PV

Review du lịch: Con dao hai lưỡi của thời đại số

Review du lịch nở rộ trên mạng xã hội. Lợi ích có thật nhưng cũng đầy rủi ro thông tin sai lệch, thổi phồng. Người xem cần tỉnh táo và chọn lọc.

Trong kỷ nguyên mạng xã hội phát triển vượt bậc, review du lịch đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá của nhiều người. Chỉ với vài cú nhấp chuột, người dùng có thể tiếp cận hàng loạt đánh giá, nhận xét, chấm điểm về điểm đến, món ăn, dịch vụ… từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích về thông tin nhanh và đa chiều, xu hướng này cũng đặt ra không ít thách thức về tính xác thực và khách quan.

ky-co-1748312960.jpg
Hình ảnh lung linh du khách đăng tải trên mạng xã hội đôi khi không giống sự thật (Ảnh minh hoạ)

Một ví dụ điển hình là câu chuyện về bài viết đánh giá các quán ăn ở Huế được chia sẻ trên Facebook. Trong khi một số địa điểm được khen ngợi với điểm số cao và lời nhận xét tích cực, thì một vài quán bình dân lại bị chấm điểm thấp, khuyến cáo không nên ghé. Phần bình luận nhanh chóng trở thành diễn đàn tranh luận trái chiều. Nhiều người cho rằng những quán bị đánh giá thấp vốn không đại diện cho tinh hoa ẩm thực Huế, còn tác giả phản hồi rằng đây là nhận xét cá nhân sau khi tham khảo những bài khen trước đó.

Thực tế cho thấy, dù chỉ là chia sẻ trải nghiệm cá nhân, các bài review vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến quyết định của người đi du lịch. Với tâm lý “người thật, việc thật”, nhiều du khách tin tưởng tuyệt đối vào các bài đánh giá từ mạng xã hội. Nhưng niềm tin đó đôi khi trở thành con dao hai lưỡi. Có những địa điểm được khen ngợi rầm rộ lại gây thất vọng vì không đúng như kỳ vọng, thậm chí là kết quả của những bài viết được trả phí nhằm mục đích quảng cáo.

review-danh-gia-san-pham-1748312960.jpg
Review là một hình thức bày tỏ kiến của du khách và cũng là 1 kênh tham khảo của nhiều du khách khác.

Không ít người đã phải “dở khóc dở cười” khi thực tế không giống review. Một địa điểm bị chấm điểm thấp có thể vẫn phù hợp với khẩu vị hoặc sở thích riêng của người khác. Mỗi cá nhân có gu thưởng thức và kỳ vọng riêng biệt – điều mà các bài review, vốn mang tính cảm nhận chủ quan, khó có thể phản ánh đầy đủ.

Ngoài ra, yếu tố thời điểm cũng ảnh hưởng đến tính chính xác của các bài đánh giá. Một quán ăn, một điểm đến có thể được ca ngợi nhờ trải nghiệm tốt ở thời điểm nhất định, nhưng khi lượng khách tăng đột biến sau bài review, chất lượng dịch vụ có thể sụt giảm, tạo ra khoảng cách giữa lời khen ban đầu và trải nghiệm thực tế của người đến sau.

Điều đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện ngày càng nhiều bài viết mang tính “thổi phồng” do các reviewer thiếu khách quan hoặc chịu ảnh hưởng từ lợi ích tài chính. Những cụm từ như “10 điểm không có nhưng”, “nhất định phải ghé”, “không thể bỏ qua” dễ khiến người đọc kỳ vọng thái quá. Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh và việc thuê người viết bài đánh giá khiến môi trường thông tin trở nên nhiễu loạn.

doan-hoi-thoai-check-in-khach-san-bang-tieng-anh-1748312960.jpg
Các cơ sở kinh doanh đôi lúc rất đau đầu với những review "bẩn" (Ảnh minh hoạ)

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, việc tham khảo review không sai, nhưng cần có sự chọn lọc. Nên tìm đến các bài viết từ những người có uy tín, có kiến thức chuyên sâu về văn hóa, ẩm thực, địa phương. Đồng thời, việc đọc nhiều bài đánh giá, tham khảo ý kiến đa chiều trong phần bình luận sẽ giúp người xem có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn trước khi đưa ra lựa chọn cho hành trình của mình.

Review du lịch – nếu được khai thác đúng cách – vẫn là một công cụ hữu ích. Nhưng trong thế giới số, nơi mọi thứ dễ dàng bị khuếch đại hoặc bóp méo, sự tỉnh táo và khả năng lọc thông tin là điều không thể thiếu đối với mỗi du khách hiện đại.


 

Bích Bông