Theo đó, đề án được triển khai trong gian đoạn 2022-2030. Mục tiêu chung là phát huy chức năng, giá trị đa dụng của rừng phòng hộ đầu nguồn và các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa của người dân trong vùng để thu hút đầu tư, phát triển du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế.

sa-pa-1746539333.jpg
Đề án sẽ tập trung định hướng phát triển 3 loại hình: Du lịch sinh thái; Du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe; Du lịch thể thao mạo hiểm

Giai đoạn 2022-2030 thu hút được ít nhất 05 nhà đầu tư có đủ năng lực thuê môi trường rừng tại các điểm du lịch để thực hiện dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; hoàn thành đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động, khai thác du lịch tại 03 điểm du lịch. Trung bình hàng năm thu hút được 50.000 - 100.000 lượt khách du lịch; trong đó số lượng khách quốc tế tối thiểu chiếm 8%; tỷ lệ du khách ở lại lưu trú qua đêm chiếm trên 28% tổng; doanh thu thu từ hoạt động du lịch đạt ít nhất 780 tỷ đồng; trong đó nguồn thu từ hoạt động cho thuê môi trường rừng đạt ít nhất 780 triệu đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 800 lao động, các lao động được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Các điểm du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn và tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; Môi trường du lịch, an ninh, an toàn tại các điểm du lịch được kiểm soát.

Các điểm du lịch sinh thái sẽ được xây dựng tại khu vực Đồi Thông; Đồi Ly; Đồi Cháy; Suối Để; Suối Hồ; Thác Bạc; Mường Hoa; Núi Hàm Rồng; Ngũ Chỉ Sơn. Đề án sẽ tập trung định hướng phát triển 3 loại hình: Du lịch sinh thái; Du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe; Du lịch thể thao mạo hiểm. Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du mang tính giáo dục, diễn giải môi trường; nhóm các sản phẩm mang tính khám phá và trải nghiệm đường rừng; nhóm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; nhóm sản phẩm du lịch dã ngoại, cắm trại trong rừng; nhóm các hoạt động du lịch trên không (Aerial Route); nhóm các sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động mua sắm đồ lưu niệm và hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản đặc trưng của cộng đồng địa phương; các nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ. Hướng đến các thị trường khách quốc tế: Tây Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Anh, Hà Lan), Úc; Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN (Bắc Thái Lan và Bắc Lào) và các tỉnh vùng Tây Nam Trung Quốc. Khuyến khích phát triển thử nghiệm những thị trường mới như Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh, Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu... Thị trường khách nội địa, tập trung ưu tiên phát triển các thị trường khách du lịch mục tiêu đến từ Hà Nội, các đô thị trong vùng đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc; các tỉnh trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; mở rộng thị trường từ các trung tâm phân phối khách lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế.

Tư Nguyễn