PV

Lộc Bình – “Nàng tiên say ngủ” giữa đại ngàn Đông Bắc

Với đỉnh Mẫu Sơn mát lạnh mùa hè, tuyết rơi mùa đông; núi Phia Pò –trekking và săn mây; công viên địa chất toàn cầu UNESCO; cửa khẩu Chi Ma; thác Bản Khiếng… Lộc Bình đang nổi lên như một điểm đến du lịch sinh thái đầy tiềm năng.
mau-son-2-1748396628.jpg
Đỉnh Mẫu Sơn - điểm sáng của du lịch Lạng Sơn. Ảnh: Bùi Vinh Thuận

"Viên ngọc sáng" của Công viên địa chất Lạng Sơn

Ngày 27/5/2025, tại thành phố Lạng Sơn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị “Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái huyện Lộc Bình” lắng nghe đóng góp từ các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp lữ hành, giới truyền thông, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn và thu hút đầu tư.

z6645070799064-1587d2364fbbf6249f17366c16e4c362-1748396830.jpg
Thế giới đầm hồ Na Dương - Công viên địa chất Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Duy Trinh

Điểm đến nổi tiếng tại Lộc Bình là Khu du lịch sinh thái núi Mẫu Sơn – “Sa Pa thứ hai” của vùng Đông Bắc với khí hậu mát mẻ trong mùa hè và có thể “săn” băng tuyết vào mùa đông. Thế giới đầm hồ Na Dương được đánh giá là “viên ngọc sáng” của Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn - nơi ẩn chứa câu chuyện 500 triệu năm tiến hóa của sự sống. Đây là nơi, du khách như được lắng nghe tiếng thì thầm của những vùng biển cổ xưa, tiếng vọng của đầm lầy qua các hóa thạch động thực vật dưới các lớp trầm tích có niên đại từ 39 đến 5 triệu năm. Núi Phia Pò – nơi các tín đồ trekking xuyên qua những cánh rừng lá phong, rừng nguyên sinh, rừng cỏ lau, rừng trúc, rừng đỗ quyên trước khi lên tới đỉnh ngắm mây, săn bình minh, hoàng hôn.

Với địa hình đa dạng gồm núi rừng, thung lũng, sông suối và cao nguyên, tạo nên cảnh quan hùng vĩ và khí hậu mát mẻ quanh năm – điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Lộc Bình hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi thu hút đầu tư về du lịch.

loc-binh-6-1748396948.jpg
Ông Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn.

Tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lộc Bình nằm trong hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm đô thị lớn trong và ngoài nước như: Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng, Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc). Hiện nay, khách du lịch đến với huyện Lộc Bình chủ yếu vẫn qua các lễ hội, các điểm du lịch trekking: Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn, đỉnh Phia Pò, danh thắng thác Bản Khiếng, lễ hội Háng Đắp, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Cầu Mùa, Tết Nhảy của người Dao…

Mặc dù có nhiều lợi thế và được thiên nhiên ưu đãi, tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Thuý, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, các sản phẩm du lịch huyện Lộc Bình chưa phong phú, cơ sở hạ tầng chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Lượng khách du lịch đến Lộc Bình có xu hướng tăng nhưng lưu trú ngắn ngày, chủ yếu tham quan, chi tiêu thấp. Toàn huyện mới chỉ có một số cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, chưa có khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn cao để phục vụ du lịch dài ngày.

z6645643041968-6bfe9de4a96216d8e3d5b6417a2a8328-1748398528.jpg
Đoàn khảo sát tham quan vùng trồng macca tại Lộc Bình, Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Duy Trinh.
z6646284163528-e118feec695d7892c3bf56412b3067b2-1748398585.jpg
 

Bà Thúy cũng thẳng thắn cho biết, các hoạt động du lịch của Lôc Bình vẫn nhỏ lẻ, thiếu sự điều phối và đầu tư quy mô. Hệ thống giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa hoặc băng tuyết. Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch còn chưa được chú trọng đúng mức, các tour tuyến, sản phẩm du lịch thiếu liên kết.

