Một sớm nào đó ở thành phố: Dậy sớm, thể dục rồi nhâm nhi ly cà phê, ăn ổ bánh mỳ,... trong tâm ta tự dưng lại thấy yêu cái thành phố hối hả, ồn ào này nhiều đến thế.
Một buổi sớm rất khác, khi phố thị tắt đi những ánh đèn đêm hoa lệ, bình minh còn chưa kịp hé trên những tòa nhà chọc trời tôi đã lang thang trong màn sương sớm. Khi guồng quay hối hả của công việc còn chưa đến, tôi trốn đi, chọn một lần sống chậm để nhìn lại thế giới này một góc khác hơn, đặc biệt với TP.HCM đã từng quá quen thuộc.
Trong vẻ tấp nập của hàng xe nối đuôi nhau, bên nét lo toan, mơ màng trên gương mặt nhiều người, thành phố vẫn ở yên vậy. Khung cảnh vẫn một màu không phai mặc dòng người ngược xuôi qua lại. Ngồi một quán cóc, nhâm nhi ly cà phê đắng, xoã hết chân tay và mệt mỏi, chúng ta sẽ nhận ra thành phố này lại có nét đẹp bình dị lạ thường, như cái tên thương nhớ mà người xưa hay gọi: Sài Gòn - vừa nhộn nhịp lại bình yên.
Đông về, trong cái se lạnh của những ngày sắp đến noel, thành phố này có khác không? Khác chứ! Mặt trời ló dạng trễ hơn mọi khi, những giọt sương sớm vẫn chưa kịp tan hết, đọng lại trên quần áo, mũ, tóc người lao động. Nhưng rất nhanh, khi những tia nắng ấm áp đầu tiên chiếu lấp lánh xuống, các giọt nước tan đi như chưa hề tồn tại.
Trên con đường Nguyễn Thái Bình, tiếng xào xạc của hàng cây mùa lá me non hoà cùng âm thanh động cơ pha chút khói bụi hoà thành bức tranh đầy tĩnh và động. Cầm lái trên đường Điện Biên Phủ, dăm ba mét lại gặp cây đèn đỏ, tiếng kèn xe inh ỏi, chen nhau không khoảng trống. Bỏ đi những bực bội việc tắc đường, trong mắt tôi họ như “xích lại gần nhau”, tạo thêm hơi ấm vượt qua mùa noel lạnh giá sắp đến.
“Lũ trẻ ở Sài Gòn giờ chúng sống vội quá ông nhỉ? Vừa thức đã lật đật đi làm, thời gian ngồi uống ly sữa đã cũng không có, phải đặt đến tận công ty. Ngày cuối tuần thì ngủ đến trưa rồi cắm mặt vào cái máy tính gõ gì chẳng biết. Tôi cá là chúng nó chẳng nhớ nổi bình minh trong như thế nào đâu. Chắc nó mải kiếm tiền ông ạ. Cũng chẳng trách được. Trẻ thì ai cũng lao mình đi kiếm tiền, chứ già như tôi và ông rồi mới thấy. Tiền cũng cần thiệt, tiền thì mua được đồng hồ đấy nhưng chẳng mua được thời gian…”, một góc cà phê, hai ông lão bàn nhau về chuyện người trẻ.
Cách nhìn nhận thế giới ở mỗi người, mỗi độ tuổi là khác nhau. Và thế giới ấy lại khác đi trong từng khung giờ. Tầm 5h sáng, đông đúc người dân chạy bộ quanh công viên Hoàng Văn Thụ, xe cộ vãn hơn và âm thanh ồn ào vẫn chưa xuất hiện. Vào 6h30 trước những cổng trường đa dạng biểu cảm trên gương mặt những đứa trẻ: khuôn mặt vui vẻ vào lớp gặp bạn bè, khoe chiếc cặp mới vừa được mẹ mua, khuôn mặt luyến tiếc không nỡ rời vòng tay người thân hay vẻ mơ màng trên những gương mặt còn mơ ngủ.
