Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề làm bánh chưng, bánh giầy thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê, Tam Nông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Ngày 8/5/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành Quyết định số 1180/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Nghề làm bánh chưng, bánh giầy thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê, Tam Nông chính thức được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bánh chưng, bánh giầy là loại bánh tượng trưng cho “Trời tròn - đất vuông” gắn với tục thờ cúng Tổ tiên, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt. Hai loại bánh này được gắn với câu truyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh chưng, bánh giầy vẫn được dân tộc Việt Nam gìn giữ vẹn nguyên về hình dáng, hương vị và được dâng lên thờ cúng tổ tiên.

banh-chung-6-1683803146611563715550-1683880053.jpg
Nghề làm bánh chưng, bánh giầy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hoan Nguyễn

Không gian văn hóa của tục làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ trải dài từ nơi bánh chưng, bánh giầy được sinh ra là Dữu Lâu đến Hùng Lô, làng Mộ Chu Hạ (nay thuộc thành phố Việt Trì), làng Trúc Phê (nay thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông) và các vùng khác. Bánh chưng, bánh giầy được người Việt ở muôn phương làm nhưng ở Phú Thọ tục làm bánh chưng, bánh giầy trở thành truyền thống văn hóa, phong tục tập quán không thể thiếu trong các ngày lễ tết, trở thành lễ hội truyền thống, nghi thức riêng biệt mà không nơi nào có được.

Từ các cuộc thi trong lễ hội làm lễ vật dâng các vị Vua Hùng, dâng Mẫu, dâng các vị thần…, bánh chưng, bánh giầy được cộng đồng người dân ở Phú Thọ nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung gìn giữ bảo tồn và lan tỏa, phát triển thành nghề truyền thống.

 

 

Jenna