Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Phát triển công nghiệp điện ảnh: LHP Quốc tế TP.HCM kỳ vọng nâng tầm điện ảnh nước nhà

Chiều 16/11, tại rạp Galaxy Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) đã diễn ra hội thảo "Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa và kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Pháp". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4/2024.

 

dsc07775-1-1700153874.jpg
Các khách mời tham gia chia sẻ cùng hội thảo.

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, đã chia sẻ về thực trạng và thách thức trong việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại TPHCM. Trong đó, bà nhấn mạnh đến những thành quả nổi bật, cơ hội và khó khăn mà điện ảnh Việt đang phải đối mặt, như: các ngành công nghiệp về lĩnh vực văn hóa còn phụ thuộc vào ngân sách, thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp, công nghệ số hóa chưa được ứng dụng rộng rãi.

img-9678-2-1700154021.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM chia sẻ nhiều thông tin về định hướng đề án và mục tiêu phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM.

Bên cạnh đó còn một số bất cập trong công tác phát hành phim như vấn đề vi phạm bản quyền và công tác bảo hộ quyền tác giả; cách thức hỗ trợ, cơ chế chính sách, ưu đãi thuế chưa tạo được động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Điểm đổi mới ở nước ta là luật điện ảnh 2023 đã hướng đến việc xã hội hóa điện ảnh nhằm xây dựng môi trường lành mạnh nhằm phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ được tự do phát huy tài năng, sức sáng tạo qua các tác phẩm của mình. 

Cũng tại sự kiện, ông Kim Dong-ho cựu nhà sáng lập LHP Busan đã chia sẻ trong 5 năm vừa qua, ngành công nghiệp Hàn Quốc đã phát triển thông qua những minh chứng rõ nét như  phim Ký Sinh Trùng, Trò chơi Con Mực,... đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá quốc tế.

Ông Kim Dong-ho bày tỏ: “Liên hoan phim Quốc tế Busan đã tôn vinh những tác phẩm nổi tiếng trong gần 30 năm qua, từ đó nhiều tác phẩm điện ảnh đã được phổ biến rộng rãi cho khán giả cũng như thị trường điện ảnh. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của một Liên hoan phim Quốc tế đối với thị trường điện ảnh của một đất nước.” Từ đây, ông khẳng định HIFF đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu những bộ phim mới của Việt Nam đến với khán giả.

hoi-thao-dien-anh-2-6699-1700154115.jpg
Ông Kim Dong-ho, nhà sáng lập LHP Quốc tế Busan.

Khi được hỏi về cách thúc đẩy các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam, ông Kim Dong-ho cho biết, vấn đề chọn thể loại phim là một điều rất quan trọng. Cần có chương trình cụ thể để tạo cơ hội cho các bạn tham gia sáng tạo và lựa chọn kỹ càng tác phẩm, phương pháp phù hợp để tiếp cận gần hơn với công chúng.

Trong khi đó, ông Jeremy Segay - Đại sứ quán Pháp tại khu vực Đông Nam Á, đã dành lời khen về điện ảnh Việt Nam trên thị trường điện ảnh thế giới. Qua những số liệu thống kê, ông cho rằng điều đáng mừng là người Việt rất yêu phim Việt. Bên cạnh đó, ông cho biết tại Pháp, bộ phim “Bên trong Vỏ kén vàng” của Việt Nam đã bán được 50.000 vé, vì bộ phim đã gây được sự chú ý khi được trình chiếu và giành giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim Cannes.

hoi-thao-dien-anh-3-2175-1700154149.jpg
Jeremy Segay, Đại sứ quán Pháp tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Jeremy cũng có những chia sẻ về việc kiểm duyệt và tự do sáng tạo. Ông cho rằng việc mỗi quốc gia đều có luật lệ riêng liên quan đến việc kiểm duyệt là điều bình thường. Tuy nhiên, đại diện cho những người làm điện ảnh, ông mong rằng tại Liên hoan phim Quốc tế, những luật lệ này sẽ trở nên linh hoạt hơn. Ông lấy minh chứng là Liên hoan phim Quốc tế Busan đã nới lỏng và mở đường cho những bộ phim Nhật được phép chiếu tại Hàn Quốc

dsc07694-1-1700154270.jpg
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng đưa ra quan điểm tại hội thảo điện ảnh.

Về phần đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, ông cũng đặt nhiều niềm tin về sự có mặt của giải thưởng Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF), điều này sẽ làm thay đổi tư duy tiếp cận điện ảnh của khán giả. Bởi ông cho biết, hiện tại ở thị trường phim điện ảnh Việt giữa phim điện ảnh thị trường và điện ảnh nghệ thuật còn nhiều khoảng cách, có những bộ phim mang về nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhưng lại chưa được lòng khán giả. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn mong rằng HIFF 2024 sắp tới là cơ hội, động lực rút ngắn khoảng cách đó.

Liên quan phim quốc tế diễn ra ở Việt Nam chính là dịp giới thiệu những bộ phim trong nước đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, Liên hoan phim Quốc tế sẽ thúc đẩy những chính sách để phát triển điện ảnh, giúp đưa điện ảnh trở thành nền công nghiệp văn hóa của nước nhà trong tương lai.

Bài và ảnh: Ngân Trần