Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Áo dài của đàn ông Việt: Di sản bị gắn với nhiều định kiến

Đây cũng là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ có niềm đam mê với Việt phục trong diễn đàn “Tóc xanh Vạt áo lần thứ 4 năm 2024” được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. 

Tại buổi diễn đàn “Tóc xanh Vạt áo lần thứ 4 năm 2024” có sự xuất hiện các chuyên gia như: TS. Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế; ThS Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt; Nghệ nhân Áo dài Năm Tuyền; Nhà thiết kế Quang Hòa - sáng lập thương hiệu Áo Dài Quang Hòa; ông Dương Phạm Trí - sáng lập thương hiệu Việt phục Chiêu Minh Các; Họa sĩ Phan Thanh Nam; Trần Minh Tuấn, người sáng lập Đuốc Mồi; Ngô Lê Duy, đồng sáng lập Hoa Niên - Năm Tháng Tươi Đẹp; Tôn Thất Minh Khôi - đồng sáng lập Tuần lễ văn hoá "Sóng Đôi"; Võ Nam Du - Đại diện Việt Sử Liên Minh cùng nhiều bạn trẻ đang dành nhiều sự quan tâm cho Việt phục.

7-1711355367.jpg
Toàn cảnh buổi diễn đàn “Tóc xanh Vạt áo lần thứ 4 năm 2024”.

Theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia chia sẻ, áo ngũ thân - tiền thân của Áo dài hiện đại được sáng tạo bởi cư dân Đàng Trong trong quá trình Nam tiến, chiếm lĩnh đất phương Nam và hòa nhập vào cộng đồng Đông Nam Á. Tại thời điểm 280 năm trước, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định dùng áo ngũ thân làm thường phục thống nhất cho cư dân Đàng Trong, và chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện chủ trương, toàn bộ miền Nam từ sông Gianh trở vào, mọi tầng lớp nhân dân đều bắt đầu quen với việc mặc áo ngũ thân trong các buổi lễ nghi và làm việc. 

Sau khi thống nhất toàn vẹn đất nước từ Nam Quan đến Mũi Cà Mau, triều Nguyễn đã đồng nhất trang phục Bắc Nam nhằm thể hiện sự thống nhất về văn hóa của một quốc gia độc lập. Nhờ quyết liệt thực hiện chủ trương này mà đến giữa thế kỷ 19, trang phục áo ngũ thân đã trở thành loại lễ phục và thường phục phổ biến trong toàn cõi Việt Nam, trở thành quốc phục của người Việt với cả nam và nữ. 
 
“Áo dài gắn liền với hình ảnh của phụ nữ, dù có nói ra hay không nói ra thì áo dài nghiễm nhiên được xem là quốc phục của người Việt Nam. Và ở bất cứ nơi nào trên thế giới, khi thấy một phụ nữ diện trên mình chiếc áo dài thì họ cũng đều sẽ nghĩ là người Việt Nam. Tuy nhiên, với đàn ông thì điều đó lại rất khó, và tôi nghĩ rằng nam giới chúng ta cần phải nỗ lực làm sao cho bằng họ”, TS. Phan Thanh Hải chia sẻ.

3-1711355436.jpg
TS. Phan Thanh Hải chia sẻ tại buổi diễn đàn.

Có thể nói, trong áo dài nữ được cách tân và phát triển không ngừng để phù hợp với xu thế hiện tại, thì áo dài nam lại dần bị đưa vào quên lãng. Đến năm 2020, khi Sở Văn hoá Thể thao Thừa Thiên Huế triển khai cho toàn cán bộ, công chức nam mặc áo dài truyền thống đến công sở vào Thứ 2 đầu tháng. Khi đó, sự việc này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nảy lửa, có ý kiến cho rằng, mặc áo dài nam ở nơi công sở là không phù hợp và bất tiện khi đi làm. Một số ý kiến thì cho rằng may bộ áo dài ngũ thân sẽ khá tốn kém, gây lãng phí.

Không chỉ vậy, áo dài nam còn bị gắn với nhiều định kiến nặng nề mà cho tới nay vẫn chưa thể thoát ra được. Có mặt tại buổi diễn đàn, họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ: “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tư vấn rất nhiều trang phục cho các bạn trẻ, đồng thời cũng rất may mắn khi được lắng nghe nhiều câu chuyện từ các bạn. Trong số đó, có câu chuyện bạn nam trẻ không nhận được sự ủng hộ từ người trong gia đình trong việc mặc áo dài ngũ thân. Sau này tìm hiểu mới biết nguyên nhân là vì họ vẫn còn có định kiến rằng mặc áo dài nam trông giống lý trưởng, phú ông, quan tham, thầy bói,...”

4-1711355677.jpg
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói về những định kiến nặng nề dành cho áo dài nam.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, tình trạng áo dài nam bị gắn với hình ảnh lý trưởng, cường hào, ác bá,... đến nay vẫn còn. Thậm chí có các cụ ông, cụ bà sinh những năm 40-50 chưa thật sự hiểu rõ về lý trưởng nhưng vẫn cứ so sánh bởi điều này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ. Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng việc khôi phục cổ phục là quay về với thời đại phong kiến, chính những suy nghĩ này sẽ tạo ra thách thức lớn cho những người đang bước trên hành trình khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Qua sự việc này đòi hỏi chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ cần phải tìm hiểu về giá trị văn hóa và dành thời gian để trao đổi với người lớn rằng đây là di sản do cha ông ta để lại, chứ không phải là vấn đề về phong kiến”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói.

Nhìn nhận quá trình cách tân bộ trang phục áo dài, ông Bình đánh giá việc đổi mới để phù hợp với bối cảnh hiện nay là rất hay nhưng nó chưa thật sự đẹp, đặc biệt là áo dài nam. Bởi vẫn có vài người mặc áo dài với dáng vẻ lôi thôi, thậm chí chất vải cũng như cách may áo dài nam cũng ngày càng khác đi. “Chúng ta không thể để hình ảnh người đàn ông Việt với lối ăn mặc xuề xòa xuất hiện trước mặt bạn bè quốc tế như vậy. Đây cũng chính là điều làm những người nghiên cứu về mỹ thuật như chúng tôi phải trăn trở”, ông Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Qua đó, ông Nguyễn Đức Bình cũng bày tỏ mong muốn các bạn trẻ hãy lựa chọn và mặc các trang phục áo dài theo lối chỉnh tề. Đồng thời với những bạn cho thuê trang phục, hãy chọn ra những bộ đẹp và may nó làm sao cho đúng cách để góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong thời đại hiện nay.

20170101000829-img-8186-1711260602-1-1711355874.jpg
Vượt qua những định kiến xưa, các bạn nam vẫn tự hào khi diện trên mình những bộ áo dài ngũ thân.
Bài và ảnh: Anh Thư