Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vãng cảnh chùa Quan Âm Đà Nẵng - Chốn linh thiêng trên Ngũ Hành Sơn

Đà Nẵng là thành phố nổi tiếng có nhiều ngôi chùa đẹp, linh thiêng, trong đó phải kể đến chùa Quan Thế Âm (chùa Quan Âm) nằm nổi bật giữa phong cảnh núi non trùng điệp với bề dày lịch sử gần 70 năm.

Đôi nét về Chùa Quan Âm

Chùa Quan Âm hay còn được gọi là chùa Quan Thế Âm được xây dựng từ năm 1957. Ngôi chùa nằm ngay dưới chân núi Kim Sơn – một trong 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn nổi tiếng tại Đà Nẵng. Vì vậy, khi đến với chùa Quán Âm, du khách sẽ được tận hưởng không gian xanh mướt của non nước hữu tình, lưng tựa núi, mặt hướng biển, qua đó tìm lại những phút giây bình yên trong tâm hồn. Đồng thời, ngôi chùa còn là chốn dừng chân lý tưởng cho những ai yêu thích tìm hiểu những giá trị văn hóa Phật giáo và những phật tử có tấm lòng hướng Phật thường xuyên đến chiêm cầu, cúng bái.

thiet-ke-chua-co-ten-1708530647.jpg
Chùa Quan Âm nằm tựa lưng núi Kim Sơn - một trong 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn nổi tiếng tại Đà Nẵng.

Về lịch sử hình thành, tương truyền rằng trước đây cố Hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã nằm mộng thấy Ngài Quán Thế Âm hiển linh ở một ngôi động linh thiêng. Sau khi tìm ra được vị trí ngôi thạch động tự nhiên có tôn tượng Quan Âm, vị Hòa thượng này đã cho xây dựng ngôi chùa Quan Âm. Đến nay ngôi chùa vẫn giữ được vẻ ngoài uy nghiêm và trở thành điểm đến linh thiêng du khách không thể bỏ lỡ nếu có dịp ghé thăm thành phố Đà Nẵng.

thiet-ke-chua-co-ten-2-1708531895.png
Đến với chùa Quán Âm, du khách sẽ nhìn thấy tòa Pháp Hội Đường với tông màu chủ đỏ và vàng nằm nổi bật trên nền không gian xanh mướt.

Thời điểm ghé thăm chùa Quan Âm đẹp nhất

Những ngày đầu năm mới từ tháng 1 – tháng 3 âm lịch luôn là thời điểm đông khách nhất bởi người dân và du khách thập phương đổ về dâng hương và cầu chúc một năm mới bình an cho bản thân, gia đình. Đặc biệt là vào tháng 2 âm lịch hằng năm, tại chùa sẽ diễn ra lễ hội Quán Thế Âm đặc sắc với nhiều hoạt động mà du khách nên thử trải nghiệm một lần. 

Từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch cũng là thời điểm lý tưởng để du khách đến viếng thăm chùa bởi đây là khoảng thời gian thấp điểm của mùa du lịch nên sẽ thuận tiện hơn cho du khách trong việc di chuyển. 

12-1708530859.jpg
Lối vào chùa Quan Âm phủ đầy cây xanh.

Viếng thăm chùa Quan Âm có gì đặc biệt?

1. Lễ hội chùa Quan Âm (18-19/2 âm lịch hằng năm)

Cứ vào tháng 2 âm lịch hằng năm, chùa Quan Âm sẽ tổ chức lễ hội Quán Thế Âm - một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất tại Đà Nẵng thu hút đông đảo tăng ni, phật tử và du khách từ khắp nơi đổ về tham gia cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Năm 2021, lễ hội này chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

9-1708530825.jpg
Tượng Quán Thế Âm nằm tựa lưng núi là nơi sẽ diễn ra lễ hội Quán Thế Âm, cứ vào 18-19/2 âm lịch hằng năm, người dân và du khách thập phương đổ về để dâng hương. 

 Lễ hội gồm 2 phần chính: Phần lễ và phần hội.

