Theo đó, điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “Làm giấy Dó” của vùng Bưởi xưa tại địa chỉ số 189, phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.
Đây không chỉ là điểm dịch vụ, du lịch văn hóa, nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị của làng nghề mà còn là địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với người dân Thủ đô và du khách khi về tham quan, du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ.
Được biết, phường Yên Thái thuộc kinh thành Thăng Long xưa (vùng Bưởi) gồm nhiều làng cổ như: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: Giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ... Sau này, có nhiều nơi làm giấy dó như làng Dương Ổ, Đào Xá, Châm Khê ở Phong Khê, Bắc Ninh…
Giấy Dó truyền thống ở vùng Bưởi được một người Pháp có tên Henri Oger mô tả trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam” là loại giấy xốp nhẹ mà bền dai, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt.
Giấy Dó cũng nổi tiếng với độ bền có thể lên tới hàng trăm năm do đặc tính của xơ sợi và quy trình làm hoàn toàn bằng thủ công, không có sự tác động của hóa chất. Chính vì điều này, người xưa đã dùng giấy Dó để in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian và đặc biệt hơn cả khi các triều đại phong kiến Việt Nam dùng nó cho việc viết sắc phong. Đến nay, nhiều đình, chùa và làng xã vẫn còn lưu giữ được những sắc phong này.
Cho tới những năm 90 của thế kỷ XX, nghề làm giấy Dó tại vùng Bưởi vẫn còn được lưu giữ, sản xuất bởi các hợp tác xã. Đến đầu những năm 2000, các hợp tác xã giải thể thì nghề làm giấy Dó mới mất hẳn tại vùng Bưởi (phường Bưởi, quận Tây Hồ ngày nay).