Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Về thăm U Minh - nguyên sơ màu nước đỏ

Trong tâm thức thế hệ trước, cái tên U Minh gợi lên vùng đất khai sơn phá thạch. Cái vùng “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” ấy chưa bao giờ hết hấp dẫn hậu thế bởi những câu chuyện ngày xưa.

“U Minh xứ sở lạ kỳ
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh”

Câu ca dao ấy hoàn toàn hợp lý khi nhắc về vùng thượng nguồn rừng U Minh. Từ thuở khai hoang mở cõi, cái vùng bình sơn phá thạch ở tận cùng phía Tây Nam Bộ này tràn đầy vẻ hoang sơ kỳ vĩ. Những giai thoại trong chuyện tiếu lâm của Bác Ba Phi bắt sấu, đánh hổ chưa bao giờ thôi hấp dẫn hậu thế về cái vùng lắm nguyên sơ này. 

tuyet-nhung-1698838048.jpg
Rừng U Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuyết Nhung

U Minh lắm vẻ ngang tàng 

Là một trong ba khu vực bảo tồn sinh quyển lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng có tổng diện tích hơn 21 nghìn ha, sở hữu đa dạng sinh học bật nhất đất miền Nam. Rừng U Minh Thượng trải dài 3 huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Rừng nằm tập trung ở phía Tây bán đảo Cà Mau, tiếp giáp với dãy rừng ngập mặn dọc theo bờ vịnh Thái Lan. 

VQG U Minh Thượng thuộc hệ sinh thái rừng úng phèn quý hiếm. Bên cạnh đó, đây còn là khu dự trữ sinh quyển thứ 5 ở Việt Nam được UNESCO công nhận. Và là khu dự trữ lớn thứ 2 trong tổng 8 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.

tuyet-nhung1-1698838048.jpg
Cánh rừng tràm bạt ngàn không thấy điểm cuối. Ảnh: Tuyết Nhung

VQG hiện nay được trang bị hệ thống đê bao khép kín. Cánh rừng chia làm 2 bộ phận: vùng lõi và vùng đệm. Đây là nơi duy nhất còn nguyên vẹn các đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp các rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn với hệ sinh thái trù phú, đa dạng. Bao gồm 32 loài thú, 186 loài chim, 39 loài bò sát lưỡng cư và 34 loài cá cùng 254 loài thực vật. 

Nhắc về U Minh, ông cha ta nghĩ ngay đến vùng “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Bên cạnh “rừng thiên nước độc” khắc nghiệt, nơi đây từ thuở xa xưa đã nổi tiếng có nhiều “kỳ hoa dị thảo”. Nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú thôi thúc các bậc tiền nhân khai phá, sử dụng. 

Trong tác phẩm trứ danh “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi miêu tả phần nào chân thực sự hùng vĩ của sông núi, con người vùng này. Bối cảnh cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài... lấy yếu tố từ hiện thực chân chính. 

lay-tn1-1698838048.jpg
U Minh vào mùa mưa vẫn mang vẻ đẹp hút hồn người xem. Ảnh: Tuyết Nhung

Nhiều thập niên trôi qua U Minh vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ vốn có. Những rừng tràm xanh tươi, môi trường sinh thái đa dạng, đàn khỉ, chim, rái cá… tề tụ thu hút nhiều khách du lịch. Hàng năm nơi đây tiếp đón hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng thiên nhiên đầy kỳ bí. 

lay-tn-1698838047.jpg
VQG tiếp nhận khách tham quan từ năm 2004. Ảnh: Tuyết Nhung.

Nghề thầy đìa

Người dân khi xưa gọi vùng đất này là “Thập câu” vì nơi đây có 10 con rạch lớn chảy qua. Tận dụng nguồn tài nguyên ấy, người dân dựa rừng, lội nước mưu sinh. Nhiều nghề mới ra đời như bắt rắn, câu lương… nhưng kể đến nổi bất phải nói đến các người thợ săn ong, lội đìa. 

Cái xứ “đĩa lềnh tựa bánh canh” thì việc lội nước khá gian khổ. Tuy nhiên nguồn cá đồng dồi dào thôi thúc dân làng nơi đây men theo kinh rạch mà mưu sinh. Từ hai bàn tay trắng, người lưu dân bám nước để rồi xây dựng nên cơ nghiệp. Để rồi cái nghề mới sinh ra mà nghe tên cũng khiến nhiều người đoán mò đoán non đủ kiểu: nghề thầy đìa!