Tại thành phố liếc mắt là thấy xe ô tô, xe gắn máy sao chúng ta không thử điều khác hơn. Tầm 5h sáng thuê một chiếc xe đạp công cộng, đạp dọc theo bờ sông Hoàng Sa, Trường Sa hay những con đường rợp bóng cây xanh. Vừa tập thể dục buổi sáng, vừa ngắm được những ông, bà cụ bên chiếc máy tập nơi công viên hay nghe những cặp đôi ngồi trên ghế tình tứ kể về những câu chuyện cuộc sống. Những khung cảnh tưởng chừng quen thuộc lại thấy rất khác.
Cảm giác thế nào khi chờ bình minh lên tại nhà thờ Đức Bà? Khi chuông thánh đường vang lên báo hiệu ngày mới bắt đầu nhưng nhịp sống vẫn bình lặng và nhẹ nhàng. Nhiều người vẫn từ tốn nhâm nhi ly cà phê trên tay, một số cúi xuống vệ đường cho những chú bồ câu vụn bánh mì, nhiều nhiếp ảnh gia, du khách canh lúc chúng xoè cánh mà chụp lại khoảnh khắc đẹp…
Thử tìm một góc có tầm nhìn tốt, lặn ngắm thật lâu sự chuyển động của thành phố. Những hàng quán ven đường bắt đầu dựng lên, xe bánh mì từ từ lăn bánh, gánh xôi bên đường chờ đợi thực khách, thấy được hàng ngàn phương tiện giao thông qua lại, không chút lưu luyến, chỉ thải lại khói bụi, rồi vội vã đi nhanh. Đôi khi bắt gặp việc gì đó thú vị, tủm tỉm cười một mình, cô đơn nhưng không buồn chán.
Có những câu hứa “hôm nào cà phê” phần lớn ám chỉ “đặc sản” có từ thời Sài Gòn xưa: cà phê bệt. Bạn tựa mình trên những chiếc ghế nhựa xanh đỏ nơi vỉa hè hay ngồi bệt giữa làn gạch mát lạnh, thức uống này không còn mang giá trị giải khát như công dụng ban đầu. Ít nhất một lần trong chúng ta đã nhâm nhi ly cà phê đắng cả ngày để thưởng thức trọn hương tinh túy vị quê nhà.
Nói về văn hoá cà phê bệt, người nơi đây có câu rất hay: vài ly cà phê, mấy người bạn, dăm ba câu chuyện phiếm. Giống việc ngồi cả ngày trong quán cà phê mà dán mắt vào chiếc laptop để làm việc, người ta tìm đến cà phê bệt cũng chỉ để hưởng không khí phố thị xung quanh, ẩn mình giữa nhịp sống tấp nập.
Nhiều người ví Thành phố Hồ Chí Minh như “khu rừng” được dựng lên từ cốt thép và bê tông cũng bởi nơi đây nhà cao như tháp, san sát tựa thảm cỏ. Có thể ngày thường bạn vẫn chưa nhận ra nhà nơi thành phố này chen chút chèn chịt lên nhau. Khi chậm lại ta mới thấy mình thật nhỏ bé giữa thành phố này, nơi mệnh danh Sài Gòn hoa lệ, thật rộng lớn và cô đơn.
Buổi sáng cỗ máy mang tên “Sài Gòn” như vận hành khác đi. Khi sự vội vã, chen chúc chưa xuất hiện thì những điều tưởng như nhỏ bé lại trở nên lớn lao. Gương mặt tươi cười của những người lao động nghèo nhận được xuất cơm từ thiện sáng sớm hay giọt mồ hôi tuôn ra trên người những bạn trẻ tình nguyện dọn vệ sinh đường phố… hình ảnh đó giúp thành phố có cái nhìn khác hơn, bình yên và dễ chịu.
Người ta thường bảo nhau “Sài Gòn đẹp nhất về đêm”, nhưng chỉ vào buổi sáng, nhịp sống mới thật chậm và đầy sức sống. Khi ấy mọi bộn bề công việc, các mối bận tâm thường ngày, những âu lo phiền muộn vẫn còn chưa “thức giấc”. Vẻ tất bật ngày thường dường như được chôn cất nơi nào đó để lại cuộc sống sinh hoạt đời thường rất đỗi dung dị của một thành phố yên bình.