Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cùng các đại biểu Sở Du lịch, lãnh đạo các Chi hội và đại diện một số khu điểm du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ tỉnh Bắc Giang.

img-8521-1744381030.JPG
Hội nghị Xúc tiến điểm đến Du lịch Bắc Giang diễn ra tại Hà Nội chiều 11/4.

Tiềm năng du lịch của Bắc Giang

Mở đầu Hội nghị, ông Đỗ Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang đã nêu lên những tiềm năng du lịch hiện có của địa phương. Thuộc vùng đất Kinh Bắc xưa, Bắc Giang là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Hệ thống di sản văn hóa Bắc Giang được trải khắp 10 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 2.237 di tích, trong đó có 759 di tích được xếp hạng các cấp gồm 06 di tích và cụm di tích Quốc gia đặc biệt; 91 di tích quốc gia; 630 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Giang được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan đẹp có giá trị về tài nguyên sinh du lịch sinh thái như khu bảo tồn, hồ, suối, thác, rừng và vùng cây ăn quả rộng lớn nhất miền Bắc và những làng nghề, sản vật nổi tiếng như vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, bánh đa Kế, rượu Làng Vân… 

Theo ông Khoa, với những tiềm năng lớn mạnh đặc biệt về văn hóa lịch sử và thiên nhiên, Bắc Giang định hướng phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, hòa cùng xu hướng du lịch chung hiện nay. Một số điểm đến xanh tại Bắc Giang đã được khai thác khá hiệu quả như khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, bản Ven Xanh, vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn.

img-8523-1744381028.JPG
Ông Đỗ Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang phát biểu mở đầu Hội nghị

Con đường đưa Bắc Giang trở thành điểm du lịch xanh

Hiện Bắc Giang đang xây dựng phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch chủ lực gồm: du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. 

Tỉnh Bắc Giang đưa ra định hướng phát triển 5 không gian du lịch gồm: không gian du lịch Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, huyện Lục Nam - khu vực phía Đông Nam của tỉnh); không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế, huyện Tân Yên - khu vực phía Tây Bắc của tỉnh); không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí (TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên - khu vực trung tâm và phía Nam của tỉnh); không gian du lịch sinh thái nông nghiệp (huyện Lục Ngạn, huyện Lục Nam - khu vực phía Đông Bắc của tỉnh); không gian văn hóa Quan họ (thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa - khu vực Tây Nam của tỉnh).

Để thực hiện định hướng, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch tiêu biểu như sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử”, chương trình du lịch “Mùa quả ngọt”; chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc cũng như các hoạt động xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Giang đã xuất bản 57.000 ấn phẩm các loại gồm: bản đồ, cẩm nang du lịch Bắc Giang, sách ảnh du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng đang triển khai ứng dụng công nghệ AI, 3D/360 độ trong việc xây dựng “Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 độ tỉnh Bắc Giang” để giới thiệu ảo các di tích lịch sử văn hóa, các khu, điểm du lịch trong tỉnh.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển du lịch, tỉnh Bắc Giang đã tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như VITM Hà Nội, Hội nghị Giao thương trực tuyến với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc, Lễ hội du lịch biên giới Việt - Trung, Hội chợ thương mại xuất nhập khẩu Trung Quốc - ASEAN và các sự kiện lễ hội, triển lãm, hội nghị của các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Ninh. Thông qua các hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch, tỉnh Bắc Giang đã mở rộng liên kết phát triển du lịch với các địa phương và các đối tác như Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines); tỉnh Gifu (Nhật Bản); tỉnh Xay Sổm Bun (Lào); Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh Việt Bắc.

img-8525-1744381029.JPG
Ông Đỗ Tuấn Khoa, ông Phạm Xuân Thủy, ông Vũ Thế Bình (trái qua phải) chủ trì Hội nghị.

Tạo sức hút bằng những sản phẩm du lịch mới

Tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát các khu, điểm du lịch để xây dựng các tour, tuyến mới. Ngoài yếu tố thúc đẩy du lịch tại địa phương, các đơn vị xây dựng tour cần đảm bảo tính “xanh” và tính bền vững của các sản phẩm mới. 

Một số sản phẩm đã được Sở VHTTDL Bắc Giang phê duyệt và đưa vào hoạt động gồm: tour “Theo dấu chân Phật Hoàng” - tìm hiểu hành trình xuất gia tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở phía Tây Yên Tử; tour “Tập làm người Kinh Bắc" khám phá vẻ đẹp văn hóa từ Hà Nội - làng cổ Thổ Hà - chùa Bổ Đà (Bắc Giang); tour du lịch mùa vải thiều và mùa cam bưởi mang tên “Lục Ngạn mùa quả chín”, tour du lịch cộng đồng tại Bản Ven Xanh. Đồng thời, tỉnh tiến hành khảo sát các điểm du lịch mới như: điểm du lịch Bầu Tiên, Hoa Quả Sơn; Vạn Hoa Hồ Va; Trường Đại học Nông Lâm…

Năm 2024, Bắc Giang ước tính đón khoảng 2,7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 20 khu, điểm du lịch, 35 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch, 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

img-8544-1744381029.jpg
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác liên kết phát triển điểm đến du lịch Xanh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030.

Với tiền đề trên, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2025 đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2030 đón được 7,5 triệu lượt khách, đạt doanh thu 7,5 nghìn tỷ đồng. 

Để tiến đến gần hơn với mục tiêu đề ra, trong hội nghị, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang và Liên Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác liên kết phát triển điểm đến du lịch Xanh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, Biên bản ghi nhớ Hợp tác liên kết phát triển điểm đến du lịch giữa Công ty Cổ phần du lịch và Quản lý điểm đến SGO với Chi hội Lữ hành - Vận tải khách du lịch tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Giang cũng được ký kết tại Hội nghị này. 

img-8552-1744381028.jpg
Ông Phạm Văn Thủy phát biểu chỉ đạo trong Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ cho biết, để Hội nghị mang lại những thành quả tốt nhất, Bắc Giang cần nghiên cứu, đánh giá thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế để xây dựng các sản phẩm phù hợp với thế mạnh địa phương, thu hút dòng khách du lịch cao cấp, có mức chi tiêu tốt và lưu trú dài ngày như: du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf). Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng cần được đẩy mạnh như phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và người nổi tiếng tuyên truyền về các điểm đến, trải nghiệm, sản phẩm du lịch và sản vật đặc trưng gắn với yếu tố “xanh” và phát triển bền vững. Bắc Giang nên chú trọng kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách hàng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố là trạm trung chuyển khách trong và ngoài nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn và TP. Hồ Chí Minh.

Tỉnh Bắc Giang đặt kỳ vọng sẽ trở thành “điểm đến du lịch xanh” trong giai đoạn 2025 - 2030 và sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ông Đỗ Tuấn Khoa chia sẻ thêm.