Quảng Trị - Những dòng sông huyền thoại

Những năm qua, dòng Bến Hải và Thạch Hãn vẫn miệt mài mang phù sa tưới mát cho những cánh đồng trù phú ở Quảng Trị.

Nhắc đến Quảng Trị, người ta đều nghĩ ngay đến vùng đất lửa, đất thép, đất có màu đỏ của máu. Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang, là nơi an nghỉ của hơn nửa triệu liệt sĩ. Quả thật, trên đất nước Việt Nam không có nơi nào ác liệt và đau thương như thế!

Nơi đây có những dòng sông đã in hằn vào ký ức, trở thành "nhân chứng sống" cho năm tháng mưa bom bão đạn. Dòng sông ấy là nơi có những giọt nước mắt của người mẹ, người chị, của các cặp vợ chồng, của những đôi gái yêu nhau ở hai bên bờ sông trong những năm tháng chia cắt. Đó chính là sông Bến Hải và sông Thạch Hãn. Hai con sông gắn liền với 2 Hiệp định lịch sử của đất nước: Hiệp định Geneva năm 1954 và Paris năm 1973.

lehoivihoabinh7-1720336713.jpg

Sau khi Hiệp định Geneva ký kết, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, sông Bến Hải từ một dòng sông hiền hòa, thơ mộng trở thành nơi oằn mình làm mốc phân chia đất nước Việt Nam. Nỗi đau chia cắt như một định mệnh khắc nghiệt làm cho đôi bờ Hiền Lương đi vào lịch sử như là một chứng tích bi hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Hiếm có nơi nào trên thế giới mà cuộc chiến tranh đã diễn ra gay go, quyết liệt, dưới nhiều hình thức như cuộc chiến trên cầu Hiền Lương và bên bờ Hiền Lương. Một cuộc đấu tranh lúc bằng lý trí, khi thì bằng cả sự sống còn của thân phận con người dưới mưa bom, bão đạn. Một cuộc chiến đấu bằng mọi phương thức, thủ đoạn: đấu khẩu, đấu màu sơn của cầu, đấu loa và đấu cờ 2 bên bờ Bến Hải.

Sông Bến Hải và cầu Hiền Lương là hai “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã; còn sông Thạch Hãn cũng không bao giờ muốn mình trở thành "dòng sông máu" trong chiến dịch 81 ngày đêm chống địch phản kích tái chiếm Thành Cổ năm 1972. Tại dòng sông này, mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã chứng kiến sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của hàng vạn chiến sĩ quân Giải phóng. Những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi đã tạm gác lại ước mơ, hoài bão, rời bỏ giảng đường đại học để đáp lời Tổ quốc, quyết tâm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ.

Dưới mưa bom bão đạn, các anh vượt sông, chiến đấu kiên cường, nhiều người mãi mãi nằm lại bên dòng Thạch Hãn, để lại máu và tuổi thanh xuân hòa vào làn sóng của lịch sử. Sự hy sinh của các anh để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân và là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

lehoivihoabinh19-1720336713.jpg

Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải và sông Thạch Hãn đã nhiều lần đi vào thơ ca với những nỗi niềm khắc khoải: “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa". Hay như những câu thơ rất xúc động của nhà thơ Lê Bá Dương trong bài thơ “Lời người bên sông”: "Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm".

Ký ức về những con sông không chỉ là hình ảnh cụ thể về một địa điểm mà còn là sự kết tinh của cả một giai đoạn lịch sử, nơi những con người bình thường trở thành anh hùng bất tử. Dòng sông này đã trở thành một phần của huyền thoại, nhắc nhở chúng ta về lòng yêu nước, sự hy sinh và sức mạnh tập thể trong việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa, Quảng Trị đang từng ngày "thay da, đổi thịt", vươn mình mạnh mẽ để viết nên trang sử mới. Dòng Bến Hải và Thạch Hãn vẫn miệt mài mang phù sa tưới mát cho những cánh đồng trù phú ở Quảng Trị. Những dòng sông  này đã trở thành địa chỉ đỏ của những cuộc hành hương về nguồn, nơi đến để tưởng nhớ, tri ân của đồng đội, đồng bào và chiến sĩ cả nước.

* Bài đã đăng trên Tạp chí Vietnam Travel số 45

Lam Giang