Ở Việt Nam, cây tiêu hoang được phát hiện từ thế kỷ 16 và được đưa vào trồng thành vườn từ thế kỷ 17. Đến cuối thế kỷ 19, hồ tiêu được trồng với diện tích lớn ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (Kiên Giang). Hai nhóm đất đỏ và đất pha cát ở đảo Phú Quốc rất thích hợp trồng loại cây này, tập trung tại các xã Hòn Thơm, Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, An Thới và thị trấn Dương Đông. Do được thiên nhiên ưu đãi cùng tập quán sản xuất hữu cơ, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng hồ tiêu Phú Quốc đạt chuẩn xuất khẩu, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.
Mùa thu hoạch tiêu từ tháng 1 đến tháng 4 và được sơ chế thủ công. Những hạt chín đỏ sẽ được phơi riêng gọi là “Tiêu Đỏ”, những hạt còn xanh đem phơi khô sẽ có màu đen gọi là “Tiêu Đen”, loại tiêu đen này được tẩy lớp vỏ bên ngoài chỉ còn phần lõi hạt gọi là “Tiêu Sọ”. Tiêu sọ là loại tiêu thơm ngon và có giá trị nhất nên nhiều người ưa chuộng và lựa chọn khi mua làm quà du lịch cho người thân và bạn bè.
Ông Mark là thương gia người Mỹ, ông đến Việt Nam tìm nguồn nguyên liệu chế biến gia vị xuất khẩu đi các nước. Biết hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng ông đã tìm đến các vườn để tìm hiểu, đặt mua từ đó ông gắn bó với những người trồng tiêu và chọn Phú Quốc là nơi sinh sống, phát triển.
Ông tâm sự: “Hồ tiêu Phú Quốc là loại hồ tiêu đặc biệt của thế giới, hạt nhỏ, vỏ mỏng, cay nồng, thơm đậm hơn các loại tiêu vùng khác. Lần đầu tiên tôi đến Phú Quốc, khi thấy bà con trồng tiêu thu hái, phân loại và ủ hạt tiêu bằng phương pháp thủ công, phơi sấy tự nhiên dưới nắng mặt trời cho ra sản phẩm tiêu khô rất tuyệt vời. Tôi đã mang hồ tiêu Phú Quốc đi chinh phục những khách hàng khó tính nhất. Bây giờ Phú Quốc không còn nhiều đất trồng hạt tiêu và cũng ít người trồng, khách du lịch sẽ không còn được thăm những vườn tiêu rộng lớn mà chỉ thăm những vườn tiêu nhỏ như vậy sẽ giảm đi sự thích thú khi du lịch Phú Quốc”.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc vận hành Khu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc đưa ra nhìn nhận về giá trị của hồ tiêu: “Làm việc ở Phú Quốc từ năm 2016, tôi đã chứng kiến sự thăng trầm của cây hồ tiêu, năm 2018 - 2021 tiêu khô bị rớt giá các hộ trồng tiêu không hiệu quả nên đã phá bỏ nhiều vườn tiêu. Cùng với việc phát triển BĐS và du lịch mạnh mẽ ở Phú Quốc thời gian này đã làm diện tích trồng tiêu ngày càng thu hẹp, đến giờ Phú Quốc chỉ còn rất ít hộ trồng tiêu. Nghiên cứu về du lịch ở Phú Quốc, tôi nhận thấy việc trồng tiêu không chỉ đem lại kinh tế mà còn mang đậm giá trị về văn hóa và phát triển du lịch. Hồ tiêu là đặc sản truyền thống của Phú Quốc và là món quà độc đáo với du khách khi đến du lịch Đảo ngọc”.
Du lịch sinh thái đang được quan tâm và lựa chọn thành xu hướng phát triển du lịch bền vững của các quốc gia. Những năm gần đây, UBND thành phố Phú Quốc đã nghiên cứu “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn tiêu ở đảo Phú Quốc” hy vọng đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vườn hồ tiêu, góp phần cho du lịch đảo ngọc thêm xanh, thân thiện với môi trường. Sản phẩm này vừa phục vụ du khách thăm quan, tìm hiểu nghề truyền thống của địa phương, vừa nâng lên giá trị cây hồ tiêu, giúp các nhà vườn thu nhập cao trong phát triển kinh tế gia đình.