Gọi thầy là chỉ những người có khả năng đặc biệt. Họ có thể thông qua gợn sóng từ mặt nước hay áp tai xuống miệng đìa là biết cá nhiều hay ít. Một số người cẩn thận thì thò chân xuống nước, thọc tay xuống mé đìa tìm dấu vết cá bơi qua. Thú vị hơn, các thầy đìa còn rình nghe tiếng cá ngớp, ục, táp mồi, quẫy đuôi hay thở.

lay-tn-1698838048.jpg
Con rạch tại vùng rừng tràm hoang sơ này. Ảnh: Tuyết Nhung

Sau khi khảo sát, nhận thấy giá trị con kênh cao người thợ sẽ ra giá đấu thầu với chủ, sau đó giăng lưới tát cá. Cái nghề này mang lại thu nhập hàng chục triệu, có khi lên đến trăm triệu cho những thầy đìa “mát tay”. Song, một số lại thua lỗ đến mức bỏ xứ ra đi, kiếm tiền về trả nợ. 

“Trước đây ba tôi đi làm nghề đìa này thời gian rất lâu. Cũng từ đời ông nội truyền lại, đến tôi cũng là đời thứ ba rồi. Điều thứ nhất mình quan sát là cá trắng, các sặc, cá bổi… có nhiều hay không. Thứ hai là cá lóc, cá trê nói chung là cá đen. Đến tối mình đi với chủ nhà ra xem nó thở như thế nào. Nếu “ực ực, rột rột” trong cỏ thì khả năng là tương đối nhiều cá. Thứ ba là mình lội xuống, mép đìa trơn láng, nghe cá đua nhau lội… khả năng là sẽ trúng.”, anh Nguyễn Hữu Duyên, một trong số ít người còn theo nghề thầy đìa cho hay. 

Nguyên sơ màu nước đỏ

Bên cạnh đặc sản trù phú, từng bóng rừng tràm xanh mát, sắc nước U Minh đỏ thẫm một màu. “Nước U Minh vẫn đỏ màu chung thuỷ, như máu anh hùng nhuộm đỏ đất quê hương”, câu vọng cổ trên đôi phần miêu tả chân thật về màu nước cũng như gợi nhắc về lịch sử hào hùng của mảnh đất này. 

VQG U Minh Thượng là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam, là nốt son không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ hàng ngàn thanh niên nơi đây xung phong ra trận. Nhiều người chẳng thể trở lại, dùng xương mình gầy dựng độc lập, tự do. 

“Khi xưa vào lúc chiến tranh, anh em từ miền Bắc vào Nam. Khi ở trong rừng chuẩn bị quân, anh em thấy nước đỏ thì không dám sử dụng. Tôi mới giải thích kêu các anh dùng không có vấn đề gì hết. Uống này như nước tràm, nấu cơm cũng nước tràm, tắm giặt cũng nước tràm" - Đại tá Bành Văn Đởm, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng chia sẻ. 

Cũng theo ông Đởm nước đỏ rừng U Minh từ lá tràm mà ra. Vào những mùa lá rụng, tích tụ dưới đáy sông, chất diệp lục toả ra nhuộm đỏ cả dòng nước. Điều đặc biệt là chất nước nơi đây lại trong vắt, đỏ au một màu chứ không nặng phù sa như miền châu thổ. Xuồng ghe đi đến đâu, nước đỏ gợn sóng hay bên như tách mình để lộ lớp lớp than bùn cùng thảm thực vật ẩn mình phía dưới. 

tran-hoang-1698838048.jpg
Hoàng hôn trên vùng đất hùng vĩ U Minh. Ảnh: Trần Hoàng

“Nơi con sông  mùa sa mưa nước đỏ - Nơi chân trời mát mẻ bóng tràm xanh…”, hai câu thơ của Nguyễn Bá đơn giản mà xúc tích. Hẳn màu xanh cánh rừng, đỏ au của mặt nước xứ U Minh đã in sâu vào tâm trí người dân nơi đây, lưu truyền thế hệ. Để khi chiếc lá tràm rơi rụng, mặt nước gợn sóng cũng làm xao động tâm tình. 

Dù xây dựng thêm nhiều khu bảo tồn, trải nhựa lối đi,... VQG U Minh Thượng vẫn hoài nguyên sơ. Xanh của cây - đỏ của nước không đối lập mà quyện vào nhau hài hoà, tinh tế. Người miệt U Minh đôn hậu, đơn sơ, phóng khoáng làm bao người đến rồi nhớ nhung. Nhớ cái tình đất, tình người cùng những giai thoại ngỡ chỉ có trong cổ tích. 

Y Thanh