng trưởng kinh tế. Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam cho rằng du lịch xanh Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề sau: Quy hoạch xanh; Quản lý điểm đến hiệu quả; Du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; Du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

dulichxanh-1719129732.jpg
Quảng Nam phát huy thế mạnh, hưởng ứng xu hướng du lịch chuyển đổi xanh toàn diện - Ảnh: Silk Sense Hoi An River Resort.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch xanh, ông Patrick Haverman cho rằng: “Trong quy hoạch quốc gia cần định hướng cho phát triển du lịch xanh, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ít tác động tới môi trường và thiên nhiên, đảm bảo quản lý chất thải rắn và nước thải hiệu quả cùng nhiều vấn đề khác. Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa điểm nhạy cảm về mặt sinh thái như các khu bảo tồn biển và các vườn quốc gia".

Thứ 2, về Quản lý điểm đến hiệu quả, ông nhấn mạnh ở Việt Nam còn có rất nhiều việc để giải quyết vấn đề này. Trước tiên, quản lý điểm đến là một quá trình cần có sự tham gia, dẫn dắt của các cấp chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để cho tiếng nói và quan điểm họ được lắng nghe và tiếp nhận.

"Nói về các biện pháp quản lý điểm đến hiệu quả, chúng ta cần có những quy định quan trọng như hạn chế rác thải nhựa và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến du lịch tại mỗi địa phương một cách toàn diện, để đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng trải nghiệm tích cực cho du khách về mặt tổng thể", ông nói.

"Hơn nữa, cách tiếp cận này cho phép chúng ta xác định và tận dụng các tài sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo của từng địa phương, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch mang tính bản sắc cho từng vùng", ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Ông Patrick Haverman cho rằng trong trong cam kết hướng tới một tương lai xanh hơn, việc bắt tay vào hành trình hướng tới một môi trường du lịch không có rác thải nhựa và carbon thấp là điều vô cùng cần thiết, cấp bách.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và UNDP đã cùng nhau bắt tay vào thực hiện dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam” với mục tiêu thúc đẩy giảm thiểu và quản lý rác thải nhựa từ du lịch. Nhiều địa phương, điểm đến du lịch đã bắt đầu quá trình xanh hóa du lịch từ nhiều năm nay, có thể kể đến phố cổ Hội An (Quảng Nam), Cô Tô (Quảng Ninh)...

Thông qua các sáng kiến, dự án bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Dự án tập trung vào việc tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp du lịch hướng tới không sử dụng đồ nhựa một lần trong du lịch thông qua xây dựng các tiêu chí rõ ràng để công nhận các đơn vị có các thực hành tốt, xây dựng ứng dụng di động để quản lý và giám sát rác thải nhựa cũng như hỗ trợ triển khai các kế hoạch hành động mạnh mẽ nhằm hạn chế rác thải nhựa trong ngành.

Ông Patrick Haverman nói thêm rằng giao thông xanh cũng có tiềm năng lớn để thúc đẩy du lịch xanh. Việc khuyến khích giao thông xanh trong du lịch sẽ cung cấp thêm các phương tiện giao thông linh hoạt và thân thiện với môi trường cho khách du lịch tại các điểm đến. Sáng kiến này sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí tại địa phương và thúc đẩy các đóng góp của ngành du lịch cho các cam kết của chính phủ trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng không.

dulichxanh1-1719129780.jpg
Có 4 vấn đề cần giải quyết để du lịch Việt Nam xanh - Ảnh: Silk Sense Hoi An River Resort.

Vấn đề cuối cùng chính là Du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên, ông Patrick Haverman đánh giá Việt Nam có rất nhiều khu bảo tồn trên biển và đất liền, là tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên. Tuy nhiên, việc triển khai du lịch dựa vào thiên nhiên một cách bền vững sẽ đòi hỏi phải lập kế hoạch tỉ mỉ và cân nhắc kỹ lưỡng.

"Cần phải có các đánh giá tác động tiềm ẩn đối với các hệ sinh thái mong manh trong các khu bảo tồn này. Phải đảm bảo rằng mọi hoạt động du lịch đều phù hợp với mục tiêu bảo tồn, tăng cường thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch địa phương hơn nữa, như vậy mới có thể thúc đẩy cả bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế xã hội.

Thông qua dự án “Thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch dựa vào thiên nhiên có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam", UNDP và  Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 2 tỉnh Quảng Bình, Ninh Thuận đang tích cực hợp tác. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư tư nhân cho du lịch dựa vào thiên nhiên thông qua các quan hệ đối tác công tư; đánh giá sức chịu tải du lịch của các vườn quốc gia, khu bảo tồn; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng; thiết lập các thỏa thuận chia sẻ lợi ích công bằng và thúc đẩy sự thay đổi thái độ và hành vi của xã hội theo hướng tích cực đối với du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên”, Phó trưởng đại diện Patrick Haverman bày tỏ.

Đại diện UNDP cho biết tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh.

Hành động để du lịch xanh

Nói về du lịch xanh để phát triển bền vững, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhiều lần nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường là nhu cầu cấp bách của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đối khí hậu. Chính vì thế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về môi trường và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tham gia vào chương trình với các hoạt động cụ thể của ngành mình. Thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Đối với du lịch với đặc thù là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mọi sự thay đổi của xã hội, của tự nhiên đều tác động đến du lịch. Do vậy, du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.

racthainhua3-1718933377.jpg
Ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ về giảm rác thải nhựa trong du lịch.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, hành động theo hướng chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiêp, đơn vị du lịch, người làm du lịch cần nắm rõ về du lịch xanh phát triển bền vững để có những định hướng, sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế.

Đặc biệt, mỗi người làm du lịch là một người tuyên truyền đến người thân, bạn bè, khách du lịch về giảm rác thải nhựa. Từ đó giúp mọi người hiểu rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa, lan tỏa sự tích cực, chung tay đóng góp và việc phát triển du lịch xanh.

Thời gian qua, HHDLVN đã thực hiện nhiều hội thảo, tọa đàm, chương trình tập huấn về giảm rác thải nhựa trong du lịch cho các doanh nghiệp, điểm đến du lịch, người làm du lịch ở Ninh Bình, Hội An... Tại buổi tập huấn, HHDLVN cũng giới thiệu Bộ tiêu chí Công nhận doanh nghiệp không rác thải nhựa và ứng dụng quản lý rác thải nhựa đến các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức làm du lịch. Thông qua ứng dụng này, cơ quan quản lý nắm được thông tin, số liệu thống kê về tình hình thực hiện quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.