Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du xuân Giáp Thìn không thể bỏ qua loạt lễ hội lớn ở miền Bắc này

Những ngày đầu năm mới, tại các đền, chùa, khu di tích tâm linh thường diễn ra các lễ hội thu hút đông đảo du khách tham gia.

Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)

Lễ hội chùa Hương diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch, là một trong những lễ hội lớn dịp đầu năm. Chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50km nên thuận tiện khi di chuyển bằng xe máy, xe ô tô hay xe bus.

Để tạo thuận lợi cho du khách về tham dự lễ hội, năm nay ban tổ chức chuyển đổi sang mô hình bán vé điện tử, thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, điều hành thuyền, đò theo đúng thời gian quy định để đảm bảo an toàn cho du khách. Theo đó từ thứ 2 đến thứ 6, thời gian thuyền, đò vận chuyển khách từ 5h đến 20h. Thứ 7 và chủ nhật từ 4h đến 20h.

hoilim3-1707871843.jpg
Chùa Hương (Hà Nội) - Ảnh: Báo Hà Nội mới.

Ngoài ra còn thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển trong khu vực lễ hội với 3 tuyến đường: Bến xe Hội Xá - bến đò Yến Vỹ; bến xe Đục Khê - bến trượt Đồng Cừ; bến xe đường số 1 - bến đò chùa Tuyết Sơn. Giá vé xe điện là 20.000 đồng/lượt.

Giá vé thắng cảnh là 120.000 đồng/lượt. Về giá thuyền đò có 3 tuyến: Tuyến Hương Tích là 85.000 đồng/ người/2 lượt vào, ra; Tuyến Long Vân là 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra.

Ở chùa Hương còn có vé cáp treo với giá 220.00 đồng/người lớn/khứ hồi và 150.000 đồng/trẻ em/khứ hồi. Vé một lượt người lớn là 150.000, trẻ em là 100.000 đồng.

Lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội)

Lễ hội Gióng đền Sóc được tổ chức hàng năm nhằm ca ngợi chiến công của người anh hùng trong truyền thuyết Thánh Gióng, kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến mùng 8 tháng Giêng.

Lễ hội có hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ rước sẽ có 8 lễ vật và lễ tế được các thôn làng cung tiến gồm hoa tre, thần mã, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ và cầu húc.

Phần hội sẽ có các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian như đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng, thi nấu cơm. Đặc biệt, trò chơi nghi lễ Kéo Mỏ tiếp tục được tái hiện khiến nhiều người thích thú.

Lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định)

Lễ hội Khai ấn đền Trần diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng, tại đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Vào ngày 11 sẽ tổ chức lễ rước Kiệu Ngọc Lộ, ngày 12 tổ chức lễ rước Nước, tế Cá.

Đêm 14 tháng Giêng thực hiện nghi lễ dâng hương, rước Kiệu ấn và Khai ấn.

Từ ngày 15 tháng Giêng sẽ tổ chức phát ấn cho người tham gia lễ hội. Ngày 16 tháng Giêng tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung.

Trong lễ hội Khai ấn đền Trần còn có nhiều hoạt động văn hóa như biểu diễn trống hội cà rùng, chơi cờ bỏi, tổ tôm điếm, múa lân sư rồng, hát chèo, hát văn, hát xẩm, múa rối nước,... Lễ hội này không chỉ mang đậm giá trị văn hóa tâm linh truyền thống mà còn có ý nghĩa giáo dục lịch sử, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt.

Lễ hội Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Lễ hội Đền Bà Chúa Kho diễn ra trong vòng 1 tháng, từ 25 tháng Chạp năm Quý Mão đến 26 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Lễ hội nhằm ghi nhớ công lao to lớn của Bà Chúa Kho - người bảo quản kho lương của triều đình nhà Lý ở vùng núi Kho trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược.

Hội Lim (Bắc Ninh)

hoilim-1707871844.jpeg
Hội Lim, Bắc Ninh. Ảnh: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Hội Lim là một trong những lễ hội lớn vào dịp đầu năm ở Bắc Ninh. Lễ hội thể hiện không gian văn hóa đặc sắc của vùng đất quan họ.

Tại hội Lim sẽ có những hoạt động tiêu biểu như lễ rước nước, rước kinh dược sư khai hội cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh)

Hội xuân Yên Tử khai mạc vào ngày 10 tháng Giêng, kéo dài đến tháng 3 âm lịch. Hội xuân Yên Tử có nhiều hoạt động đậm đà bản sắc dân tộc như Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống, tìm hiểu ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thah Y dưới chân núi Yên Tử...

Lễ hội khai xuân Tây Yên Tử (Bắc Giang)

hoilim2-1707871844.jpeg
Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hưởng

Lễ hội khai xuân Tây Yên Tử diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử huyện Sơn Động; chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng và một số huyện, thành phố trong tỉnh.

Trong lễ hội sẽ có các hoạt động như trưng bày chuyên đề, lễ rước bài vị, lễ hội khai xuân.

Cụ thể hoạt động trưng bày chuyên đề sẽ trưng bày cổ vật tiêu biểu thời Lý - Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Trình diễn viết và trưng bày thư pháp "Thơ văn Lý - Trần qua thư pháp" (20/02); Trưng bày sản phẩm du lịch “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” (20 - 25/2). Các hoạt động thể thao có kéo co; đẩy gậy.

Hoạt động Lễ rước Bài vị Tam Tổ Trúc Lâm từ chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng lên chùa Thượng Tây Yên Tử, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn năm 2024; Khai Hội Báo Xuân và trưng bày ảnh đẹp về các thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang; chương trình nghệ thuật đặc sắc chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử”.

Lam Giang (Tổng hợp)