Nét văn hoá lâu đời khu chợ trên sông
Chợ nổi Cái Răng hình thành và phát triển hơn 100 năm, dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, song vẫn giữ được nét đặc trưng thuở ban đầu. Tận dụng sự ưu ái của thiên nhiên với vùng đất “chín rồng”, nơi hợp lưu nhiều con sông to nhỏ thuận lợi thông thương mua bán bằng đường thủy, chợ nổi xuất hiện theo nhu cầu của người dân và được duy trì đến ngày nay. Trên nhánh sông Cần Thơ hiền hòa, êm ả hội tụ đủ loại đặc sản miệt vườn từ các vùng miền Tây xuôi dòng về đây.
Khi xưa, người dân họp chợ rất sớm, từ giữa đêm về sáng. Lúc gà còn chưa cất tiếng gáy gọi sớm mai đã thấy ánh đèn từ hàng trăm thuyền, bè từ khắp các ngả sông rộn ràng kéo về chợ nổi. Không khí nhộn nhịp với tiếng xình xịch từ máy dầu, tiếng mái chèo khua nước, tiếng nói cười rộn rã mang đậm chất miền Tây. Ngày nay chợ họp trễ hơn, thường từ 4 - 5h sáng mới bắt đầu, bán đến hết ngày.
Hàng hoá để buôn bán, trao đổi tại chợ nổi Cái Răng đa phần là các loại nông sản miệt vườn, hàng thủ công, nhu yếu phẩm, đồ ăn sáng, các loại bánh, khô… đặc trưng của vùng sông nước. Được ngồi trên thuyền, thưởng thức các loại trái cây ngọt lịm hay tô bún cua nghi ngút khói giữa tròng trành sóng nước mang lại cảm giác mới lạ, thú vị mà du khách chưa từng thử trước đây.
“Ai khoai lang bầu bí cải không?”... Chưa đến chợ đã nghe tiếng rao hàng quen thuộc văng vẳng khắp mặt sông. Bên cạnh tiếng rao mát tai như câu hò câu hát, “cây bẹo” cũng là một hình thức quảng cáo độc đáo của khu chợ trên sông. Các mặt hàng được treo lủng lẳng trên sào hay cây bẹo, được du khách ví như “rừng ăng ten” đầy màu sắc. Đây là cách giao thương lâu đời của chợ nổi, giới thiệu mặt hàng không ồn ào, vội vã, mang nét thú vị riêng.
Gần Tết, chợ nổi Cái Răng càng nhộn nhịp, vội vã. Thuyền ghe tụ về giao thương đậu ken dày cả một khúc sông. Xanh xanh thứ quà quê cùng màu cam, vàng những chậu hoa cúc, vạn thọ, mâm xôi… tạo nên bức tranh chợ nổi đầy sức sống, đẹp rực rỡ. Những chiếc bè được tân trang, thêm vào các chậu hoa xanh tươi, khoe mình trước nắng tràn đầy không khí Tết.
“Ninh Kiều em gái Cần Thơ!
Cái Răng chợ nổi, bóng chiều Tây Đô”.
Giữa dòng chảy thời gian, khu chợ nổi vùng Tây Đô vẫn còn giữ nguyên được những nét đặc trưng vốn có. Nơi đây trở thành điểm đến thú vị cho những ai yêu sông nước, muốn được ngắm nhìn những hình ảnh quen thuộc miền sông nước Nam Bộ, muốn hòa mình vào dòng ghe thuyền tấp nập như mắc cửi, lặng xem những ánh đèn hắt hiu trên mặt nước phản ánh cảnh sinh hoạt đời thường rất đỗi dung dị.
Cuộc sống của “thương hồ” trên sông
“Đời nào vui bằng đời thương hồ
Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông”
...Câu hát như một lời động viên, tự khích lệ bản thân của những thương nhân quanh năm trôi dạt, buôn bán trên sông nước. Có lênh đênh trên ghe mới thấm thía những nỗi niềm của đời thương hồ, không chỉ rày đây mai đó, đời thương hồ còn là câu chuyện mưu sinh, cuộc sống trên sông nước.
Chị Ba Hên - một tiểu thương tại chợ cho biết, trước khi lấy chồng chị chưa bao giờ sống dưới ghe, phải mất vài tháng mới thích nghi được với con sóng dập dìu đánh vào mạn thuyền. Cuộc sống nơi đây cũng tất bật như trên đất liền, thường dậy rất sớm. Từ 4 - 5 giờ sáng chị đã phải thức dậy để chuẩn bị có bạn hàng ghé qua, cũng có lúc sớm hơn.
“Tôi đã sinh sống trên ghe hơn 20 năm từ việc truyền nghề của cha. Không có nghề buôn bán mình đâu có làm được gì đâu vì đất ruộng không có. Giờ buôn bán kiếm sống qua ngày cũng đỡ hơn làm mướn. Mình làm chủ bản thân mình dễ hơn làm mướn cho người ta. Sống trên ghe cũng quen rồi, nếu lên bờ thì cũng buồn. Không biết vì sao nhưng thiếu vắng sự bồng bềnh thì lại buồn chịu không nổi” - anh Trần Khắc Khởi, một thương lái cho biết.
Đối với dân thương hồ, chiếc ghe không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là “nhà”, nơi sinh sống của gia đình, từ việc ngủ, nghỉ, tắm, giặt, ăn uống đều diễn ra trên ghe. Sau phiên chợ sớm nhộn nhịp, khi đêm về, chợ nổi như khoác lên mình chiếc áo êm đềm. Lúc này người dân mới đặt được gánh nặng mưu sinh xuống mà thả hồn tận hưởng những làn gió mát dịu cũng như ngắm nhìn lại khung cảnh yên ả chốn quê thanh bình.
Dẫu cuộc sống mưu sinh vẫn còn nhiều khó khăn, bất tiện, nhưng những người dân tại chợ nổi vẫn bám trụ với cái nghề cái nghiệp được truyền lại bao đời. Kết thúc một ngày làm việc vất vả, những người hàng xóm tụm lại trên ghe, sự mệt mỏi của công việc nhường lại cho những câu chuyện thú vị lúc ban sáng.
Chợ nổi Cái Răng mang trong mình những giá trị làm nên bản sắc. Nhịp sống lênh đênh sông nước dần đi vào tiềm thức người dân trên mảnh đất này. Không chỉ là khu chợ, đây còn là nơi sinh ra và lớn lên của bao thế hệ, mang cái hồn, mang nét văn hoá đặc trưng của vùng sông nước êm ả Tây Nam Bộ.