Vấn nạn rác và ruồi
Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều bãi biển đẹp và hoang sơ, từ nhiều năm qua tỉnh Bình Thuận là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong 3 quý vừa qua, toàn tỉnh Bình Thuận đã đón hơn 7,3 triệu lượt khách và tăng 11,42% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế có khoảng 293.000 lượt khách, tăng 53% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch cũng đã đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ môi trường. Rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nan giải không chỉ riêng Bình Thuận mà còn ở nhiều điểm du lịch trên toàn quốc. Tại các bãi biển nổi tiếng như Mũi Né, Hàm Tiến, rác thải nhựa đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, làm mất mỹ quan và ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của du khách. Mỗi khi thủy triều lên, sóng biển lại mang theo hàng tấn rác thải, trong đó có rất nhiều rác thải nhựa từ các vùng lân cận và từ những khu dân cư ven biển.

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận chia sẻ dù đã nỗ lực, lượng rác thải vẫn không hề giảm đi trong suốt mùa gió Nam. Trước thực trạng này, tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Các chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa, được triển khai rộng rãi đến cộng đồng và du khách. Các chương trình thu gom rác thải nhựa, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng đang được khuyến khích và thực hiện.
Một vấn đề khác mà “Thiên đường nghỉ dưỡng” phải đối mặt với tình trạng tình trạng ruồi phát sinh trong mùa mưa. Chuyện ruồi phát triển hoành hành cả một khu vực rộng, lại là vùng du lịch trọng yếu của tỉnh trong một thời gian dài, không những làm mất thiện cảm đối với du khách mà còn là cơ hội cho dịch bệnh khác xảy ra.
Các xã ven biển của huyện Hàm Thuận Nam là vùng chuyên canh thanh long nhưng cũng là vùng tập trung các cơ sở du lịch. Đặc biệt, xã Thuận Quý giáp ranh với thành phố Phan Thiết, sát bên Đô thị NovaWorld Phan Thiet và có khoảng 20 cơ sở du lịch khác phân bổ dọc bờ biển trên địa bàn nên cũng là nơi rõ nhất về tình trạng này. Khi canh tác thanh long, người dân địa phương không chỉ bón phân gà thô mà ngay cả phân gà đã qua xử lý, theo các hộ dân thì vẫn sản sinh ruồi trong quá trình sản xuất, nhất là trong mùa mưa. Từ đó, chúng bay ra khu vực lân cận là các cơ sở du lịch, bất chấp gió biển. Các cơ sở du lịch, cụ thể như NovaWold Phan Thiet đã thường xuyên phun xịt trị ruồi nhưng vẫn không xử lý triệt để tình trạng này.

Gắn kết du lịch với bảo vệ môi trường
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, việc gắn kết giữa du lịch với bảo vệ môi trường trở thành một yêu cầu cấp thiết để phát triển bền vững, nhằm đảm bảo không chỉ lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, không chỉ cần sự nỗ lực của chính quyền và các doanh nghiệp du lịch, mà còn cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng và du khách.
Mới đây, chủ đầu tư của NovaWolrd Phan Thiet đã phối hợp với nhóm nghiên cứu Trường đại học Tài nguyên và Môi trường thực hiện đề án thử nghiệm phương pháp sử dụng vi sinh phun xịt trên vườn thanh long để hạn chế ruồi và xử lý mùi hôi phát sinh do bón phân gà chưa qua xử lý tại khu vực xã Tiến Thành. Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận, chủ đầu tư NovaWorld Phan Thiet đã trình bày đề án trên trước đại diện các sở ngành liên quan và thành phố Phan Thiết nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho môi trường du lịch cũng như trong canh tác thanh long an toàn ở xung quanh.

UBND thành phố Phan Thiết ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường trong việc đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường nâng cao đời sống, sức khỏe cộng đồng dân cư và trải nghiệm của du khách tham quan nghỉ dưỡng tại khu vực. Đây cũng là giải pháp mà Doanh nghiệp cùng đồng hành với tỉnh nhằm giúp các hộ dân sản xuất thanh long hiểu rõ về sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất VietGAP hướng tới Nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là khu vực ven các điểm du lịch, từ đó đẩy mạnh du lịch xanh, bền vững.
Trong tháng 9/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất VietGAP cho các hộ dân trực tiếp sản xuất thanh long ở 2 xã Hàm Minh, Thuận Quý. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND của 2 xã này cho biết, việc áp dụng các yêu cầu trong nội dung tập huấn có trở ngại so thực tế. Đó là những hộ dân canh tác vài trăm trụ thanh long rất khó có sự quy củ trong ủ hoai phân gà như các trang trại lớn. Thêm nữa, hạn chế phân gà, tăng lượng phân bò cũng khó. Vì hiện phân bò ít, không đủ cung cấp nên sẽ đẩy giá bán tăng cao, người trồng thanh long không thể sử dụng được.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết, tỉnh đã tăng cường thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm, có thương hiệu nổi tiếng, tâm huyết để triển khai các dự án lớn, các khu, tổ hợp du lịch, khu vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch kết hợp hội họp, huấn luyện, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, khám phá, văn hóa tâm linh, sinh thái, du lịch nông nghiệp,… gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhằm thu hút du khách đến nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần hơn. Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là mở rộng hệ thống giao thông kết nối thông suốt đến các khu, điểm du lịch trọng tâm.
Trong tương lai, Bình Thuận sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong phát triển du lịch bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa và xây dựng hình ảnh một điểm đến xanh, sạch và thân thiện. Những bước đi này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo ra giá trị lâu dài cho cả cộng đồng và ngành du lịch của tỉnh.