Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Miếu Nổi Phù Châu: Hòn ngọc giữa lòng Gò Vấp

Đến Phù Châu Miếu là hành trình thú vị khám phá di tích kiến trúc bí ẩn, hòn ngọc tâm linh giữa thời hiện đại.

Phù Châu Miếu là một trong những điểm tham quan lịch sử có yếu tố tâm linh đặc biệt nằm trên sông Vàm Thuật tại Quận Gò Vấp, TP.HCM. Đây là một địa điểm mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, thu hút nhiều du khách và người dân địa phương đến thăm và cúng dường.

Theo lịch sử của Quận Gò Vấp, Miếu Phù Châu được xây dựng từ trước thế kỷ 18, với kiến trúc đặc trưng của nơi thờ cúng truyền thống Việt Nam, bao gồm các họa tiết trang trí điêu khắc tinh xảo và các công trình kiến trúc như cầu thang, hành lang, mái ngói.

3fb22e4dccb261ec38a311-1709045250.jpg
Phù Châu Miếu nằm giữa lòng sông Vàm Thuật.

Kiến trúc đặc biệt mang đậm văn hóa dân tộc 

Kiến trúc của Phù Châu Miếu phản ánh sự kết hợp giữa nghệ thuật kiến trúc Việt - Hoa đặc sắc. Tiền điện của miếu được thiết kế đặc biệt: giữa trung tâm là thờ Phật Di Lặc, hai bên là thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu. Phía trước là hình tượng của Quan Âm Chuẩn Đề ngồi trên một toà sen với 18 cánh tay. Trên tường treo hai bức phù điêu Thập Bát La Hán, tạo nên không gian linh thiêng và trang nghiêm.

100193c5713adc64852b5-1709045250.jpg
Lối vào tiền điện tại miếu.

Ở trung điện, chính giữa thờ Tề Thiên Đại Thánh, được bao quanh bởi bao lam làm từ gỗ chạm theo mô típ, với hình ảnh tiên nữ dâng đào và bốn chữ "Thánh Gia Bảo Điện". Sân thiên tỉnh nối liền trung và tiền điện với hai lư hương to cẩn sành được trang trí bởi nhiều màu sắc khác nhau.

Chính điện là nơi tôn vinh Ngũ Hành Thánh Mẫu với năm lọ tượng gỗ thờ đại diện cho năm yếu tố: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Phía trước điện là bàn hương án và thờ Bà Chúa Xứ Châu Đốc cùng với Cửu Huyền.

Hàng trăm tượng rồng, từ nhỏ đến lớn được chạm khắc với sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Những pho tượng rồng được ốp bằng mảnh sành sứ đa màu sắc, tạo nên hình ảnh sống động và tuyệt đẹp. Miếu cũng trang trí hàng trăm bức phù điêu trên các cột, tường và trần nhà, làm tăng thêm vẻ uy nghi và trang nghiêm của không gian.

18524f8dad72002c59633-1709045367.jpg
Cổng tam quan trước miếu đầy uy nghi.

Mái chóp là một trong những đặc điểm nổi bật của kiến trúc miếu thờ cúng truyền thống Việt Nam. Với Phù Châu Miếu mái được xây dựng với hai đầu cong lên cao, lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc. 

Phù Châu Miếu được trang trí với các họa tiết trang trí điêu khắc tỉ mỉ, là các hoa văn, hình ảnh động vật, cây cỏ và các biểu tượng tâm linh. Trên các cột, bức tượng được trang trí bằng các mảnh sứ với tông màu nhu hòa.

2-1709045547.jpg
Mái ngói cong, đặc trưng kiến trúc của Việt Nam xưa.

Miếu có hành lang dài xung quanh tạo ra không gian mở. Từ hành lang khách hành hương có thể nhìn ra xa, ngắm dòng sông Vàm Thuật chảy xuôi hiền hòa, tận hưởng từng cơn gió mát rượi 

Tổng thể, kiến trúc của Phù Châu Miếu mang đậm dấu ấn của văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời phản ánh sự kính trọng và tôn vinh các vị thần linh trong tâm tín của người dân.

