Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những địa danh lịch sử cách mạng tại Hà Nội gắn với sự kiện ngày 2/9

Nếu bạn và gia đình mình đang sinh sống ở Hà Nội hoặc gần Hà Nội mà muốn khám phá các di tích lịch sử gắn với sự kiện ngày 2/9, các điểm đến dưới đây là một gợi ý.

1. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang

ngoi-nha-48-hang-ngang-1692266792.jpg

Ảnh: Lao động Thủ đô

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang vốn thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân.

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong những ngày đầu trở về Hà Nội. 

Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hiện tại tầng 1, phòng ngoài được dùng làm nơi trưng bày các di ảnh, đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng.

Trên tầng 2 nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương được giữ nguyên nội thất, với những hiện vật đã có, trong đó đặt ở giữa chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh, phủ khăn trắng và một bàn nhỏ đặt một chiếc máy chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng. Ngày nay nơi đây là một điểm tham quan di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô

2. Quảng trường Ba Đình

quang-truong-ba-dinh-1692266871.jpg

Ảnh: Viet Fun Travel

Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã lưu giữ dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - từ đó lịch sử đã sang trang, một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc..

Đến Quảng trường Ba Đình, người dân ngoài có thể chiêm ngưỡng nơi đất nước ta chính thức tuyên bố là một nước độc lập, mà đồng thời có thể kết hợp viếng lăng của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. 

Ngày nay, quảng trường có khuôn viên rộng lớn, được tô điểm bởi hàng trăm ô cỏ vuông vức, xen giữa là lối đi rộng. Những ô cỏ này không chỉ để tăng không gian xanh cho quảng trường, mà còn có tác dụng giải nhiệt mặt sân bê tông. Nổi bật là cột cờ cao 25m, và nằm sau cột cờ chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Rất nhiều người khi đến Hà Nội đã lựa chọn địa điểm này để thăm quan và ước nguyện vào Lăng viếng Bác. Không những vậy, người dân có thể xem lễ thượng cờ (6h mùa hè, 6h30 mùa đông) và hạ cờ (21h cùng ngày).

3. Quảng trường Cách mạng Tháng Tám 

quang-truong-cach-mang-thang-tam-1692266957.jpg
Ảnh: Kinh tế Đô thị

Hay còn được gọi là Quảng trường 19/8, quảng trường nằm tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Quảng trường nằm đằng trước của công trình Nhà hát Lớn. 

Những ngày mùa Thu tháng 8 lịch sử năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ở Hà Nội, có một nơi vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên hình ảnh của cuộc Tổng khởi nghĩa 75 năm trước, đó là Quảng trường Cách mạng tháng 8.

Tại đây, ngày 19/8/1945 đã diễn ra cuộc mít tinh lớn được Việt Minh biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám trên cả nước. 

Sau sự kiện đó, Quảng trường Nhà hát Lớn vẫn giữ nguyên tên gọi cũ, cho đến khi chính thức mang tên là Quảng trường Cách mạng Tháng 8 cho đến nay. Hiện nơi này là một quần thể bao gồm Nhà hát Lớn, Khách sạn Hilton, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Tòa nhà trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vườn hoa và nhiều công trình khác.

4. Bắc Bộ Phủ

nha-khach-chinh-phu-1692267032.jpg
Ảnh: TL

Là nơi ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (19-8-1945), tọa lạc tại Số 12 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm- được công nhận là di tích lịch sử cách mạng vào năm 2005. Trước đây tòa nhà từng là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ thời Pháp thuộc. Sau khi Nhật đảo chính Pháp thì tòa nhà được đổi thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ.

Tòa nhà mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu hài hòa cùng kiến trúc của Á Đông. Mặt chính công trình có cấu trúc đối xứng, được chia thành 3 phần. Khối trung tâm là cửa lớn hình cuốn vòm, có mái hiên hình cánh hoa bằng kính và kim loại. Phía trên là một khối mái lợp ngói đá đen, phần đỉnh được trang trí cầu kỳ, tạo sự cân đối cho kiến trúc dinh thự.

Trong ngày tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (19/8), nhân dân Hà Nội và các lực lượng cách mạng đã chiếm giữ địa điểm này. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về làm việc tại đây cho đến ngày Toàn quốc Kháng chiến. Và đến năm 1954 thì nơi đây được chuyển thành Nhà khách Chính Phủ cho đến hiện nay.

 

Phúc Nguyễn (tổng hợp)