Đây là lần thứ tư Việt Nam vinh dự được Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng lựa chọn làm nơi tổ chức sự kiện trọng đại này. Trước đó, Việt Nam đã từng đăng cai Đại lễ Vesak vào các năm 2008 (Hà Nội), 2014 (Ninh Bình) và 2019 (Hà Nam).

a1-1746200456138402638728-1746259299.webp
Lễ cung nghinh xá lợi Phật tổ chức trang nghiêm.

Với thông điệp chủ đạo "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững", Đại lễ Vesak 2025 hứa hẹn sẽ là một diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo Phật giáo, các học giả và phật tử trên khắp thế giới cùng nhau chia sẻ những giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động đặc sắc của Đại lễ Vesak 2025:

Từ ngày 3 đến 9 tháng 5: Khu vực Công viên Láng Le, huyện Bình Chánh sẽ trở nên sôi động với Lễ hội văn hóa Phật giáo, biểu diễn nghệ thuật Phật giáo và hội chợ văn hóa Phật giáo. Đặc biệt, các sự kiện này còn hòa chung không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) của huyện Bình Chánh.

Từ ngày 3 đến 21 tháng 5: Phật tử và người dân sẽ có cơ hội chiêm bái Xá lợi Phật bảo vật Quốc gia Ấn Độ tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) và Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự (Quận 10). Hành trình chiêm bái Xá lợi Phật sẽ tiếp tục tại Núi Bà Đen (Tây Ninh, từ 8-13/5), chùa Quán Sứ (Hà Nội, từ 13-16/5) và chùa Tam Chúc (Hà Nam, từ 17-21/5).

Ngày 4 tháng 5: Các triển lãm văn hóa Phật giáo đặc sắc sẽ chính thức khai mạc tại khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam, hứa hẹn mang đến những khám phá thú vị về lịch sử, triết lý và nghệ thuật Phật giáo.

495566729-1218236950309507-852825049591303844-n-1746259549.jpg

Ngày 5 tháng 5: Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ nhộn nhịp đón chào hàng trăm đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thể hiện sự lan tỏa và tầm vóc quốc tế của Đại lễ.

Ngày 6 tháng 5: Lễ khai mạc trọng thể Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sẽ diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam, cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, chính thức khởi đầu chuỗi sự kiện quan trọng.

Ngày 7 tháng 5: Phiên Hội thảo khoa học quốc tế của Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sẽ là nơi các học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trình bày và thảo luận về những vấn đề Phật giáo đương đại và đóng góp của Phật giáo vào hòa bình và phát triển.

Ngày 8 tháng 5: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 sẽ khép lại bằng lễ bế mạc trang trọng, đánh dấu sự thành công của một sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế ý nghĩa.

Giao lưu nghệ thuật quốc tế: Trong khuôn khổ Đại lễ, một chương trình giao lưu nghệ thuật quốc tế đặc sắc dự kiến sẽ diễn ra tại Nhà hát Sa La, khu đô thị Đại Quang Minh, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Hàn Quốc và Việt Nam.

495575030-1218237106976158-4942058411688670327-n-1746259678.jpg

Đại lễ Vesak 2025 tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến thu hút hơn 2.700 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 1.300 đại biểu quốc tế. Sự kiện này không chỉ là một hoạt động tôn giáo quan trọng mà còn là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa đến bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế ngày càng cao của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

a2-1746200456217739028509-1746259358.webp
Người dân có thể chiêm bái xá lợi Phật tại chùa Thanh Tâm từ chiều 3/5.

Xá lợi Đức Phật là bảo vật quốc gia của Ấn Độ, được tôn trí tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi. Theo quy định ngoại giao của Ấn Độ, việc xuất ngoại xá lợi Đức Phật tương đương với chuyến công du của nguyên thủ quốc gia.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, việc cung rước xá lợi Đức Phật về Việt Nam mang 3 ý nghĩa lớn.

Thứ nhất, đây được xem là biểu tượng sinh động cho mối quan hệ hữu nghị và sự tin tưởng sâu sắc giữa 2 quốc gia Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và Phật giáo.

Thứ hai, với việc xá lợi Đức Phật - Quốc bảo của Ấn Độ - được đưa đến Việt Nam, thể hiện món quà tâm linh và văn hóa thiêng liêng mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ dành tặng nhân Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam.

Thứ ba, sự kiện mở ra cơ hội để cộng đồng Phật giáo toàn cầu đến Việt Nam chiêm bái xá lợi, góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam như một nhịp cầu kết nối văn hóa và tâm linh trong cộng đồng Phật giáo thế giới.

Những lưu ý quan trọng dành cho người dân:

Người dân có thể chiêm bái Xá lợi Đức Phật tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) từ ngày 3/5 đến trưa 8/5, trong khung giờ 6h đến 22h hàng ngày.

Sáng ngày 6/5, việc chiêm bái sẽ dành riêng cho các đại biểu tham dự Đại lễ Vesak 2025.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông báo một số quy định cần tuân thủ khi chiêm bái:

Miễn phí hoàn toàn: Ban tổ chức không thu bất kỳ chi phí nào và không nhận vòng hoa, lễ phẩm.
Tuân thủ hướng dẫn: Người dân cần đi theo hàng lối, giữ im lặng tuyệt đối và không tự ý chụp ảnh, quay phim bên trong khu vực tôn trí.

Không mang vật dụng cá nhân: Điện thoại, máy ảnh, máy quay phim, vũ khí, chất nổ, đồ ăn, thức uống và các vật dụng gây mất trật tự đều không được phép mang vào.

Hạn chế đối tượng: Trẻ em dưới 2 tuổi, người sức khỏe yếu hoặc có trang phục, hành vi không phù hợp sẽ không được tiếp đón.

Ban tổ chức kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc các quy định trên để đảm bảo sự trang nghiêm và ý nghĩa thiêng liêng của việc chiêm bái Xá lợi Đức Phật - Quốc bảo Ấn Độ, hiện đang được tôn trí tại chùa Thanh Tâm.