Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bạc Liêu: Tìm hướng đi cho du lịch gắn với bản sắc văn hóa Khmer

Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu khép lại vào những ngày cuối năm, song cũng mở ra những kỳ vọng mới.

Từ sự kiện này, tỉnh nhìn nhận rõ hơn những việc cần làm để đánh thức tiềm năng của loại hình du lịch đang “hot trend” (xu hướng thịnh hành). Trong đó, làm du lịch với bản sắc văn hóa Khmer cũng sẽ được tìm giải pháp để vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa tạo thêm màu sắc mới cho du lịch Bạc Liêu.

THẾ MẠNH CHƯA ĐƯỢC PHÁT HUY

Trong khuôn khổ Ngày hội, chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu) được chọn làm điểm tổ chức Hội thảo định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Là người dành nhiều sự tâm huyết với phát triển du lịch tỉnh nhà nói chung, du lịch trong đồng bào Khmer nói riêng, Thượng tọa Dương Quân - Trụ trì chùa Xiêm Cán vui mừng khi câu chuyện phát triển du lịch nông thôn của tỉnh được mang ra “mổ xẻ”.

Thượng tọa cho biết, chùa Xiêm Cán với lịch sử hình thành hơn 1 thế kỷ, mang lối kiến trúc độc đáo của văn hóa Khmer Nam Bộ đã được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long. Để tạo điểm nhấn thu hút du khách, chùa thường xuyên tôn tạo các công trình, phát triển đội nhạc ngũ âm, múa Khmer phục vụ du khách. Dẫu vậy, lượng khách đến nay chưa nhiều, chưa mang lại thu nhập cho người dân địa phương do sản phẩm còn khá đơn điệu, thiếu các mô hình du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Chia sẻ của Thượng tọa Dương Quân cũng là thực trạng chung tại nhiều ngôi chùa Khmer trong tỉnh. Có thể kể đến như: chùa Cù Lao, chùa Cái Giá giữa, chùa Cái Giá chót (huyện Vĩnh Lợi)… là những ngôi chùa có kiến trúc đẹp, điều kiện thuận lợi để khai thác tua, tuyến du lịch. Hay chùa Cỏ Thum (huyện Hồng Dân) - Di tích lịch sử quốc gia cũng là điểm đến thú vị cho tua du lịch giáo dục truyền thống cách mạng. Dẫu có nhiều tiềm năng, song việc phát triển du lịch với văn hóa, kiến trúc của các ngôi chùa Khmer trong thời gian qua còn mờ nhạt, chưa được phát huy.

9b-1704350353.jpeg
Các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh khảo sát tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của chùa Xiêm Cán. Ảnh: H.T

ĐỊNH HÌNH SẢN PHẨM CHO DU LỊCH

Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng: “Trên tuyến du lịch ven biển TP. Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán là sản phẩm mang sắc màu riêng biệt. Đây không chỉ là kiệt tác về nghệ thuật kiến trúc mà còn có nhiều chất liệu để xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn. Muốn như thế, chùa phải được định hình rõ nét là sản phẩm đậm chất văn hóa Khmer. Chẳng hạn, hằng tuần hoặc hằng tháng, chùa có thể tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng bằng cách phục dựng một lễ hội truyền thống. Tại đây, du khách được trải nghiệm không khí lễ hội, mặc trang phục Khmer, tham gia các trò chơi dân gian, các điệu múa… Các doanh nghiệp lữ hành sẽ rất ấn tượng và tích cực kết nối với sản phẩm này để phục vụ du khách trong nước”.

Xây dựng làng văn hóa du lịch Khmer, tại sao không? Đó là ý kiến của một doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh nhằm xây dựng sản phẩm du lịch Khmer quy mô, đặc sắc. Việc này nên lựa chọn thực hiện tại địa bàn có các lợi thế như: chùa Khmer có kiến trúc đẹp, giao thông thuận tiện, có làng nghề truyền thống…

Thật ra, ý tưởng trên đã được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Lợi tính đến với mong muốn khơi dậy tiềm năng du lịch của văn hóa Khmer. Địa bàn được đơn vị dự kiến xây dựng làng văn hóa du lịch là khu vực từ chùa Cù Lao đến chùa Cái Giá giữa và chùa Cái Giá chót. Trong không gian này, huyện dự kiến sẽ xây dựng các sản phẩm, dịch vụ như: đua ghe Ngo, giao lưu nghệ thuật, trình diễn các loại bánh truyền thống, may trang phục, điêu khắc… Trước mắt, Phòng sẽ tiến hành các bước khảo sát thực tế, phối hợp với Ban Quản trị các chùa Khmer xây dựng Đề án phát triển làng văn hóa du lịch Khmer để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Du lịch nông thôn đang là xu thế tìm kiếm của du khách hiện nay với mong muốn được hòa mình với thiên nhiên và khám phá văn hóa bản địa. Chính vì thế, phát triển các sản phẩm văn hóa Khmer rất cần được đầu tư đúng mức, kịp thời để tạo ra sản phẩm mới cho Bạc Liêu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo sinh kế bền vững cho người dân ở các phum sóc.