Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thiết kế thư viện tôn trọng địa hình tự nhiên mở ra một chuỗi không gian ấn tượng

Công trình có tên "Thư viện Giọt Nước" tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi hình bán đảo tại Công viên trung tâm vịnh Shuangyue, thị trấn Pinghai, thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Không chỉ nổi bật như giọt nước màu trời giữa rừng và biển, thư viện còn là sự chuyển tiếp giữa khối kiến trúc đô thị với toàn bộ cảnh quan tự nhiên hoang sơ của thị trấn cổ Pinghai.
anh-1-tv-1715569111.jpg
Địa hình tổng thể của khu vực là những ngọn đồi thoải hướng ra biển, cao ở phía Bắc và thấp ở phía Nam. Ảnh: Weiqi Jin

Tôn trong địa hình tự nhiên, thiết kế của Thư viện Giọt Nước là kết quả của khả năng khai thác những điểm thuận lợi và xoay vần các thách thức của địa điểm xây dựng.

Địa hình tổng thể của khu vực là những ngọn đồi thoải hướng ra biển, cao ở phía Bắc và thấp ở phía Nam. Địa hình ngay tại vị trí thư viện tọa lạc là một ngọn đồi hình bán đảo, nhô ra độc lập và nổi bật trên nền địa hình chung, mở ra 270 độ cho tầm nhìn về phía biển. Xung quanh vị trí có nhiều đá tảng tự nhiên mang lại vẻ mộc mạc hoang sơ. Vị trí càng đẹp càng ẩn chứa nhiều thách thức: gió bão, muối biển ăn mòn và ảnh hưởng của các khối kiến trúc xung quanh là những điều Kiến trúc sư (KTS) cần lưu tâm.

anh-3-tv-1715569101.jpg
Lựa chọn hình ảnh giọt nước và màu trắng chủ đạo để tạo sự tương phản. Ảnh: Weiqi Jin

Tận dụng lợi thế và chuyển hóa những thách thức của địa điểm, KTS bố trí thư viện ở cuối đỉnh núi và ngay miệng vách đá nương theo chênh lệch độ cao của kết cấu địa hình để khai thác tối đa vẻ đẹp của cảnh quan. Tích hợp khối kiến trúc vào khối núi đá tự nhiên nhằm gia tăng khả năng kiên cố, biến khối nhân tạo trở thành một phần của chủ thể tự nhiên. Lựa chọn hình ảnh giọt nước và màu trắng chủ đạo để tạo sự tương phản, bật công trình nổi trên nền cảnh quan nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa trong sự tương quan giữa trời, biển và rừng.

Để dung hòa với những khối tòa nhà cao tầng và khu dân cư xây dựng trước đó. Thiết kế của thư viện được tính toán chặt chẽ về chiều cao để khai thác tối đa tầm nhìn tự thân nhưng cũng không cản trở tầm nhìn của các khối dân cư bên cạnh.

Kiến trúc hình học là điểm nhấn dẫn lối trải nghiệm của người đọc

Mặc dù được tích hợp với địa hình và trở thành một phần của địa điểm, nhưng Thư viện Giọt Nước vẫn có được tiếng nói riêng của một công trình được bàn tay con người kiến tạo. Bằng kiến trúc hình học và sự đa dạng trong việc tổ chức các khối công năng tuy độc lập nhưng mang nhiều ý nghĩa kết nối, KTS đã tạo ra những lớp lang đặc sắc cho Thư viện Giọt Nước.

