Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nhân sự ngành du lịch có tính cạnh tranh, thích nghi cao

Nhiều năm qua, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề giỏi, thành thạo ngoại ngữ… được các trường TNCN-CĐ & ĐH quan tâm hơn bao giờ hết. Nhiều cơ sở giáo dục đã có hướng đi mới, đột phá, trở thành địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp.

Một trong số các cơ sở đào tạo ngành du lịch, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ưu tú cho ngành du lịch. Thành lập từ năm 1972, với sự nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, trường đã đào tạo nên hàng trăm nghìn nhân sự có tay nghề giỏi, thành thạo ngoại ngữ… được các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đánh giá cao.

Đặc biệt với tốc độ phát triển của ngành du lịch, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng được nhu cầu của ngành không phải là điều đơn giản. Trước "bài toán" này, chúng tôi đã liên hệ với Thạc sĩ Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội và nhận được nhiều chia sẻ từ ông.

truongcaodangdulichhanoi14-1700024615.jpg
Thạc sĩ Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

PV: Chào ông, kể từ ngày thành lập đến nay, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã có bước phát triển ra sao?

Thạc sĩ Trịnh Cao Khải: Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội thành lập từ năm 1972 với tên là trường công nhân khách sạn - du lịch. Sau đó đổi tên như hiện nay và trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Còn nhớ cách đây gần 30 năm, tôi về nhận công tác tại trường với vai trò giáo viên giảng dạy. Thời điểm đó điều kiện cơ sở vật chất của trường chưa được hiện đại, tiện nghi như bây giờ. Với sự cố gắng, nỗ lực của rất nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, trường đã có nhiều thay đổi cả về quy mô, số lượng học sinh, điều kiện giảng dạy,...

Hiện nay trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội có tổng 258 cán bộ, giáo viên. Trong đó có 6 giáo viên trực tiếp giảng dạy trình độ Tiến sĩ, 145 giáo viên trình độ Thạc sĩ, 3 chuyên gia. Với mục tiêu đề cao chất lượng đào tạo, trường luôn tạo điều kiện để cán bộ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong và nước ngoài.

Trung bình mỗi năm trường tuyển sinh từ 2.000 – 2.500 học sinh, sinh viên. Tính đến thời điểm hiện tại trường đã đào tạo hàng trăm nghìn nhân sự cho ngành du lịch. Một số thành tích đáng kể của học sinh sinh viên như năm 2012 tại hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 9 tại Indonesia, em Bùi Thọ Tiến - sinh viên khoa Quản trị Chế biến món ăn đạt Huy chương Vàng Nghề nấu ăn. Năm 2014, nhà trường đã có 4 sinh viên tham gia và đạt 2 giải Nhất, 1 giải Nhì. Cụ thể em Lê Thị Ngân giải Nhất nghề Dịch vụ Nhà hàng và em Ngô Văn Tuấn đạt giải Nhất nghề Nấu ăn. Em Hà Đức Tùng giải nhì Nghề Dịch vụ Nhà hàng.

truongcaodangdulichhanoi3-1700024616.jpg
truongcaodangdulichhanoi4-1700024616.jpg
Thạc sĩ Trịnh Cao Khải chụp ảnh lưu niệm cùng các học trò.

PV: Ngành du lịch phát triển nhanh đòi hỏi chất lượng nhân sự ngày càng cao, để đáp ứng được tiêu chí này, trường có những chính sách đào tạo gì, thưa ông?

Thạc sĩ Trịnh Cao Khải: Từ trước đến nay trường luôn chú trọng học đi đôi với hành, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tế, hiểu rõ mục tiêu nghề nghiệp. Các ngành như lữ hành, hướng dẫn viên, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, kế toán đều có các phần thực hành ngay trong các tiết học. Ví dụ đối với học sinh ngành lữ hành, trường thiết kế các tour du lịch để các em được tìm hiểu thực tế.

