Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Biến lá bồ đề từ phế thải bỏ đi thành tranh nghệ thuật nghìn đô tại Ninh Bình

Mỗi bức tranh được làm từ xương lá bồ đề có giá cả ngàn đô la Mĩ thể hiện sự độc đáo và khéo tay của nghệ nhân người Việt Nam.

Tại mảnh đất Ninh Bình, nơi không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh nên thơ, non nước hữu tình mà còn bởi những con người tài hoa đã sáng tạo nên các bức tranh được làm từ lá cây bồ đề vô cùng độc đáo.

tranh-con-cong-1724087222.jpg
Tranh nghệ thuật tạo hình con công làm từ xương lá bồ đề. Mỗi bức tranh với giá dao động lên tới nghìn đô la Mĩ - Ảnh: Thúy Hiền.

Theo truyền thuyết Phật giáo, dưới gốc bồ đề, phật Thích Ca đã ngộ ra triết lý, bản chất vô ngã và vô thường của sự tồn tại để giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Chính vì thế, cây bồ đề đã trở nên có ý nghĩa to lớn trong Phật giáo. Vậy nên, việc làm tranh từ xương lá bồ đề là quá trình tạo ra kiệt tác khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật cùng văn hoá tâm linh.

duc-phat-1724087223.jpg
Bức tranh được người nghệ nhân tỉ mỉ tạo nên từ vô số những chiếc lá bồ đề bị bỏ đi mỗi ngày - Ảnh: Thúy Hiền.

Anh Hoàng Thanh Phương, chủ phòng tranh Tây Phương Bồ Đề tại Ninh Bình đã bắt đầu với hành trình làm tranh của mình từ những lý do vô cùng đơn giản. Năm 2018 khi lần đầu biết đến xương lá bồ đề, một món quà từ cậu em, nhìn những đường gân lá uốn lượn đẹp mắt, anh Phương đã muốn làm một thứ gì đó liên quan đến loại xương lá này.

chia-se-voi-khach-1724087222.jpg
Anh Phương (thứ hai từ phải sang) hăng say giới thiệu với du khách về câu chuyện tại phòng tranh của mình - Ảnh: Thúy Hiền.
non-la-1724087222.jpg
Trang trí nón lá truyền thống kết hợp cùng xương lá bồ đề đa sắc màu khiến nhiều du khách yêu thích - Ảnh: Thúy Hiền.

Tại Ninh Bình quê hương thân yêu của anh Phương, lá bồ đề rụng ở ngoài đường rất nhiều, mỗi lần dọn dẹp người lao công rất cực. Hơn nữa anh cảm thấy vô cùng phí và hại môi trường nếu lá rụng phải đốt cho nên ý tưởng làm tranh từ xương lá bồ đề của anh từng bước được thành hình.

Anh Phương mong muốn xây dựng một sản phẩm du lịch được làm từ loại lá này để làm biểu trưng cho tỉnh Ninh Bình. Sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ để nghĩ, anh cũng ra được ý tưởng làm tranh từ xương lá cây bồ đề. Hiện nay, xưởng đã đem lại công ăn việc làm cho nhiều người đồng thời còn giúp quảng bá hình ảnh du lịch tâm linh của Ninh Bình đến mọi miền Tổ quốc.  

gan-la-1724087941.jpeg
 Lá bồ đề tưởng chừng vô dụng nhưng sau khi được ngâm trong nước vôi 2 tháng sẽ được cạo nhẹ đi lớp diệp lục và để lộ ra toàn bộ gân lá trong suốt đẹp mê hồn - Ảnh: Họ Dương Việt Nam.
la-kho-1724087222.jpg
Ở khâu sơ chế, đối với lá khô vẫn sẽ được tận dụng để tạo họa tiết trang trí cho các bức tranh khác thay vì bị bỏ đi, tránh lãng phí - Ảnh: Thúy Hiền.

Đối với xương lá, người làm phải đem phơi khô và nhuộm màu. Điều chú ý, không phải chiếc lá nào cũng có thể lấy về làm tranh được. Anh Phương cho biết những chiếc lá phải đạt yêu cầu: bánh tẻ, màu xanh thẫm, khỏe và có đường gân rõ ràng, lá cân đối, râu lá thon dài... Và mùa thu hoạch thích hợp nhất là vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm.

go-than-cay-1724087223.jpg
Ở phần thiết kế, gỗ vụn được cắt tỉa công phu để chuẩn bị cho những chiếc thân cây thật chỉn chu trong bức tranh - Ảnh: Thúy Hiền.
than-cay-thanh-hinh-1724087223.jpg
Công đoạn này người thợ cần trí tưởng tượng tốt cùng đôi bàn tay khéo léo để có thể dựng nên mô hình cây bồ đề giống thật nhất có thể - Ảnh: Thúy Hiền.
nghe-nhan-ngoi-lam-1724087222.jpg
Công đoạn lắp xương lá, tạo màu cần rất nhiều sự tập trung, vì chỉ cần sơ suất là bức tranh có thể bị hỏng ngay - Ảnh: Thúy Hiền.
chua-mot-cot-1724087222.jpg
Bức tranh mô phỏng hoàn chỉnh "chùa một cột" sau khi đã được hoàn tất - Ảnh: Thúy Hiền.
ban-do-vn-1724087222.jpg
Bản đồ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam cùng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một trong những bức tranh bán chạy nhất tại đây vì ý nghĩa sâu sắc của chúng mang lại đối với khách hàng - Ảnh: Thúy Hiền.

Bên cạnh việc làm tranh từ những chiếc lá là nguồn phế thải, anh Phương còn cho ươm mầm, trồng thêm nhiều giống cây bồ đề khác nhau để có thể tạo nên nhiều sự đột phá, khác biệt trong tương lai. 

uom-mam-cay-bo-de-1724087222.jpg
Những cây bồ đề con được chăm sóc bởi chính các nghệ nhân hằng ngày đang làm việc tại phòng tranh - Ảnh: Thúy Hiền.
uom-ca-vuon-cay-1724087222.jpg
Các chậu cây bồ đề mini được sắp xếp thẳng hàng bên ban công - Ảnh: Thúy Hiền.

Anh Phương chia sẻ: “Tôi là một người con của mảnh đất cố đô Hoa Lư cho nên trong tôi luôn tràn đầy sự tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam vẻ vang, về văn hóa bản sắc đa dạng, phong phú. Đặc biệt, đôi bàn tay khéo léo của người Việt Nam là điều không cần bàn cãi nhiều. Do đó, tôi mong muốn được đem nét đẹp ấy thông qua tranh từ lá bồ đề, để không chỉ cho người dân trong nước mà ngay cả bạn bè quốc tế cũng có thể chiêm ngưỡng sự tài hoa của người Việt”. 

Những bức tranh làm từ xương lá bồ đề gắn liền với câu chuyện giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, sau khi chiêm ngưỡng những tác phẩm làm từ lá cây này có thể sẽ khiến du khách “giác ngộ”  chính bản thân mình. 

Nếu có dịp ghé thăm Ninh Bình, du khách hãy thử mình trải nghiệm khám phá hoạt động làm tranh từ xương lá bồ đề vô cùng độc đáo nhưng cũng vô cùng ấn tượng này. Đây là một loại hình nghệ thuật rất thuần túy, giản dị nhưng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa tinh thần cho cả người làm và người mua tranh. Đồng thời, cũng thể hiện độ khéo léo từ đôi bàn tay của những người nghệ nhân tại vùng đất cố đô Hoa Lư.   

Hai Hiền