Nguyễn Thùy Trang (28 tuổi, đến từ Hải Phòng) là cái tên quen thuộc trong cộng đồng mê xê dịch và còn được biết đến với nickname Trang Chó. Cô đã dành gần 1.500 ngày cho các chuyến du lịch đến 18 quốc gia: Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ,… với kinh phí khoảng 1,4 tỷ đồng.
Hiện Trang là một freelancer và travel blogger có tiếng với phong cách độc lạ. Các bài viết của cô luôn thu hút cộng đồng mạng bởi sự hài hước và những review chi tiết, tỉ mỉ về các chuyến đi.
PV: Chào bạn, vì sao bạn chọn nickname là Trang Chó?
Thùy Trang: Mọi người thường nghĩ mình sinh năm 1994 (Giáp Tuất) nhưng thực tế là mình sinh năm Ất Hợi, tuổi con heo. Nickname Trang Chó gắn với kỷ niệm vào năm 7 tuổi mình bị một con chó cắn 3 lần, vì vậy mình sử dụng cái tên này từ đó đến bây giờ.
PV: Vì sao bạn quyết định nghỉ việc và dành nhiều thời gian, tiền bạc cho những chuyến đi?
Thùy Trang: Trước năm 22 tuổi, mình miệt mài làm việc và không tiêu bất cứ một đồng nào cho bản thân ngoài những nhu cầu cơ bản. Mình không đam mê quần áo, giày dép, mỹ phẩm,… niềm vui lúc bấy giờ là được cất tiền đi.
Tình cờ vào năm 2015 mình có cơ hội được phỏng vấn ca sĩ Đen Vâu về bài hát Đưa nhau đi trốn. Từ lần phỏng vấn đó cùng ca từ của bài hát giúp mình hiểu hơn ý nghĩa cuộc sống và cũng hiểu bản thân mình hơn. Mình bỗng thích đọc những câu chuyện về chủ đề du lịch, từ những chuyến xuyên Việt, những trải nghiệm tại vùng đất mới, cùng lối sống phóng khoáng tự do, thoát khỏi vùng an toàn của bản thân,...
Mình là người không thích sự ổn định, rất thích sự tự do. Bởi vì trước đó mình làm freelancer khá lâu rồi và không hợp với môi trường công sở. Mình cảm thấy không gian làm việc với bốn bức tường và việc chấm công là áp lực lớn mỗi khi thức dậy. Cho đến khi bị trào ngược dạ dày thì mình biết đây là lúc cần nghỉ việc để có một hành trình của riêng mình.
Mình bắt đầu hành trình khám phá những vùng đất mới từ năm 2017, tính đến nay là gần 1.500 ngày chu du, khám phá những vùng đất mới. Cho đến bây giờ, mình 28 tuổi nhưng đam mê xê dịch vẫn còn nồng nhiệt. Bởi vì mình học hỏi được rất nhiều điều qua những chuyến đi, khi đến một nơi mới mình vẫn cảm thấy vô cùng hào hứng.
Có thể kể đến một vài kỷ niệm như ở Koh Tao (Thái Lan) mình được trải nghiệm thiết kế và nhuộm áo bằng vỏ dừa, lặn biển khám phá những điều kỳ thú dưới lòng đại dương, bất ngờ nhận ra rằng rùa biển ở đây to bằng cái tủ lạnh; Hay được hiểu sâu hơn về tục hỏa táng trên dòng sông Hằng (Ấn Độ); Trải nghiệm xếp hàng lấy số để thưởng thức món mì chảy trong ống tre tại một quán nổi tiếng ở Kyoto (Nhật Bản), có những lúc đoàn người xếp hàng dài tới 2km; Được tận mắt chiêm ngưỡng hoàng hôn đỏ lửa tại Bagan (Myanmar), đi ngắm mùa thu lá vàng ở Hàn, ăn đậu phụ thối ở Đài Loan...
Hay được hiểu thêm về chế độ đa phu, một vợ hai chồng, không đám cưới, không đăng ký kết hôn tại Bhutan,… cùng vô vàn những sự cố khó quên như: Đứt dây phanh xe trên đường đổ đèo, lạc vào rừng thiêng ở Bali lúc chập tối, thất lạc hành lý 1 tháng ở New Delhi (Ấn Độ),…
PV: Làm thế nào để bạn vừa đi du lịch vừa làm việc mà vẫn hiệu quả? Và theo bạn cần có những kỹ năng quản lý công việc như thế nào?
Thùy Trang: Mình là người theo đuổi phong cách sống Digital Nomad, nghĩa là vừa đi du lịch vừa làm việc. Digital Nomad là một từ tiếng Anh chỉ những người làm việc tại một nơi không cố định. Digital là những gì liên quan đến công nghệ, máy móc, thiết bị. Trong khi đó Nomad chỉ những người có lối sống di chuyển liên tục, họ thường gắn bó với một địa điểm trong khoảng thời gian ngắn sau đó lại dịch chuyển.
Để cân bằng giữa công việc với hành trình du lịch, mình nghĩ có ba kỹ năng quan trọng và cần thiết nhất:
Đầu tiên là kỹ năng làm việc độc lập trong công ty TNHH một mình tôi. Vừa là ông chủ, vừa là thủ quỹ, vừa là nhân viên sale, mình phải tự vận hành bộ máy doanh nghiệp trơn tru. Mình cũng cần cân đối việc đi lại vui chơi với việc quản lý thời gian hợp lý để đảm bảo deadline cho khách hàng.
