Ra mắt từ năm 2007, Airbnb phát triển mạnh nhờ mô hình "sống như dân địa phương" với giá cả cạnh tranh hơn khách sạn. Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng làm dấy lên làn sóng phản đối khi người dân cho rằng nền tảng này góp phần đẩy giá nhà tăng cao và gây mất cân bằng đô thị. (Ảnh: Insider)
Tháng 6/2024, Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni công bố kế hoạch cấm hoàn toàn cho thuê nhà ngắn hạn từ năm 2028. Amsterdam cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, hạn chế cấp phép lưu trú ngắn ngày và ngừng xây mới khách sạn trừ khi có khách sạn cũ đóng cửa.
Tại Mỹ, từ tháng 9/2023, New York cấm cho thuê căn hộ ngắn hạn nếu chủ nhà không đăng ký và không ở cùng khách. Berlin (Đức) từng cấm dịch vụ này vào năm 2014, sau đó nới lỏng nhưng vẫn duy trì các hạn chế. Một số thành phố ven biển Mỹ, như Santa Monica (California), cũng áp dụng lệnh cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ.
Lý do siết chặt
Sự bùng nổ của dịch vụ cho thuê ngắn hạn đã đẩy giá nhà và giá thuê dài hạn tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống cư dân địa phương. Tính đến tháng 7/2024, Airbnb chiếm hơn 50% tổng số lượt đặt phòng toàn cầu. Các nền tảng tương tự như Vrbo hay Expedia cũng bị giám sát chặt chẽ khi dư luận đặt câu hỏi về sự cân bằng giữa du lịch và quyền lợi của người dân.
Ra mắt từ năm 2007, Airbnb phát triển mạnh nhờ mô hình "sống như dân địa phương" với giá cả cạnh tranh hơn khách sạn. Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng làm dấy lên làn sóng phản đối khi người dân cho rằng nền tảng này góp phần đẩy giá nhà tăng cao và gây mất cân bằng đô thị.
Tác động của các lệnh cấm
Siết chặt cho thuê ngắn hạn có thể khiến chi phí lưu trú tăng, nhưng cũng là cơ hội cho ngành khách sạn. “Các khách sạn nên tận dụng tình hình này để thu hút du khách,” Lucy Perrin, chuyên gia du lịch Mỹ, nhận định.
Khách lưu trú thường chia thành hai nhóm: nhóm thích linh hoạt, đi theo gia đình hoặc nhóm bạn thường chọn Airbnb, trong khi nhóm tìm kiếm sự an toàn và dịch vụ trọn gói lại chuộng khách sạn. Các chuyên gia cho rằng các thành phố cần chính sách cân bằng để bảo vệ quyền lợi du khách mà không ảnh hưởng đến cư dân địa phương.
Nghiên cứu của Harvard Business Review (2024) chỉ ra rằng cho thuê nhà ngắn hạn không phải nguyên nhân chính khiến giá nhà leo thang. Thay vì cấm, chính quyền nên áp dụng các quy định kiểm soát hợp lý để đảm bảo lợi ích cho cả du khách và người dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dịch vụ này đang làm giảm chất lượng sống tại các điểm du lịch quá tải như Barcelona, quần đảo Canary hay Mallorca. Người dân tại đây đã tổ chức biểu tình phản đối du lịch đại trà, cho rằng họ không hưởng lợi từ sự phát triển này. Nhiều người buộc phải rời khỏi trung tâm, chuyển ra ngoại ô hoặc sống trong các xe van cải tạo thành nhà ở.
Giải pháp thay thế
Thay vì cấm hoàn toàn, nhiều thành phố áp dụng biện pháp kiểm soát linh hoạt. Berlin giới hạn thời gian cho thuê tối đa 90 ngày/năm. Một số quốc gia, trong đó có Anh, cũng đang xem xét chính sách tương tự.
Dù gây tranh cãi, hạn chế cho thuê ngắn hạn có thể giúp du khách có trải nghiệm chân thực hơn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, người dân địa phương có thể bị đẩy xa khỏi trung tâm, biến những điểm du lịch thành nơi tập trung chủ yếu khách du lịch và nhân viên ngành dịch vụ, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến.