TPHCM: Lóa mắt ngắm lồng đèn Đại Long khổng lồ dài 10m ở triển lãm Trung thu xưa

Với mong muốn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha ta, những người thợ trẻ đã khéo léo phỏng dựng 50 mẫu lồng đèn có niên đại khoảng 100 năm trước, trong đó có lồng đèn Đại Long là tâm điểm thu hút lượng lớn khách đến tham quan triển lãm tại TPHCM.

Đến tham quan triển lãm lồng đèn Trung Thu xưa, chị Nguyễn Thị Hồng Bân - BTC chương trình đã chia sẻ về ý nghĩa sâu sắc đằng sau cái tên "Tầm Tập". Tầm có nghĩa là tìm kiếm, Tập có nghĩa là kế thừa, thế nhưng việc kế thừa không diễn ra một cách tự nhiên mặc định, mà đòi hỏi thế hệ trẻ phải tự mày mò, nỗ lực tìm kiếm.

“Thông qua buổi triển lãm trung thu xưa, Khởi Đăng Tác Khí hi vọng rằng các bạn trẻ có thể tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó lan tỏa nét đẹp này đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, triển lãm cũng là nơi để các thế hệ mai sau biết hàng trăm năm trước nghệ thuật làm lồng đèn của ông cha cũng đã có những sản phẩm thủ công tỉ mỉ và công phu như vậy”, chị Nguyễn Thị Hồng Bân nói.

17-optimized-1726496242.jpg
Các vị khách tham quan chăm chú lắng nghe BTC thuyết minh tại triển lãm lồng đèn Trung Thu xưa.

Bộ sưu tập "Tầm Tập" gồm 50 chiếc lồng đèn truyền thống được sắp đặt theo câu chuyện Cá Chép bung vây tróc vảy, vượt trăm ngàn con sóng để Hóa Rồng. Hầu hết những lồng đèn xưa này đều được các thợ thực hiện thủ công phỏng dựng dựa trên tư liệu hình ảnh cũ, bởi hiện chẳng còn bất kỳ nhân chứng sống nào để những người thợ có thể tiếp cận và học hỏi từ họ. Đáng chú ý, tâm điểm tại triển lãm chính là chiếc lồng đèn Đại Long với chiều dài khủng 10m, được phỏng dựng lại từ bức ảnh lễ hội rước đèn lồng tại Phủ Dầy, tỉnh Nam Định năm 1920.

21-optimized-1726475427.jpg
Theo BTC chia sẻ, mất khoảng 1 năm để lên ý tưởng cũng như dựng mô hình 3D Đại Long. Chỉ tính riêng khâu lên khung đã mất hơn 220 giờ làm việc của 10 người thợ, chưa kể đến công đoạn dán giấy và vẽ.
3-optimized-1726475625.jpg
Theo BTC, Đại Long được chia làm 3 bao gồm phần đầu, phần thân và phần đuôi. Trong đó phần đầu của lồng đèn được xem là khâu công phu nhất, riêng trọng lượng phần đầu đã nặng khoảng 7kg. 
15-optimized-1726475970.jpg
Phần thân Đại Long được những người thợ cắt dán tỉ mỉ từng mảnh giấy kiếng nhỏ để tạo nên những lớp vảy rồng bóng bẩy dưới ánh đèn vàng. Sau cùng là phần đuôi rồng dài 10m mất khoảng 150 giờ làm, tính chung thì 10 người thợ đã phải dành hơn 500 giờ đồng hồ để hoàn thành sản phẩm hoành tráng này.
7-optimized-1726475491.jpg
Tại đây, nhóm đã chọn sử dụng chất liệu chính là cây trúc để tạo hình con rồng, bởi trúc có độ mềm dẻo, uốn lượn tự nhiên, giúp Đại Long trông trở nên sống động hơn. Bên cạnh đó, nếu chế tác sản phẩm từ trúc thì có thể bảo quản và trưng bày khoảng 2 đến 3 năm.
6-optimized-1726496685.jpg
Với quy mô và chiều dài ấn tượng, lồng đèn Đại Long đã thu hút nhiều khách tham quan đến chụp ảnh. Đặc biệt là các em nhỏ khi lần đầu được chứng kiến mẫu đèn rồng hoành tráng đến như vậy.
18-optimized-1726496904.jpg
“Đến với triển lãm Trung thu hôm nay, mình cảm thấy rất vui và bất ngờ, mình đã thật sự ngưỡng mộ các bạn trẻ đã dồn hết tâm huyết, sự tận tâm tỉ mỉ trong từng đường nét họa tiết để những chiếc lồng đèn này trở nên hoàn hảo nhất có thể. Đồng thời mình đặc biệt quan tâm đến các hoạt động liên quan đến việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, nên mình thường theo dõi một số trang lan tỏa tinh thần này, và triển lãm Trung Thu xưa đã thôi thúc mình cùng bạn muốn đến tham quan”, bạn Linh cùng bạn Vân hào hứng chia sẻ.
20-optimized-optimized-1726498209.jpg
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày nhiều mẫu lồng đèn trung thu truyền thống khác như Ngư Long Kim Hoa, Lý Ngư Hoá Long, Cự Giải,... khiến khách tham quan không thể không thả dáng và check-in.
12-optimized-1726477119.jpg
Lý Ngư Hoá Long (Cá chép hoá rồng) có giá gần 10 triệu đồng. Có thể thấy Khởi không chỉ mang đến cho khách tham quan những sản phẩm lồng đèn không chỉ đẹp, tỉ mỉ mà mỗi tác phẩm còn chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc.
13-optimized-1726478378.jpg
Thông thường người thợ lành nghề sẽ mất khoảng 4-8 tiếng để dựng khung cá, 6-8 tiếng để dán kiếng và một loạt các khâu khác như lên dây, vẽ họa tiết... Một tác phẩm lồng đèn cá chép size M như trên sẽ mất tầm 30 tiếng.
1-optimized-1726478901.jpg
Sự sáng tạo và tỉ mỉ của người thợ còn nằm ở những hoa tiết trên chiếc lồng đèn. Nếu quan sát kĩ, khách tham quan sẽ nhìn thấy họa tiết cánh hoa mẫu đơn trên thân cá, nó tượng trưng cho sự giàu có, tiền tài, của cải và may mắn cho người sở hữu.
10-optimized-1-1726477321.jpg
Trong số các mẫu lồng đèn hình cá chép truyền thống như Ngư Long Nguyệt, Ngư Long Nhật,... thì Ngư Long Kim Hoa (bên phải) hiện đang là mẫu lồng đèn mới nhất và được săn đón nhiều nhất nhờ vào hoạ tiết cánh hoa xinh đẹp với dòng chữ "Song thọ".
5-optimized-1726479703.jpg
Chiếc lồng đèn Cự Giải có giá gần 6 triệu đồng. Đây cũng là một trong những mẫu lồng đèn cần sự khéo léo của nghệ nhân bởi nó gồm nhiều chi tiết nhỏ, phải dán hai lớp giấy kiếng. 
9-optimized-1726496376.jpg
Bên cạnh những chiếc lồng đèn truyền thống, triển lãm cũng tái dựng không gian Trung thu xưa với các món đồ chơi cổ truyền độc đáo như Tiến sĩ giấy, tò he, mặt nạ đầu lân,... 
4-optimized-1726498470.jpg
Triển lãm còn phỏng dựng lại bàn thờ dịp Tết Trung thu. Ngoài chương trình triển lãm, tại đây còn diễn ra những buổi biểu diễn Cải lương Vọng nguyệt, Hát bội Dưới trăng để giới thiệu thêm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong dịp Trung thu.
8-optimized-1726475268.jpg
Triển lãm "Tầm Tập" mở cửa cho khách tham quan từ 16h đến 20h mỗi ngày tại đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TP.HCM). Hoạt động sẽ diễn ra tới ngày 20/9 với giá vé 50.000 đồng/khách, tuy nhiên hiện BTC vừa thông báo đã bán hết vé.
Bài và ảnh: Anh Thư