Đền Đồng Bằng - nơi thờ Vĩnh Công Đại Vương, điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng gắn với câu nói "Tháng tám tiệc cha, tháng ba tiệc Mẫu". Nơi đây ghi lại truyền thuyết về vị thủy thần có công dẹp giặc, giữ yên bờ cõi và chăm lo cho muôn dân.
Đền Đồng Bằng nằm bên cạnh dòng sông Mai Diêm, thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ nay là thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Theo ngọc phả của di tích, đền Đồng Bằng thờ vua cha Bát Hải, Bát Hải Đại Vương hay còn được gọi ngắn gọn là vua cha. Trong cấm cung của đền vẫn còn cỗ long ngai, hoàng bào và quý giá nhất là giếng cổ ngàn năm vẫn đầy nước, tương truyền là nơi xuất phát của 8 con sông tượng trưng cho 8 con rồng tạo thành cửa sông ở vùng đồng bằng.
Người dân ở đây kể rằng, vào thời vua Hùng thứ 18, giặc giã nổi lên, ngoại bang xâm lấn. Triều đình đã điều động tướng giỏi, binh tài nhưng thế giặc vẫn quá mạnh, khó lòng chống đỡ nổi. Vua Hùng truyền lệnh lập đàn “Linh sơn tú khí” để chiêu mộ người giỏi giang, tài đức giúp dân giúp nước. Bấy giờ Tản Viên Sơn Thánh cũng về chầu Hùng Vương và đã bày cách cho vua về trang Đào Động mời tướng thần Thoải cung (đọc chệch từ chữ Thủy – nước) đứng lên giúp đánh tan giặc giã.
Quả nhiên, thủy thần làng Đào Động đã ra phò trợ vua Hùng, mộ binh dẹp giặc, trấn giữ 8 cửa bể phía Tây. Sau khi đánh dẹp quân xâm lăng, đất nước hưởng thái bình, Ngài được sắc phong “Trấn Tây An Nam – Tam Kỳ Linh Ứng – Vĩnh Công Đại Vương thượng đẳng thần”.
Từ thế kỷ thứ XIV, đền còn phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng danh tướng nhà Trần đã có công lớn dẹp giặc Nguyên Mông. Cũng tại đây, quan quân nhà Trần đã đóng binh, tập luyện, Hưng Đạo Vương mỗi khi ra trận cũng lập đàn cầu đảo, xin âm phù của đức vua Bát Hải.
Được thiết kế theo lối “Tiền nhị hậu đinh” với 66 gian, 13 tòa, đền Đồng Bằng là tổ hợp của các công trình kiến trúc nguy nga và bề thế.
Ban đầu, đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ nhưng tới thời Tiền Lê đã được xây dựng, mở rộng khá quy mô thành 5 cung và 4 ban thờ công đồng khang trang. Sau này, đền liệt vào “Tứ cố cảnh” dưới thời nhà Lý bao gồm các đền Đào Động, Lộng Khê, Tô Đệ, A Sào.
Kiến trúc trong đền nguy nga, tráng lệ, các cung thất, cột kèo, vì nách được chạm hoa văn, họa tiết vô cùng sinh động, sơn son thếp vàng óng ánh. Đến triều đại nhà Trần, trong lúc giặc Nguyên Mông tràn vào bờ cõi nước ta, Đào Động lại trở thành nơi đóng quân và luyện tập của binh lính nhà Trần. Sau ngày đại thắng, Tướng quân Phạm Ngũ Lão đã vịnh bài thơ hiện vẫn còn lưu lại trên cuốn thư, treo ở tòa cung đệ nhị của đền. Hầu hết các cột đền đều làm bằng đá có phần nhô ra để chạm câu đối. Nhiều đồ tế khí, đồ thờ tự tại đền vẫn được giữ gìn qua bao năm tháng, các bài vị từ thời Lê khắc chữ vàng, hạc đồng, tượng cổ… mang giá trị văn hóa lẫn nghệ thuật cao, phần nào thể hiện tay nghề lẫn tư duy của cha ông ta thuở trước. Đáng chú ý có bài vị khắc:
Hùng triều anh linh
Tác vỹ trấn kỳ giang
Bát Hải động đình
Vĩnh Công Đại Vương thần vị
Đền Đồng Bằng được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1986, là điểm du lịch văn hóa, tâm linh của tỉnh Thái Bình năm 2015. Lễ hội đền Đồng Bằng cũng được ghi vào mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là tín ngưỡng mang tính dân tộc, chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Từ sâu bên trong tín ngưỡng này sản sinh ra nhiều lớp lang sự tích, văn hóa lẫn các nhân vật thần thoại được hòa trộn vào một tổng thể chung, một cộng đồng gọi là “Đình Thần”. Đình Thần Tứ Phủ chủ yếu thờ Thánh Mẫu, nhưng trên hàng Thánh Mẫu còn có các đức vua cha. Bao gồm Thiên phủ Ngọc Hoàng thượng thế, Nhạc phủ Tản Viên sơn thánh, Thoải phủ Động đình Bát Hải đại vương (hay có tài liệu hát văn ghi Phù Tang Cam Lâm Đại Đế).
