Trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động, du lịch dưỡng sinh nổi lên như một xu hướng mới tại Trung Quốc, thay thế các tour nước ngoài và tham quan đô thị truyền thống.
Tại Bắc Kinh, anh Li Yanling lựa chọn Phượng Thành – khu du lịch dưỡng sinh thí điểm thuộc thành phố Kim Thành, tỉnh Sơn Tây – để nghỉ ngơi và phục hồi thể chất. “Các điểm nổi tiếng quá đông, khiến tôi mệt mỏi thay vì thư giãn. Lần này, tôi muốn nghỉ thực sự,” anh chia sẻ.
Du lịch dưỡng sinh là sự kết hợp giữa y tế, chăm sóc sức khỏe và giải trí, phát triển mạnh trong bối cảnh dân số già hóa, người dân quan tâm hơn đến sức khỏe và được hậu thuẫn bởi các chính sách quốc gia. Mô hình này đang được nhiều địa phương ở Trung Quốc triển khai, tạo ra làn sóng dịch chuyển du lịch nội địa.

Khu Phượng Thành rộng 60 km², gồm các khu nghỉ cao cấp, rừng sinh thái, điểm cắm trại dành cho xe RV (xe nhà di động). Theo ông Yang Hua, nhân viên tại đây, nơi này đã đón hàng trăm nghìn lượt khách.
Chính quyền Kim Thành chủ động phát triển du lịch dưỡng sinh bằng quy hoạch cụ thể, tổ chức hội nghị ngành cấp quốc gia và thúc đẩy mô hình “du lịch kết hợp dưỡng sinh” thành chiến lược phát triển địa phương.
Ngoài nghỉ dưỡng và suối nước nóng, nhiều nơi tích hợp dưỡng sinh với y học cổ truyền và thiền định. Khu nghỉ Vịnh Ngọa Long (Cao Bình, Sơn Tây) là ví dụ điển hình, thu hút cả khách nội địa lẫn quốc tế.
Ở phía nam, huyện Ba Mã (Quảng Tây) – nơi được mệnh danh là “thiên đường trường thọ” – cũng ghi nhận lượng khách tăng nhờ mô hình trải nghiệm lối sống lành mạnh. Tại miền Đông, núi Mộc Can (Chiết Giang) phát triển mô hình dưỡng sinh gắn với nhà nghỉ nông thôn và homestay mang bản sắc địa phương.
Theo dữ liệu mới nhất, hơn 3,39 triệu doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Riêng quý I/2025, có tới 173.000 đơn vị mới đăng ký, cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Dù khách hàng chủ yếu vẫn là người trung niên và cao tuổi, nhóm trẻ cũng bắt đầu quan tâm. “Tôi thấy cơ thể được hồi phục thật sự. Đây sẽ là kiểu du lịch yêu thích của tôi trong tương lai,” anh Li Yanling nói.