Tín ngưỡng Ngũ Hành Nương Nương 

Ngoài giá trị lịch sử, Phù Châu Miếu còn là nơi người dân đến cầu nguyện và thờ cúng các vị thần linh, mong ước cho sức khỏe, may mắn, thành công trong cuộc sống. Với không gian yên bình, Phù Châu Miếu là nơi lý tưởng để du khách đến thưởng ngoạn và tìm hiểu về văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng Ngũ Hành Nương Nương tại Phù Châu Miếu hay còn được gọi là Ngũ Mẫu, là những thần linh đại diện cho năm yếu tố cơ bản của vũ trụ trong tư duy nguyên thủy: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa), và Thổ (đất). Mỗi vị đại diện cho một nguyên tố và có vai trò, ảnh hưởng đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày của con người.

9e755df6cd0f6051391e-1709045201.jpg
Người dân thành kính dâng hương cho các vị thần linh trong miếu.

Tại Phù Châu Miếu, người dân thường cúng dường và cầu nguyện cho sự an lành, may mắn, hòa hợp của gia đình dưới sự bảo trợ của các vị Ngũ Mẫu.

Theo văn án tại miếu ghi lại, tương truyền vùng đất nơi này đã có từ lâu, người dân đi ghe thuyền buôn bán trên sông một hôm ghé lại ngủ qua đêm thấy 5 vị Ngũ Thần độ cho buôn may bán đắt. Qua vài ngày sau đoàn ghe buôn ghé lại dựng lên ngôi miếu nhỏ để thờ cúng 5 bà Ngũ Hành phù hộ độ trì cho người đi thuyền đè qua lại trên sông cùng độ cho người dân địa phương nơi đây.  

80ffe80e0af1a7affee08-1709045250.jpg
Văn án ghi lại trong miếu.

Hằng năm, các nghi lễ, lễ hội thường niên được tổ chức tại Phù Châu Miếu để thể hiện lòng tôn kính và biết ơn của người dân đối với sự bảo hộ và ân huệ của các vị thần linh. 

Ngôi miếu giữa lòng sông 

Vì vị trí giữa lòng sông, để đến miếu người dân phải đi đò từ bờ sang. Một chuyến đi và về có chi phú 15.000 đồng, không giới hạn thời gian tham quan. Miếu mở cửa từ 8h đến 18h hàng ngày, vào các dịp Tết Nguyên Đán, rằm tháng Bảy, mùng 1,… sẽ mở cửa đến khoảng 20h. 

ed95527eb0811ddf449013-1709045250.jpg
Chuyến đò chở khách hành hương đến miếu.

Hằng ngày du khách đến miếu tấp nập. Họ gửi gắm những ước vọng hiện sinh của bản thân vào làn hương khói trập trùng, dâng hoa dâng đèn tỏ rõ lòng thành kính. 

“Tôi đến đây để trả lễ về những nguyện cầu năm vừa rồi vì dịp Tết bận quá nên giờ mới có thời gian rảnh để đi. Tôi thấy miếu này linh thiêng rất khó nói thành lời. Đến miếu nhìn kiến trúc và ngắm sông nước làm lòng tôi bình yên lạ thường”, chị Yên Phương, du khách cho biết. 

d1bbbf535dacf0f2a9bd12-1709045250.jpg
Du khách thành tâm chiêm bái các vị thần.

Miếu Nổi Phù Châu được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh, thành phố tại TP.HCM. Không chỉ là điểm đến tâm linh, đây còn là “ốc đảo” kiến trúc, văn hóa, nơi đem lại cho người dân cảm giác an yên và gửi gắm những mong cầu an bình giữa lòng thành phố chật chội, náo nhiệt. 

Y Thanh