Ngay từ kỳ học đầu tiên học sinh đã được dạy xen kẽ các môn chuyên ngành để dần làm quen và ý thức được nghề nghiệp của mình. Thời lượng học chuyên ngành chiếm 70% tổng thời lượng khóa học. Bên cạnh đó phòng công tác học sinh sinh viên có các hoạt động ngoại khóa, cung cấp các thông tin về nghề nghiệp, doanh nghiệp. Tổ chức nhiều buổi tọa đàm mời các chuyên gia về các nghiệp vụ đầu bếp, giám đốc nhà hàng,... trò chuyện cùng học sinh, sinh viên. Cùng với đó là các buổi tham quan, tập huấn tại các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn...

Mỗi chuyên ngành sẽ có 1 buổi làm việc với đơn vị học tập ngoại ngữ, 1 đơn vị tuyển dụng, 1 đơn vị chuyên môn, 1 đơn vị thực tập... Thời gian thực tập cuối khóa cũng là cơ hội để học sinh, sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm nghề nghiệp.

truongcaodangdulichhanoi21-1700024616.jpg
Nhiều năm qua trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đào tạo nguồn nhân sự ưu tú cho ngành du lịch.

PV: Theo ông, đào tạo ngành du lịch có những đặc thù gì so với những ngành khác? Học sinh sinh viên ngành du lịch có những lợi thế nào sau khi ra trường?

Thạc sĩ Trịnh Cao Khải: Tôi cảm thấy đào tạo nhân sự ngành du lịch nói dễ cũng dễ mà nói khó cũng khó. Bởi vì đào tạo dựa trên nền tảng của con người, về ứng xử, về giao tiếp, về đạo đức... để phục vụ những nhu cầu tối thiểu của con người như ăn, uống, ngủ, nghỉ... nhưng phải nâng tầm cao hơn so với cuộc sống bình thường. Tức là dựa trên nền tảng có sẵn nhưng phải xây dựng ở đẳng cấp cao hơn. Hiện nay nhà trường cũng cố gắng cung cấp thông tin, trải nghiệm cho học sinh sinh viên để các em hiểu rõ trách nhiệm, công việc của mình.

Thời gian gần đây chúng tôi có tìm hiểu, nghiên cứu và nhận thấy học sinh, sinh viên ngành du lịch có khả năng cạnh tranh với ở các ngành nghề khác khá cao. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến ngành du lịch rất khó khăn, nhiều nhân sự trong ngành đã chuyển hướng sang lĩnh vực khác và thích ứng, tồn tại được với môi trường mới. Ở một thời điểm nào đó đây là điều tốt cho các em nhưng lại là khó khăn với ngành du lịch. Từ năm 2023, du lịch bắt đầu phục hồi nhưng nhân sự ngành bị hao hụt quá nhiều, chính vì thế cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nhân lực để đáp ứng nhu cầu của ngành.

truongcaodangdulichhanoi17-1700024615.jpg
Trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.

PV: Bên cạnh công tác giảng dạy, nhà trường có quan tâm đến đời sống học sinh sinh viên ra sao?

Thạc sĩ Trịnh Cao Khải: Nhà trường luôn quan tâm đến đời sống học sinh, sinh viên, đồng hành cùng các em cả trong quá trình học tập và phát triển bản thân. Bên cạnh những học sinh được hỗ trợ theo chính sách của nhà nước, có không ít học sinh nghèo vượt khó, đạt được thành tích học tập tốt nhận được các suất học bổng của trường. Ví dụ em Trần Thị Khánh Linh, lớp C16B2, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, 2 chị em nương tựa lẫn nhau được nhà trường và Khoa LHHD hỗ trợ học phí.

PV: Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch chất lượng, những năm tới, trường xác định thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Thạc sĩ Trịnh Cao Khải: Hiện nay trường tập trung dạy các kỹ năng chính: kỹ năng nghề nghiệp, thái độ và ngoại ngữ. Về ngoại ngữ trường đào tạo 3 ngoại ngữ chính là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp. Số lượng học sinh, sinh viên ra trường đang làm việc ở các nước ngoài hoặc các doanh nghiệp nước ngoài rất nhiều. Trong thời gian tới nhà trường vẫn cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sánh ngang với các nước trong khu vực, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đoàn Hòa