Tin vui cho du lịch hàng không toàn cầu năm 2024

Các nhà quan sát cho biết lưu lượng khách đi lại hàng không toàn cầu dự kiến vượt mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2024, khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi hoàn toàn.

Thành quả trên có được nhờ nhu cầu bền vững. Điều này có thể đưa năm 2024 trở thành năm biểu tượng cho lợi nhuận của các hãng hàng không, theo Business Times.

Trên thực tế, ngành hàng không đã phục hồi đáng kể vào năm 2022 và 2023. Dù vậy, vấn đề thiếu hụt nguồn cung kéo dài cùng tỷ suất lợi nhuận thấp vẫn là yếu tố gây trở ngại cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành này.

Phục hồi hoàn toàn

“Vào năm 2024, quá trình phục hồi du lịch hàng không sẽ hoàn tất”, Tổng giám đốc Hiệp hội Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) - Subhas Menon - nhận định.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo vào năm 2024, các hãng hàng không kiếm được 25,7 tỷ USD lợi nhuận nhờ doanh thu kỷ lục 964 tỷ USD. IATA kỳ vọng tất cả khu vực đạt mức hành khách như trước đại dịch vào cuối năm 2023, ngoại trừ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có thể ​​chứng kiến sự phục hồi hoàn toàn vào đầu năm 2024.

Theo đó, doanh thu từ hành khách ghi nhận trên mỗi km (RPK) sẽ tăng 9,8% vào năm 2024, cao hơn nhiều so với mức 4,5% ghi nhận của năm 2019. Tất cả dự đoán trên dựa trên mức dự kiến 4,7 tỷ hành khách hàng không vào năm tới, cao hơn 9% so với số lượng hành khách đi lại vào năm 2019.

1x-1-1703747399.jpg
Một hành khách tại sân bay ở Paris. Ảnh: Benjamin Girette/Bloomberg.

Các nhà quan sát cho hay hiệu quả hoạt động mạnh mẽ vào năm 2023 là tín hiệu tốt cho năm 2024. “Bất chấp bất ổn kinh tế vĩ mô đang tiếp diễn và tình hình địa chính trị hiện nay, sự phục hồi du lịch hàng không toàn cầu đáng khích lệ”, Manfred Seah, giám đốc tài chính của Sats - nhà cung cấp dịch vụ cửa ngõ hàng không - nhận định.

Trong khi đó, ông Menon nhấn mạnh xu hướng chi tiêu tùy ý cho các dịch vụ như thực phẩm và đồ uống, giải trí và du lịch, thay vì hàng hóa vật chất. Ông tin rằng điều này sẽ tiếp tục vào năm 2024.

Ông Bertrand Saillet, giám đốc điều hành công ty quản lý du lịch FCM Travel Asia, lưu ý nhu cầu ngày càng tăng đã đẩy giá vé máy bay ở châu Á tăng cao. Từ đầu năm đến nay, giá vé hạng phổ thông trong khu vực tăng 21%, trong khi giá vé hạng thương gia cao hơn 17% so với năm 2019.

Khả năng phục hồi kinh tế cũng cần tiếp tục duy trì. Ông Andrew Matters, giám đốc chính sách và kinh tế của IATA, nhấn mạnh dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu là 3% vào năm 2024. Tổ chức này cũng cho rằng vào năm tới, thị trường lao động sẽ trở nên sôi động hơn, với tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều quốc gia ở mức thấp hoặc gần mức thấp kỷ lục.

“Tôi nghĩ rất rõ ràng rằng nhu cầu bị dồn nén và mọi người muốn đi du lịch. Thị trường lao động mạnh mẽ có nghĩa là mọi người không chỉ muốn bay mà còn có đủ tiền bạc để bay”, ông nói.

Phụ thuộc

Tuy nhiên, dự đoán của IATA “phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi mạnh mẽ và liên tục của thị trường Trung Quốc”. Nếu nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi yếu hơn kỳ vọng, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tổng thể của khu vực.

nzsia040934-1703747499.jpg
Nếu loại trừ Trung Quốc, lưu lượng chuyến bay ở châu Á - Thái Bình Dương đã đạt 87% mức trước đại dịch. Ảnh: BT FILE.

Trước đại dịch, Trung Quốc chiếm 1/5 lưu lượng chuyến bay ở châu Á - Thái Bình Dương. Theo AAPA, tính đến tháng 9/2023, lưu lượng chuyến bay tại Trung Quốc chỉ bằng 54% so với mức của năm 2019. Nếu loại trừ Trung Quốc, lưu lượng chuyến bay ở châu Á - Thái Bình Dương đã đạt 87% mức trước đại dịch.

Ông Menon lưu ý có nhiều yếu tố khác nhau cản trở sự phục hồi của các chuyến bay ở Trung Quốc, bao gồm sự bất ổn trên thị trường bất động sản, đồng nhân dân tệ suy yếu, ít sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài hơn và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng tồn đọng hộ chiếu cần được cấp và chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, ông Menon kỳ vọng Trung Quốc sẽ “tăng trưởng mạnh mẽ” vào năm 2024 , giúp nhu cầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi hoàn toàn, với một số thị trường vượt mức của năm 2019. “Sự phục hồi của Trung Quốc đang chậm lại nhưng nhìn chung, du lịch đến Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và các hãng hàng không Trung Quốc cũng sẽ tham gia vào sự hồi sinh này”, ông nói.

Yếu tố cản trở

Tuy nhiên, nhu cầu tăng vọt có thể bị hạn chế bởi vấn đề nguồn cung, như trường hợp của năm 2023. Tình hình này dự kiến tiếp tục kéo dài đến năm 2024 hoặc thậm chí là năm 2025, do các vấn đề về chuỗi cung ứng cản trở việc giao và bảo dưỡng máy bay.

“(Các nhà sản xuất) tiếp tục gây thất vọng không chỉ với sự chậm trễ trong việc giao máy bay mới, mà còn cả khả năng tiếp cận các phụ tùng thay thế cho máy bay đang hoạt động”, tổng giám đốc IATA - Willie Walsh - cho biết.

airlines-2ad67766-66cf-11ee-934c-ce800815f441-1696883524-1703747621.jpg
Vấn đề thiếu hụt nguồn cung kéo dài có thể gây trở ngại cho sự phục hồi của ngành hàng không. Ảnh: Bloomberg.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến Airbus và Boeing trì hoãn sản xuất. Các nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney và Rolls-Royce cũng gặp vấn đề tương tự, khiến máy bay phải bảo dưỡng và ngừng hoạt động nhiều hơn. Tính đến tháng 10/2023, Airbus và Boeing có lượng đơn đặt hàng tồn đọng khổng lồ. Con số này ở mức kỷ lục 8.024 đối với Airbus và gần kỷ lục 5.783 đối với Boeing.

“Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự khan hiếm máy bay trên thị trường”, Raul Villaron, phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của nhà sản xuất máy bay Embraer, chia sẻ.

Tỷ suất lợi nhuận thấp của ngành hàng không cũng có thể che mờ triển vọng tăng trưởng. Ông Walsh cho biết theo IATA, biên lợi nhuận ròng dự kiến của ngành hàng không toàn cầu là 2,7% trong năm 2024, “thấp hơn nhiều” so với mức mà các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp khác mong đợi.

Trong khi đó, ông Matters lưu ý các điều kiện kinh tế vĩ mô, giá nhiên liệu và xung đột khu vực có thể tiếp tục ảnh hưởng vận mệnh của ngành vào năm 2024.