Lan toả tinh thần 65 năm ngành Du lịch Việt Nam – Kết nối động lực mới từ Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 9/7/2025 tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam, kết hợp gặp gỡ các điểm du lịch tiêu biểu khu vực lần III. Sự kiện là dịp tôn vinh hành trình phát triển của ngành, đồng thời lan tỏa thông điệp liên kết – đổi mới – hội nhập của du lịch vùng sông nước.

Lễ kỷ niệm diễn ra tại Khách sạn Ninh Kiều (TP Cần Thơ) với sự hiện diện của bà Cao Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cùng lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, đại diện các sở, ban, ngành du lịch địa phương qua các thời kỳ và các doanh nghiệp du lịch trong khu vực.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, thân tình. Các đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường 65 năm hình thành và phát triển của ngành Du lịch Việt Nam, ghi nhận những đóng góp quan trọng của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

3-1752072299.jpg
Toàn cảnh buổi lễ.

Một chặng đường vẻ vang – Một tâm thế mới

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định, ngày 09/7/1960 là mốc son lịch sử đối với các thế hệ làm công tác du lịch và đã được xác định là ngày truyền thống của ngành Du lịch Việt Nam.

Thay mặt Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Lan đã gửi tới hội nghị lời chúc mừng nồng nhiệt, đồng thời đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi họp mặt đầy ý nghĩa của Hiệp hội Du lịch khu vực.

cao-ngoc-lan-1752090119.jpg
Bà Cao Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Đại diện Thường trực Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, ngày 9/7 cách đây 65 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định thành lập Công ty Du lịch Việt Nam – tiền thân của ngành du lịch hiện đại. Từ một đơn vị nhỏ bé, ngành Du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam tự hào là mái nhà chung của hàng chục nghìn doanh nghiệp và hàng triệu lao động du lịch. Với vai trò kết nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế, Hiệp hội đã tích cực tham gia hoạch định chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành, hoạt động của hệ thống các hiệp hội cũng đang được điều chỉnh tương ứng. Đây không chỉ là tái cấu trúc về địa lý, mà còn là cơ hội tái định hình chiến lược phát triển ngành. Ngành Du lịch cần tận dụng vận hội này để đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

1-1752073019.jpg
Các đại biểu tham dự.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với nhiều thời cơ và thách thức, ngành Du lịch và đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch cần nhận thức trách nhiệm của mình, quyết tâm thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh, mạnh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới; đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Trước mắt, toàn ngành tập trung triển khai chuyển đổi số, phát triển xanh và hội nhập sâu rộng. Thường trực Hiệp hội tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp du lịch và các hội viên Hiệp hội trong đó có Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động thích ứng, sáng tạo, đổi mới để cùng nhau kiến tạo nên một nền du lịch phát triển bền vững, nhân văn và có năng lực cạnh tranh cao.

5-1752072299.jpg
 

Tại buổi gặp gỡ, Thường trực HHDLVN đã đề nghị Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhanh chóng hoàn tất các thủ tục sáp nhập hiệp hội cấp tỉnh, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định 126/CP (2024) và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Việc sáp nhập này không chỉ là yêu cầu hành chính mà còn là bước đi tất yếu để xây dựng hệ thống hội nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả, đủ sức đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới.

Đặc biệt, HHDLVN dự kiến tổ chức Hội nghị gặp mặt lãnh đạo du lịch 34 tỉnh, thành phố vào trung tuần tháng 8/2025. Sự kiện này nhằm lắng nghe, tổng hợp và thống nhất các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp hội viên trong việc xây dựng chương trình hành động chung, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển sản phẩm du lịch theo địa giới mới.

Song song đó, các Hiệp hội Du lịch khu vực cần tập trung vận động doanh nghiệp đổi mới hoạt động theo hướng phát triển xanh, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý và quảng bá. Đây là xu hướng tất yếu nếu ngành du lịch muốn duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số như kỳ vọng từ năm 2026.

Lan toả sức sống mới từ vùng đất chín rồng

Trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động kinh doanh du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều bước tiến triển khá tốt. Cụ thể, tính đến 30/6, tổng số khách đến ĐBSCL đạt 35.196.555 lượt, tăng 17,6 % so với cùng kỳ 2024; trong đó, khách quốc tế là 2.034.501 lượt, tăng 53,4 % so với cùng kỳ 2024; Khách nội địa 33.162.054 lượt, tăng 16 % so với cùng kỳ 2024; Tổng thu từ hoạt động du lịch là 53.881,164 tỷ đồng, tăng 54,5 % so với cùng kỳ 2024.

6-1752072299.jpg
 

Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đây là thành quả nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong 6 tháng đầu năm 2025 của toàn ngành du lịch ĐBSCL.

Để phát huy hơn nữa thành quả 6 tháng đầu năm, ông Trần Việt Phường cũng cho biết, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tập trung triển khai ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường liên kết và phát triển du lịch vùng. Trước hết, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm đặc thù, ưu tiên phát triển các khu du lịch quốc gia tiềm năng như Ninh Kiều (Cần Thơ), Thới Sơn (Tiền Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (Cà Mau)... gắn với triển khai Quyết định 194 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Quyết định 46 của Hiệp hội. Song song đó, Hiệp hội tăng cường xúc tiến quảng bá bằng công nghệ số, mạng xã hội, và tổ chức các chương trình liên kết quy mô lớn theo mô hình công – tư. Về nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng cường kỹ năng ngoại ngữ và năng lực chuyển đổi số. Doanh nghiệp được khuyến khích tiếp cận các nền tảng số như cơ sở dữ liệu du lịch, hệ thống điều hành và thẻ du lịch thông minh để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du khách.

4-1752072299.jpg
 

Tại hội nghị, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng bày tỏ mong muốn được Hiệp hội Du lịch Việt Nam hỗ trợ tổ chức các Diễn đàn Du lịch vùng ĐBSCL định kỳ để chia sẻ mô hình hay, kiến nghị chính sách và lan toả hiệu quả liên kết vùng. Đồng thời tham mưu, đề xuất tổ chức các Văn phòng đại diện Xúc tiến du lịch tại các địa bàn thị trường trọng điểm. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch về việc đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Cao Thị Ngọc Lan cho biết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội Du lịch ĐBSCL trong xây dựng môi trường kết nối hiệu quả, hỗ trợ phát triển hội viên và lan toả thương hiệu du lịch Việt Nam ra thế giới.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng khuyến nghị, thời gian tới, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần tham gia rà soát, hoàn thiện hệ thống qui hoạch du lịch tương thích với không gian phát triển của tỉnh mới, từ đó định hình các tuyến, điểm du lịch mang đậm nét bản sắc văn hóa của vùng – khu vực. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh mới, trong đó ưu tiên du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Vận động, hướng dẫn, giám sát hội viên tham gia chương trình xây dựng sản phẩm mới, kích cầu du lịch – cam kết rõ ràng về chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch ĐBSCL thân thiện, chuyên nghiệp, giàu bản sắc và mang lại trải nghiệm mới, hấp dẫn cho khách trong nước và quốc tế.