Phủ Thái Ninh trong miền Phụ Dực,
Danh tiếng đồn náo nức gần xa;
Động đình sông vẳng ngả ba.
Tối linh thượng đẳng trên tòa uy nghi.
Đôi bên ngựa đứng voi quỳ,
Phượng thì đua múa hạc thì chầu lên.
Trước án tiền nức mùi hương xạ.
Trên đèn hương khói tỏa vân lung;
Chữ rằng: vạn tuế Thánh cung;
Quy mô lồ lộ cửa rồng nguy nga.
Vua cha Thủy phủ không chỉ phụ thân của Thánh Mẫu đệ tam, Ngài còn là cha của các tôn ông, thánh hoàng thuộc Ngũ vị tôn quan và Thập vị quan hoàng. Trong tín ngưỡng Thỡ Mẫu, vua cha Bát Hải cũng là vị vua cha gần gũi và thường xuyên được nhân dân lẫn người tin theo tín ngưỡng trọng vọng.
Ngoài đền Bát Hải, đức vua cha còn được thờ ở nhiều đền, phủ, điện khác cũng ở ngôi cao nhất – riêng một tòa: đền Lâm Du (Long Biên, Hà Nội), đền Bát Hải vọng từ (Hoàng Mai, Hà Nội), phủ Thái Ninh (Thái Bình), đền Vạn Ngang (Hải Phòng)…
Trong hát văn, văn nhân vẫn thường đàn ca chúc thánh vào những ngày kỵ, ngày tiệc của Ngài, thường là kể về sự tích, nhớ ơn công đức hoặc tri ân Vĩnh Công Đại Vương.
Đền Đồng Bằng hàng năm tổ chức 2 kỳ đại lễ, lần thứ nhất vào tháng Giêng (từ ngày mùng 7) và lần thứ hai vào tháng 8 (từ ngày 20 âm lịch). Trong ngày này, Ban Quản lý di tích tổ chức phong mã, cúng lễ, dâng văn chúc Thánh, dâng tửu, múa sanh tiền. Vài năm gần đây vào tiệc tháng 8, đền mời thủ nhang đền quan Điều Thất tới hầu bóng vào ngày chính tiệc.
Vua cha Bát Hải sở dĩ gần gũi lẫn có vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu là bởi hầu hết các vị thần thuộc “Đình Thần” đều là con của ông. Như đã nói ở trên, Thánh Mẫu đệ Tam, Xích Lân công chúa là con vua Thủy Tề. Trong văn chầu có đoạn:
Trịnh giang biên ngành ngân lai láng
Nguyệt lầu lầu soi rạng Nam Minh
Vốn xưa Thoải Quốc Động Đình
Có Tiên Long Nữ giáng sinh Đền Rồng
Đức gồm vẹn công dung ngôn hạnh
Nết nhu hòa bổn tánh thiên nhiên.
Ngoài Thánh Mẫu, cả 5 vị quan lớn (Ngũ vị tôn quan), còn có các vị hoàng Bơ, cô Ba, cậu Bé… tương truyền cũng là hoàng tử, công chúa thủy cung.
Ngay bên cạnh đền Đồng Bằng, còn có đền Đệ Nhất chính là ngôi đền thờ Quan đệ nhất thượng thiên (Đệ nhất Hoàng Thái tử tôn quan). Tương truyền ông là vị hoàng thái tử thường khâm trực, hầu cận bên cạnh đức vua cha Đồng Bằng, vậy nên ngôi đền mới có vị trí nằm cạnh đền cha là vì như vậy.