Quyết định 825/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã xác định 15 dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch đến năm 2030. Trong đó, huyện Lộc Bình với thế mạnh về tài nguyên tự nhiên, phong phú và hấp dẫn, được tỉnh xác định 2 dự án lớn: Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn; Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Bản Lải và một số dự án đầu tư các khu, điểm du lịch.

Bà Thúy cũng cho biết, Lộc Bình sẽ phối hợp với các công ty lữ hành để hình thành các tour liên kết Lạng Sơn – Mẫu Sơn – Chi Ma – Cao Bằng hoặc Hà Nội – Lộc Bình – Đông Bắc. Tăng cường xây dựng thương hiệu du lịch riêng, gắn với hình ảnh Mẫu Sơn – mùa tuyết rơi và bản sắc các dân tộc vùng cao.

Cần tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư

Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch đều đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch sinh thái huyện Lộc Bình. Các đại biểu đã nhiệt tình đóng góp ý kiến, hiến kế để Lộc Bình đổi mới, sáng tạo, có cách làm phù hợp, xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái trong thời gian tới.

loc-binh-5-1748397136.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) trình bày tham luận. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, Lộc Bình sở hữu một tổ hợp tài nguyên đặc sắc, hội tụ đầy đủ các điều kiện nền tảng để phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch sinh thái. Để biến tiềm năng thành hiện thực và đảm bảo sự phát triển mang tính bền vững, Lộc Bình cần tập trung nguồn lực (ngân sách nhà nước, vốn ODA, kêu gọi đầu tư tư nhân) một cách có chọn lọc vào việc phát triển các dòng sản phẩm du lịch sinh thái cốt lõi (Nghỉ dưỡng Mẫu Sơn, khám phá hồ-suối-thác, du lịch cộng đồng, du lịch địa chất) và cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), dù mới ở giai đoạn khởi đầu nhưng bức tranh du lịch huyện Lộc Bình đã hé lộ những tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn. Lộc Bình cần chú trọng xây dựng 5 dòng sản phẩm du lịch đặc trưng: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái tự nhiên, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp và du lịch sinh thái môi trường.

Để Lộc Bình trở thành biểu tượng du lịch của Lạng Sơn, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng, người dân về lợi ích của phát triển du lịch; bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái; chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn di sản, di tích; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; có chính sách, cơ chế đặc thù khuyến khích, thu hút đầu tư; phát triển sản phẩm du lịch; có những ưu đãi đối với doanh nghiệp đưa khách đến Lộc Bình.

ba-hong-1748398017.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyên Hồng, nguyên Trưởng khoa Khách sạn và Du lịch, Trường Đại học Thương mại Hà Nội phát biểu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyên Hồng, nguyên Trưởng khoa Khách sạn và Du lịch, Trường Đại học Thương mại Hà Nội cho rằng, trước mắt, huyện cần xác định đối tượng du khách nội địa và khách du lịch Trung Quốc là chủ yếu để định hướng rõ chiến lược phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm phù hợp. Khi hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện đã hình thành được nhiều điểm đến, sản phẩm đặc thù, chất lượng cao mới từng bước tiếp cận thị trường du khách khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông…

Bà Hồng cũng hiến kế, Lộc Bình nên xây dựng và có kế hoạch sự kiện cả năm như: duy trì giải chạy ở Mẫu Sơn và nghiên cứu mở tuyến khác; tổ chức giải thể thao, trekking rừng, bơi thuyền kayak trên hồ, các cuộc thi khám phá các điểm du lịch hấp dẫn của huyện, thi ảnh,… (nếu chi phí thấp có thể thi online).

Chạm đến trái tim bằng những câu chuyện trong từng sản phẩm

Tại hội nghị, các đơn vị lữ hành cũng đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái đạt chất lượng cao như đầu tư vào hạ tầng phục vụ du lịch, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của địa phương, bảo đảm yếu tố phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

loc-binh-2-1748397136.jpg
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Fivestar Travel chia sẻ kinh nghiệm với Lộc Bình. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn.