Thứ hai là kỹ năng multitask (làm nhiều việc cùng lúc) để có thể thích ứng tốt với việc di chuyển liên tục trong mọi hoàn cảnh. Vừa đi mình có thể vừa viết báo, viết nhạc chế, sáng tạo nội dung,...
Thứ ba là kỹ năng quản lý tài chính. Bạn sẽ tính được thời gian ở nơi đó bao lâu dựa trên mức sống và tỷ giá ngoại tệ. Việc ở một nơi trong thời gian dài sẽ tiết kiệm hơn so với ngắn ngày hoặc di chuyển liên tục. Khi đi đủ nhiều, bạn sẽ nắm được giá cả, chỗ ăn uống hợp lý. Lúc đó bạn không mang tâm thế của một người đi du lịch nữa mà sẽ thấy các điểm đến như quê hương quê hương thứ hai và bạn sẽ giống như người bản địa thực thụ.
PV: Bạn thường đi du lịch theo nhóm hay đi một mình? Và hình thức du lịch đó mang lại cho bạn những lợi ích gì?
Thùy Trang: Phần lớn các chuyến đi của mình đều là solo travel. Mình vốn không chọn đi một mình nhưng vì có rất ít bạn bè có đủ thời gian, tài chính, sức khỏe, niềm yêu thích và cả dũng khí nữa.
Những chuyến solo travel giúp mở mang kiến thức, góp nhặt cho mình những trải nghiệm riêng và thay vì những giây phút trò chuyện cùng bạn bè mình có những giây phút chững lại để hiểu bản thân hơn. Việc tự mình đối mặt với những biến cố, nguy hiểm trong chuyến đi cũng giúp mình thu lượm những “túi khôn” đó là kinh nghiệm sống và kỹ năng xử lý tình huống.
Solo travel cũng giúp mình dũng cảm, bình tĩnh và tự tin hơn khi đối mặt với khó khăn. Vì kém tiếng Anh nên mình đã từng cảm thấy ngại ngùng khi nói chuyện với khách nước ngoài, nhưng nhờ các chuyến đi mình đã mở lòng trò chuyện với mọi người nhiều hơn. Có những người mình tình cờ gặp trên đường nhưng sau đó lại trở thành bạn bè thân thiết. Có những người bạn nước ngoài mình quen từ các cuộc hành trình, họ biết Việt Nam nên vừa đến Việt Nam du lịch vừa thăm mình.
PV: Kỷ niệm về chuyến solo travel mà bạn nhớ nhất?
Thùy Trang: Trong hành trình solo travel mình nhớ nhất chuyến đi Bắc Kinh trong nửa tháng. Mình đi tàu từ Việt Nam sang Bắc Kinh mất khoảng 44 tiếng, qua 2 chặng, chặng 1 từ Gia Lâm sang Nam Ninh, chặng 2 từ Nam Ninh đến Bắc Kinh. Với mình đây là hành trình khó quên và đã vượt qua rất nhiều rào cản khi đi liền mạch trong vòng nửa tháng vì kém tiếng Anh và không biết tiếng Trung.
Trở về từ chuyến đi mình viết bài review dài 9.000 chữ và đăng tải nó trên trang cá nhân. Vào một ngày đẹp trời, mình nhận được những dòng tin nhắn từ một chị follower trên facebook. Chị ấy rất cảm kích vì bài review miêu tả chi tiết, tỉ mỉ chỉ dẫn xuống ga tàu điện ngầm thì rẽ phải hay rẽ trái, làm cách nào để đến được điểm mà mình mong muốn,... Nó tựa như một chiếc phao cứu sinh lúc chị ấy bị lạc đường ở Bắc Kinh. Chị ấy không giỏi tiếng Anh và cũng không biết tiếng Trung, điện thoại thì chưa kích hoạt sim nên không thể liên lạc với người quen ở Bắc Kinh.
Đó là lần mà mình cảm thấy được tiếp động lực rất lớn để viết lại, review chi tiết những chuyến đi, nhất là dành cho các bạn nữ đi solo travel. Đó cũng là lý do mình thường viết rất dài khi review về một địa điểm nào đó để các bạn có những thông tin cần thiết, nơi đó có an toàn hay không, cần làm gì, đi như thế nào,… Nó cũng là động lực rất lớn cho mình khi là một travel blogger.
PV: Bạn có thể chia sẻ một số lưu ý dành cho các bạn nữ muốn đi solo travel không?
Thùy Trang: Theo mình thứ nhất là cần đẩy thông tin cá nhân như: Hộ chiếu, ảnh thẻ, căn cước công dân, bằng lái xe quốc tế lên nền tảng online để sẵn sàng lấy ra bất cứ lúc nào nếu chẳng may bị mất hộ chiếu, hành lý. Trước khi đến quốc gia nào, mình luôn tìm kiếm những thông tin quan trọng như: Đại sứ quán Việt Nam, các tổ chức chịu trách nghiệm về du lịch, những hotline liên quan đến bảo vệ phụ nữ,… để tiện liên lạc khi cần thiết. Khi đi du lịch mình cởi mở, trò chuyện với những người xung quanh nhưng cũng không quên cảnh giác và đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.
- Cảm ơn những chia sẻ của bạn!