Thái Nguyên từ lâu đã được biết đến là vùng đất của “Đệ nhất danh trà”, nơi nghệ thuật thưởng trà trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Nhằm lan tỏa giá trị văn hóa trà và thu hút du khách, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai một loạt hoạt động nổi bật, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, nét văn hoá, ẩm thực độc đáo của tỉnh Thái Nguyên.

z6467630230782-c2812b7e24c1e8fb650b355d1dd6bf99-1743644572.jpg

Hiện Thái Nguyên và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang tích cực phối hợp để sớm đưa vào khai thác du lịch thông qua tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Để tạo cảnh quan hấp dẫn dọc tuyến đường sắt qua địa phận Thái Nguyên, tỉnh sẽ quy hoạch và phát triển các vùng chè cảnh quan đặc trưng, kết hợp trồng hoa theo mùa.

Thời gian tới, nhằm quảng bá văn hóa trà, điểm đến du lịch và ẩm thực Thái Nguyên, tỉnh sẽ triển khai thí điểm hệ thống truyền thông đa phương tiện trên các toa tàu tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. Đồng thời, không gian văn hóa trà sẽ được xây dựng tại phòng chờ và sân ga, kết hợp trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ngọc Linh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, khẳng định ​​địa phương xác định việc phát triển du lịch không thể tách rời khỏi sự phát triển của hệ thống giao thông. Trong đó, giao thông đường sắt là một phương tiện di chuyển an toàn, hiệu quả, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị và cảm giác hoài niệm, yên bình.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nhận định khẳng định Hà Nội và Thái Nguyên có mối liên kết chặt chẽ trên nhiều phương diện, bao gồm kinh tế, giao thông và du lịch, với mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cả khu vực.

z6467630230771-efaf8d40b3fa4aa2c484bfa9a09a286d-1743644572.jpg

Hệ thống giao thông kết nối hai địa phương ngày càng được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tăng cường giao thương kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong lĩnh vực du lịch, sự hợp tác giữa hai địa phương ngày càng sâu rộng thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá chung, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm nhằm phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc và xây dựng môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi.

Để mối liên kết này ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, ông Hiếu đề xuất Hà Nội và Thái Nguyên cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng đổi mới, sáng tạo và hấp dẫn du khách. Trong đó, sản phẩm du lịch đường sắt sắp ra mắt sẽ là một điểm nhấn, góp phần thúc đẩy liên kết tuyến độc đáo và hấp dẫn từ Thủ đô tới xứ Trà.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cũng đề xuất hai địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các kênh truyền thông, tham gia các sự kiện lớn trong ngành, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.

z6467630230795-dbb586eed7982ec86181d68ccea4d587-1743644573.jpg

Về phía ngành du lịch Thủ đô, Hà Nội cam kết đồng hành và hỗ trợ các hoạt động của du lịch Thái Nguyên, đồng thời mời địa phương tham gia các sự kiện du lịch lớn trong năm 2025 như: Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội (tháng 4), Lễ hội Du lịch Hà Nội (tháng 5), Festival Thu Hà Nội (tháng 9) và Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội (tháng 10).

Mối liên kết, phối hợp giữa Hà Nội và Thái Nguyên có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển du lịch của cả hai địa phương. Hà Nội cam kết không ngừng tăng cường hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Thái Nguyên để thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm tới nay, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt 1,3 triệu lượt, tăng 29,7% so với kế hoạch và tăng 10,5 so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, sở hữu hơn 1.000 di tích, trong đó 313 di tích được xếp hạng. Các địa danh nổi tiếng như Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa, Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái... thu hút du khách tìm về nguồn cội. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các danh thắng như hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, thác Mưa Ráo... càng tăng sức hút.