Cấu trúc của thư viện bao gồm tòa nhà chính hình tròn được thiết kế có trình tự với nhiều lớp không gian và một hành lang như đường thẳng đóng vai trò là lối dẫn vào thư viện và hồ bơi hình chiếc bát trên mái. Hành trình người đọc khám phá không gian thư viện đã được thiết kế sẵn với những ẩn ý được chỉ dẫn bằng kiến trúc.

anh-5-tv-1715569342.jpg
Cấu trúc của thư viện bao gồm tòa nhà chính hình tròn được thiết kế có trình tự với nhiều lớp không gian. Ảnh: Weiqi Jin

Để tới được thư viện, người đọc phải đi hết một con đường quanh co dẫn lên đỉnh núi. Đoạn đường này được ví như "con đường lên núi sách" vì người đọc phải bước đi và hiểu được sự khó khăn của học tập. Khi tới đỉnh núi, người đọc sẽ được đón chào bằng một hành lang thẳng tắp với một bức tường dài dẫn ra tòa nhà chính với ẩn ý về sự cứng rắn và quyết tâm. Để bước được vào thư viện nằm phía dưới hồ bơi, người đọc cần để kiến trúc dẫn dắt, quá trình này giống như việc "lặn" xuống đáy biển và tìm thấy "kho tàng kiến thức" quý giá.

Bên trong không gian chính, KTS đã tổ chức một tổ hợp công năng thành chuỗi không gian ấn tượng với phép đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, đóng và mở, chồng chéo và mạch lạc. Hành trình tiếp cận các dịch vụ cũng sẽ là quá trình đối thoại của người đọc với kiến trúc, nội tâm và cảnh quan.

anh-11-tv-1715569110.jpg
Bên trong thư viện. Ảnh: Weiqi Jin

Sau khi "lặn" theo tầng hầm hẹp dẫn vào phòng lõi của thư viện, người đọc sẽ bước vào căn phòng lõi. Căn phòng hình tròn này được bài trí đơn giản mang tính thiền định với chất liệu chứa chất cảm là đá, sỏi và ánh sáng thấp, người đọc tự tĩnh tâm trước khi bắt đầu đọc sách.

Đi ra khỏi phòng thiền là không gian đọc có gần như tiếp chạm với cảnh quan nhờ những bức tường kính mở 270 độ tầm nhìn ra biển, trời và núi. Vòng không gian này sử dụng nội thất sáng màu và lặp lại những đường cong trong thiết kế để tạo cảm giác thư giãn như đang ngồi trên những đám mây.

Để tối đa hóa không gian cho trải nghiệm của người đọc, hai không gian độc lập là phòng trà và phòng vệ sinh được bố trí hai bên khu đọc sách chung. Quầy nước nằm giữa phòng trà và khu đọc sách vừa đóng vai trò phân chia khu vực động - tĩnh, vừa là không gian chuyển tiếp nhẹ nhàng với lỗ thông sáng ra hồ bơi trên mái và kính màu biến ánh sáng mặt trời thành các mảnh màu sắc rải rác trong không gian. 

anh-12-tv-1715569110.jpg
Không gian yên tĩnh tại Thư viện Giọt Nước. Ảnh: Weiqi Jin

Cuối cùng, một trong những trọng điểm của kiến trúc là hồ bơi trên nóc thư viện, khai thác triệt để ý tưởng hình học trong thiết kế. Hồ bơi nằm trong phần mái hình chiếc bát của tòa nhà chính, để đảm bảo tính thuần túy của hình học, hồ bơi không được thiết kế lan can mà thay bằng các bậc đá và độ sâu của nước để cảnh báo an toàn. Người dùng có thể tiếp cận hồ bơi thông qua con đường trắng trên đỉnh núi hoặc sử dụng con đường ẩn vòng qua những tảng đá nguyên thủy ở phía bắc tòa nhà. Tại bể bơi, cuộc đối thoại giữa con người với rừng núi, biển và trời sẽ được khai mở.

anh-13-tv-1715569102.jpg
Điểm nhấn trong thiết kế là là hồ bơi trên nóc thư viện. Ảnh: Weiqi Jin

Toàn bộ thiết kế của Thư viện Giọt Nước đã giúp cho người sử dụng có được những trải nghiệm đáng nhớ. Không chỉ thành công trong việc tôn trọng tự nhiên và trở thành một phần của tự nhiên như một tạo tác chứ không phải sự khiên cưỡng cố tình bắt chước, Thư viện Giọt Nước còn là sự tích hợp vừa vặn của 3 thuộc tính chính là văn hóa của thư viện, môi trường của địa điểm và tính công cộng của xã hội đương đại.