Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, chị Tăng Bảo Quyên (nhà sáng lập Chillala -House of Art) cho biết: “từ niềm đam mê nghệ thuật và những trăn trở về một nơi mà ở đó, nghệ sĩ và người thưởng lãm có thể gặp nhau và kết nối bằng sự đồng điệu của ngôn ngữ nghệ thuật mà vợ chồng Bảo Quyên đã tạo tác nên Chillala. Và trên hành trình thai nghén nên Chillala có dấu ấn góp tạo từ họa sĩ Trần Trung Lĩnh. Hi vọng tối hôm nay quý vị sẽ có một chuyến du ngoạn của những cung bậc cảm xúc đáng nhớ khi xem từng bức tranh đặc biệt của họa sĩ Trần Trung Lĩnh”.

Sau những cuộc dạo chơi đầy màu sắc cùng Hậu Ấn Tượng – Van Gogh, Pop Art – Hahaha, họa sĩ Trần Trung Lĩnh lần này lựa chọn một hướng đi khác: hướng vào bên trong. Ở độ chín của tuổi đời và tuổi nghề, Trần Trung Lĩnh tìm đến với một hành trình mang màu sắc triết học, một đối thoại giữa nghệ thuật và tinh thần phương Đông, triển lãm “SắcvàKhông”.
“Ai cũng vậy, đến độ tuổi trung niên, muốn chiêm nghiệm lại nhiều điều hơn về cuộc đời. Đây cũng chính là thời điểm mà bộ tranh được thực hiện, như một cuộc trở về của Lĩnh. Cuộc trở về lần này mang rất nhiều bình an.” Họa sĩ Trần Trung Lĩnh bộc bạch.

Triển lãm không chỉ là một trưng bày hội họa, mà là một bản thiền thị giác. Một hành trình từ cái thấy đến cái hiểu, từ cái rực rỡ của hiện tượng đến sự tĩnh lặng của bản chất.
Ở phần đầu triển lãm, tranh đầy sắc độ, hình ảnh mạnh mẽ, nhiều chuyển động – như giai đoạn Vô Minh của con người: đầy cảm xúc, bị cuốn vào vòng xoáy của hình tướng, dục vọng và phân biệt. Nhưng càng đi sâu, sắc độ mờ dần, hình ảnh giản lược, và cuối cùng là những mảng đen trắng, yên tĩnh như Tuệ Giác – nơi tâm thức buông bỏ, không còn nắm giữ.

Đây không chỉ là nghệ thuật thị giác, mà là một ẩn dụ của tâm thức: khi sắc màu tan rã, người xem đối diện với sự lặng im không phải cái trống rỗng, mà là cái tròn đầy của nhận thức.
Từ tranh thủy mặc phương Đông, đến sumi-e của Thiền Nhật, đến nghệ thuật trừu tượng phương Tây, nhiều nghệ sĩ đã từng sử dụng sự giản lược như một con đường đến cái vô hạn. Trần Trung Lĩnh, qua “SắcvàKhông”, cũng đang đặt mình trong dòng chảy ấy, nơi nghệ thuật không chỉ để ngắm, mà để tỉnh thức.
Cùng chiêm ngưỡng một vài bức tranh trong bộ triển lãm “SắcvàKhông”





HỌA SĨ TRẦN TRUNG LĨNH
Sinh năm 1977 tại Hội An, tốt nghiệp Đại Học Mỹ thuật TP.HCM năm 2001.
Khoảng 5 năm sau đại học, con đường sáng tác mới bắt đầu. Cá tính nghệ thuật của Trần Trung Lĩnh bay nhảy qua các trường phái khác nhau, nhưng rõ nét nhất là Biểu hiện và Pop Art. Họa sĩ bị ảnh hưởng bởi Van Gogh, Egon Schiele, Pollock, cùng các tên tuổi đương đại khác như Bacon, Jenny Saville hay Basquiat. Các triển lãm của anh diễn ra trong nước, tại quê nhà, cũng như ở Bali (Indonesia).