Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Trạm dừng chân miễn phí: “Cứu cánh” cho các tài xế xe ôm tại TP Thủ Đức

Tại trụ sở Nhà Văn hóa Lao động thành phố Thủ Đức mới xuất hiện một "Điểm dừng chân miễn phí" dành cho những người chạy xe ôm. Đây được xem là "cứu cánh" để các bác tài có chỗ nghỉ ngơi lấy sức giữa những cuốc xe mệt nhọc.

Điểm dừng chân miễn phí này đặt tại số 245 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm dừng chân này có trang bị bàn ghế, nước uống nóng lạnh, nhà vệ sinh và wi-fi miễn phí, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết của các tài xế. Đặc biệt phía trước điểm dừng chân còn có “Tủ quà 0 đồng chia sẻ yêu thương”, nơi san sẻ tấm lòng “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. 

94af9a393f829cdcc59322-1719484082.jpg
Điểm dừng chân có mái che và tiện ích đầy đủ.

Anh Trần Phú Bình, quản lí điểm dừng chân cho biết sau gần một tuần đưa vào hoạt động điểm dừng chân không chỉ nhận được sự quan tâm từ đối tượng chính là các bác tài xe ôm truyền thống và cả xe ôm công nghệ, mà còn nhận được sự hưởng ứng của đa số người dân sinh sống trên địa bàn. 

“Điểm dừng chân được bố trí ở một vị trí cực kỳ thuận lợi cho các phương tiện có thể dễ dàng tiếp cận tránh nắng và lưu trú trước những cơn mưa bất chợt. Bên cạnh đó, còn có bình trà đá miễn phí cho người dân giải nhiệt. Điểm dừng chân này mở ra nhằm mục đích để phục vụ, giảm bớt đi một phần khó khăn và nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh của người dân lao động và đã mang lại được hiệu quả rất thiết thực”, anh Bình nhấn mạnh. 

9a25423ce08743d91a9615-1719484067.jpg
Anh Trần Phú Bình đóng góp vào tủ quà 0 đồng. 

Xây dựng điểm dừng chân cho những tài xế xe ôm nhưng đến hiện tại nơi đây cũng mở ra cho tất cả bà con lao động có nhu cầu tìm nơi nghỉ ngơi, tránh nóng. Bất kì ai có nhu cầu đều có thể sử dụng những dịch vụ cộng đồng miễn phí tại đây. 

Điểm dừng chân mới này không chỉ đơn thuần là một chỗ nghỉ ngơi mà còn là một nơi giúp các tài xế xe ôm thư giãn và phục hồi năng lượng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách. Khi tài xế được nghỉ ngơi đầy đủ, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, an toàn hơn, và phục vụ khách hàng tốt hơn, cuộc sống mưu sinh cũng sẽ đỡ vất vả.

be1118b8bd031e5d471219-1719484067.jpg
Một tài xế dừng xe dùng nước tại đây.
5c07448ce13742691b2620-1719484067.jpg
Không chỉ xe ôm, người lao động có nhu cầu đều có thể đến nghỉ ngơi tại đây.

Sáng kiến này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng tài xế xe ôm. Anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế xe ôm lâu năm, chia sẻ: "Điểm dừng chân này thực sự là một cứu cánh. Trước đây, sau mỗi chuyến đi dài, tôi thường phải tìm quán cà phê hoặc ngồi ở lề đường để nghỉ ngơi. Giờ đây, tôi có thể thoải mái nghỉ ngơi mà không lo lắng gì, thực sự rất hữu ích".

8fb58778b52c17724e3d-1719622800.jpg
Phía sau điểm dừng chân còn có những chiếc võng để các bác tài ngả lưng nghỉ ngơi.

Hiện tại điểm dừng chân này có lắp đặt nhiều camera giám sát góp phần bảo vệ tài sản người lao động trong lúc họ nghỉ ngơi. Anh Bình cho biết, trong thời gian tới có thể sẽ lắp đặt máy phun sương giúp người dừng chân có không gian nghỉ ngơi mát mẻ hơn. 

Người lao động dừng chân nơi đây nên lưu ý phải tiết kiệm khi sử dụng vật dụng miễn phí, tránh làm hư hỏng. Giao tiếp, ứng xử văn minh và đặc biệt phải giữ gìn vệ sinh chung. 

Tài xế xe ôm thường phải làm việc nhiều giờ dưới trời nắng, mưa, và khói bụi. Không ít người trong số họ phải ngồi trên xe hoặc tìm chỗ dừng tạm bợ ven đường để nghỉ ngơi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn giảm hiệu suất làm việc của họ. Chính vì vậy, việc có một điểm dừng chân tiện nghi và thoải mái là vô cùng cần thiết.

Việc đầu tư vào các điểm dừng chân tiện nghi cho tài xế xe ôm là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc mưu sinh của họ. Hiện tại, đây là điểm dừng chân thứ 4 tại TP.HCM được thành lập, sau 1 điểm ở quận 7 và 2 điểm ở quận Bình Tân. Hy vọng rằng, sáng kiến này sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng tài xế xe ôm nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung.
Bài, ảnh: Y Thanh