Thành phố Hồ Chí Minh được mệnh danh là khu rừng được dựng lên từ cốt thép và bê tông, nơi có nhiều công trình hiện đại, các tòa nhà chọc trời. Song, trong thành phố sầm uất ấy vẫn tồn tại nhiều khu di tích lăng mộ có biên niên sử lâu đời mà tiêu biểu là Lăng Ông Bà Chiểu.
Lăng Ông Bà Chiểu là di tích lăng mộ, đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ. Theo sử sách ông là một trong những vị chỉ huy quân sự tài ba của lịch sử Việt Nam ở thời Nguyễn, người được vua Gia Long và Minh Mạng trọng dụng trong thời kỳ khai hoang đất nước.
Lăng Ông Bà Chiểu hay còn được gọi là Thượng Công miếu tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, phường 3, quận Bình Thạnh. Nơi đây còn được mệnh danh là khu đất vàng với bốn mặt tiền, tiếp giáp 4 con đường lớn là Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Vũ Tùng và Trịnh Hoài Đức.
Quần thể di tích thờ tự này được xây dựng từ năm 1848. Trong sông dài gần 200 năm lịch sử, nơi đây nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Theo kỷ yếu của Hội Thượng Công Quý Tế, vào kỷ niệm lễ Lạc Thành lần thứ 2 năm 1937, sở Công Chánh Gia Định đã xây lại toàn bộ lăng trên nền miếu cũ từ kinh phí vận động trong nhân dân.
Theo như lời kể người trông giữ tiền điện, nơi đây có diện tích hơn 18.000 m2. Quanh lăng có những cổ thụ có tuổi đời 60 - 70 năm, có cây lên đến trăm năm. Bóng râm che rợp mát của mảnh sân. Năm 1989, Lăng Ông Bà Chiểu được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
Lăng Ông Bà Chiểu được xây dựng dựa trên đặc trưng kiến trúc cung đình Huế. Công trình này có kết cấu bao gồm: cổng tam quan, hòn non bộ, khu lăng mộ và miếu thờ thần. Các rường cột, mái nhà, bờ tường đều là những tác phẩm được điêu khắc tinh tế, mang đậm giá trị nghệ thuật cung đình.
Cổng Tam quan quay về hướng Nam và nhìn ra đường Vũ Tùng. Từ cổng Tam quan di chuyển qua vườn cảnh sẽ tới được lăng chính gồm có 3 phần: Miếu thờ, mộ tả quân và vợ cùng với nhà bia.
Chất liệu xây nên phần mộ vợ chồng Tả quân là một loại vữa hợp chất. Hai ngôi mộ nằm trước điện thờ, được đặt song song gần nhau. Giữa khu lăng mộ có một sân trống để làm lễ, lư hương phía trước luôn có nhang khói nghi ngút.
Điều đặc biệt hấp dẫn du khách chính là khu vực thờ tự. Điện thờ kết cấu tam quan, chia làm tiền điện, trung điện và chính điện. Ba gian cách nhau bởi một khoảng sân lộ thiên gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời).
Vào ngày 29 hoặc 30 tháng 7, mùng 1 và 2 tháng 8 âm lịch tại lăng đều tổ chức lễ giỗ long trọng. Du khách đến đây phần lớn để tham quan, chụp ảnh, số khác cầu nguyện chuyện tương lai hay xin xăm đoán vận mệnh. Theo người giữ tiền điện, lăng Ông Bà Chiểu phù hộ nhiều lĩnh vực, nhưng linh nghiệm nhất vẫn là công danh, sự nghiệp.
Lăng Ông Bà Chiểu không chỉ là nơi ghi nhớ công ơn của vị Tả quân Lê Văn Duyệt. Với người trẻ đây là địa điểm tìm lại phút yên bình giữa thành phố náo nhiệt, giữ tâm hồn bình lặng an yên. Còn với người dân khu vực, lăng này là chốn để họ gửi gắm những ước vọng hiện sinh vào làn hương khói trập trùng.