Các hoạt động với sự tham gia của hơn 100 người thuộc 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (TP. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Dịp 30/4 - 04/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn có sự tham gia phục vụ của 25 đồng bào dân tộc Xinh Mun (tỉnh Sơn La) và 40 đồng bào dân tộc Hà Nhì, dân tộc Mông (tỉnh Lai Châu).

cho-phien-vung-cao-2-1745661324.jpg
Không gian chợ phiên vùng cao

Không gian chợ với hơn 40 gian hàng gồm các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương của Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội)… Các sản phẩm bao gồm: rau củ quả, thịt trâu treo gác bếp, rượu men lá, các loại gia vị; thổ cẩm; đồ mỹ nghệ; hương liệu; thuốc nam; măng khô; miến dong; mật ong… Bên cạnh đó, các gian hàng sẽ giới thiệu ẩm thực truyền thống dân tộc: gà ri, lợn bản, xôi nhiều màu, thịt nướng, cá nướng…phục vụ nhu cầu khách tham quan.

nghe-thu-cong-nguoi-thai-1745661428.jpg
Nghề dệt vải thủ công của đồng bào Thái

 Cũng tại đây, một không gian tràn ngập sắc màu văn hóa vùng cao với khoảng hơn 100 bức ảnh được trưng bày cùng với không gian giới thiệu văn hóa du lịch và các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu. Đồng bào tham gia chợ phiên sẽ đồng thời tham gia chương trình “Sắc màu chợ phiên” với các hoạt động biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc; các trò chơi dân gian như: đánh quay (tu lu), đánh pao, đánh yến, đu dây, đẩy gậy; trình diễn khèn Mông, giã bánh dày, nghệ thuật in sáp ong, giới thiệu các nghề thủ công truyền thống...

Nhân dịp này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng sẽ tái hiện Lễ hội Gầu tào của đồng bào dân tộc Mông, Tết mùa mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì (Lai Châu), Lễ Mạng ma của đồng bào dân tộc Xinh Mun (Sơn La).

Nguyễn