Chia sẻ về giải pháp để xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty Fivestar Travel cho rằng, Lộc Bình cần bảo tồn nhà trình tường; sử dụng các vật liệu thân thiện mang đặc trưng văn hóa trong sản phẩm du lịch; tăng cường nhận thức của người dân; mỗi hộ, cơ sở cần có tủ giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương…

Ông Doanh nhấn mạnh, Lộc Bình cần chú trọng vào chuyển đổi số và truyền thông: Tăng cường truyền thông số; Xây dựng các kênh thông tin online trên mạng xã hội với nội dung chất lượng cao; Truyền thông kỹ và sâu hơn vào những nét độc đáo của tỉnh; Xu thế dùng điện ảnh, ca nhạc, công nghiệp văn hóa gắn với sản phẩm du lịch cũng rất nên tham khảo. Đặc biệt, tạo ra câu chuyện gắn với mỗi sản phẩm là rất quan trọng và hiệu quả trong quảng bá, thu hút du khách.

loc-binh-1748397636.jpg
Giới thiệu tiềm năng du lịch và các sản phẩm đặc trưng của Lộc Bình.

Đồng quan điểm, PGS TS Dương Văn Sáu- nguyên Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa cho rằng Lộc Bình cần đưa những câu chuyện văn hóa vào các điểm đến. Chú trọng các yếu tố Sáng tạo – Khác biệt – Chất lượng - Ấn tượng – Khả thi khi gắn vào các điểm du lịch và tuyến du lịch. Địa phương phát triển điểm đến. Doanh nghiệp phát triển tuyến du lịch. Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để kêu gọi các nhà đầu tư “đại bàng”, “diều hâu” về “làm tổ”, tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng và phù hợp, hài hòa với bản sắc văn hóa của Lộc Bình.

z6643699360400-1bf312de461a2c01f71a039e2baa42e7-1748397633.jpg
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch Lạng Sơn. Ảnh: Thu Thảo.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch Lạng Sơn cho biết, tỉnh đã sẵn sàng các nguồn đất để đầu tư du lịch. Người dân bản địa cũng đã đề xuất xây dựng làng nghề nấu rượu trên Mẫu Sơn, khu tắm thuốc người Dao, khu vực giới thiệu sản phẩm OCOP, xây bể nuôi cá hồi, quy hoạch vùng trồng nấm… Tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội thảo và giao cho một số bên từng bước triển khai.

Bà Hạnh cũng cho biết, Lạng Sơn đang có kế hoạch, mỗi huyện nằm trong công viên địa chất toàn cầu sẽ xây dựng một trung tâm thông tin. Đặc biệt, tỉnh cũng đang triển khai trung tâm phức hợp công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn với quy mô gần 400 tỷ. Hiện nay, trên địa bàn Lạng Sơn cũng đã có nhiều lễ hội gắn với các địa phương, gắn với các sản vật của tỉnh như: Lễ hội Hoa Đào; Lễ hội Mùa Vàng (Bắc Sơn); Cuộc thi hoa hậu Vịt (Tràng Định)… Thời gian tới, huyện Lộc Bình sẽ nghiên cứu tổ chức lễ hội khoai lang hay macca. Trung tâm xúc tiến du lịch và Sở Văn hóa tỉnh cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho bà con.

loc-binh-3-1748397708.jpg
Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình ông Trịnh Tuấn Đông đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn.

Tại hội nghị, Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình ông Trịnh Tuấn Đông đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu, doanh nghiệp cho du lịch Lộc Bình. Là người tâm huyết, trăn trở với sự phát triển của Lộc Bình, ông Đông khẳng định Lộc Bình là “một nàng tiên rất đẹp đang say ngủ”, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Ông Đông kỳ vọng, các giải pháp được đề xuất sẽ mở ra hướng đi bền vững cho du lịch sinh thái Lộc Bình, lan tỏa vẻ đẹp đặc trưng miền biên viễn Lạng Sơn đến cho du khách gần xa.

Trong năm 2024, khách du lịch đến với huyện Lộc Bình 285.000 lượt, doanh thu đạt 162,45 tỷ đồng. Trong 5 tháng của năm 2025, huyện đã đón hơn 200 nghìn lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 123 tỷ đồng.

loc-binh-11-1748397799.jpg