Phần lễ gồm nhiều nghi thức đặc sắc Phật Giáo như: Lễ rước ánh sáng (đốt ruốc, rước kiệu, múa rồng, múa lân,…) diễn ra vào tối ngày 18/2 âm lịch với mong ước được ánh sáng trí tuệ soi đường, dẫn lối. Đặc biệt, vào sáng 19/2 âm lịch sẽ diễn ra lễ khai kinh cầu quốc thái dân an, ngoài ra còn có lễ trai đàn chẩn tế cầu siêu cho Phật tử an yên ở cõi vĩnh hằng; Lễ thuyết giảng về Bồ Tát Quan Thế Âm; Lễ rước tượng Quan Âm.

Sau khi đã thực hiện xong hết phần lễ, sẽ đến phần hội với các hoạt động văn hóa - thể thao hấp dẫn như hóa trang, hát tuồng, thi hoa, thi cờ, đua thuyền, thả đèn, thi nấu ăn,… Vì vậy, nếu du khách có dịp đến chùa đúng vào mùa lễ hội thì sẽ có cơ hội được trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân miền trung.

7-1708530701.jpg
Đứng từ vị trí diễn ra lễ hội, du khách sẽ nhìn thấy được toàn bộ khung cảnh bên dưới và tòa Pháp Hội Đường của chùa Quan Âm.

2. Vãng cảnh khuôn viên chùa Quan Âm

Khi đến dâng hương, hành lễ tại chùa Quan Âm, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được bầu không khí trong lành bởi quanh khuôn viên chùa đâu đâu cũng đều được phủ cây xanh, kết hợp với hòn non nước tạo nên khung cảnh rất nên thơ ngay khi bước vào cửa chùa. Chưa kể, tại đây còn có tầm nhìn ra hướng dòng sông Cổ Cò đầy trong xanh mang lại cho du khách những phút giây như lạc vào chốn tiên cảnh. 

5-1708530990.jpg
Hòn non bộ tại chùa cũng là một điểm check-in mà du khách không nên bỏ lỡ.

Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có tượng ngọc Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm được đóng trong lồng kính vô cùng đặc biệt. Đây cũng là nơi du khách và các phật tử đến để xin những quẻ xăm may mắn đầu năm, cũng như dâng hương thể hiện tấm lòng thành kính đến với các vị. 

4-1708531511.jpg
Vào những ngày đầu xuân, dòng người đổ về chùa để xin xăm.
8-1708531530.jpg
Tiếp tục đi lên bậc cầu thang, du khách sẽ tiến vào trong chính điện, nơi có tượng Phật Bà Quan Âm.

3. Chiêm ngưỡng kiến trúc linh thiêng của chùa Quan Âm  

Sau khi đã dạo quanh khuôn viên chùa, đến với tòa Pháp Hội Đường, du khách sẽ phải trầm trồ trước lối kiến trúc nguy nga, hoành tráng mang đậm nét đặc trưng của Phật giáo phương Đông. Đặc biệt những chi tiết chạm khắc rồng tinh tế ở trên đỉnh của các cột trụ lớn nhỏ và phần cạnh mái cong lên.

17-1708531151.jpg
Trước khi đến với tòa Pháp Hội Đường lộng lẫy, du khách sẽ được bước qua cây cầu được chạm khắc tỉ mỉ.
10-1708530752.jpg
Ở lối vào điện chính, bậc thang còn được khắc 2 con rồng lớn hai bên, thể hiện rõ ràng nét đẹp phương Đông trang nghiêm.

Tiến vào bên trong chánh điện, du khách sẽ nhìn thấy tượng Quan Thế Âm trong tư thế ngồi được gia công bằng ngọc Nephrite. Đây cũng chính là bức tượng ngọc Nephrite được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là lớn nhất Việt Nam vào năm 2019 với kích thước 4,99m, trọng lượng 14,7 tấn. Chính điều này đã tạo nên một điểm nhấn đặc biệt trong lòng du khách khi đến với chùa Quan Âm.

Bên cạnh là khu cầu bái riêng để các phật tử, du khách bày tỏ lòng thành kính, trong không gian Pháp Hội Đường còn có lưu giữ và trưng bày rất nhiều cổ vật, hiện vật, tàng thư giới thiệu về Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Qua đó giúp du khách hiểu hơn về những giá trị văn hóa Phật giáo.

3-1708530780.jpg
Tượng ngọc Nephrite Quán Thế Âm trong tư thế ngồi được xem là pho tượng “song sinh” với pho tượng “Phật Ngọc Hòa bình Thế giới”.

 

Bài và ảnh: Anh Thư