Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Phan Quốc Dũng - Chàng thạc sĩ lâm nghiệp mê du lịch, thích khám phá văn hóa độc đáo các dân tộc thiểu số

Phan Quốc Dũng (28 tuổi) đã đến 25 quốc gia và hơn 40 tỉnh thành của Việt Nam. Chàng trai 9X đặc biệt yêu thích trải nghiệm văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên của Trường Đại học Lâm nghiệp, Quốc Dũng giành học bổng Erasmus Mundus cho 2 năm theo học bậc thạc sĩ ngành Quản lý rừng nhiệt đới, ngành Rừng và sinh kế tại Đức, Đan Mạch. 

Sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ ở châu Âu, Dũng về Việt Nam để đóng góp cho ngành Lâm nghiệp nước nhà. Anh làm việc trong các dự án nhằm mục đích giúp người dân phát triển sinh kế theo hướng bền vững, giảm tác động tới rừng và tài nguyên thiên nhiên. 

12-2-1701081149.jpg
Quốc Dũng trong lần thực hiện dự án Phát triển bền vững chuỗi giá trị tre Việt Nam tại Thanh Hóa, Nghệ An.

Qua quá trình học tập, làm việc và các chuyến du lịch, Dũng có dịp đến 25 quốc gia trên thế giới, hơn 40 tỉnh thành của Việt Nam. Vào những ngày nghỉ, anh thường sắp xếp các chuyến du lịch ngắn ngày để tái tạo năng lượng, học hỏi thêm nhiều điều thú vị về thiên nhiên, văn hóa, con người. 

Những chuyến đi giúp Dũng biết thêm nhiều mô hình hay, anh kết hợp với trải nghiệm, kiến thức mà mình thu được khi còn học thạc sĩ ở châu Âu để chia sẻ với người dân nhằm phát huy tốt hơn các hoạt động du lịch cộng đồng tại Việt Nam. 

21-1-1701081105.jpg
Quốc Dũng trong chuyến du lịch cộng đồng tại làng Kunjo, Nepal.

Chàng trai 9X chia sẻ: “Vốn là người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, mình đặc biệt quan tâm, yêu thích các loại hình du lịch trải nghiệm như: Trekking, tắm rừng, du lịch cộng đồng, những nơi có cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ và có thể giao lưu với người dân bản địa để trải nghiệm văn hóa. 

Càng đi nhiều mình càng thấy Việt Nam rất đẹp và đa dạng các thắng cảnh từ rừng núi, biển, sa mạc, vịnh,… Tất cả đều là những món quà mà thượng đế ưu ái ban tặng cho người dân Việt Nam. Điều này càng thôi thúc mình học tập, nỗ lực làm việc, cống hiến cho công cuộc bảo tồn và phát triển rừng và tài nguyên thiên nhiên”.

Quốc Dũng nhận thấy Việt Nam có rất nhiều ưu thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số từ xưa tới nay đã gắn liền với rừng và thiên nhiên. Sự hòa hợp của con người với thiên nhiên được thể hiện rõ qua các món ăn và trang phục truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng này được truyền từ đời này qua đời khác. Phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ là cách để quảng bá văn hóa các vùng miền, mà còn là phương thức hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò của rừng, của thiên nhiên với cuộc sống. 

Thêm vào đó loại hình du lịch này cũng góp phần tạo sinh kế cho người dân thông qua việc hướng dẫn các tour trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, lịch sử các dân tộc thiểu số. Bên cạnh các hoạt động nông nghiệp thì họ có thêm những nguồn thu từ việc làm homestay, dẫn tour, làm nhà hàng, nấu món ăn truyền thống,…

14-1-1701081007.jpg
Chàng trai 9X trong lần trải nghiệm làm xôi ngũ sắc, món ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc Dáy.

Chàng trai 9X đặc biệt rất mê trải nghiệm nền văn hóa của các dân tộc thiểu số. Anh chia sẻ: “Việt Nam có 54 dân tộc anh em, cùng với đó là 54 nền văn hóa đậm đà bản sắc. Mình khá may mắn khi được trải nghiệm nhiều nét văn hóa thú vị như: Xôi ngũ sắc, trang phục truyền thống được nhuộm màu từ cỏ cây, trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao Đỏ,…”

Quốc Dũng chia sẻ kỷ niệm mà anh nhớ nhất là lần đi hái lá thuốc với bà con dân tộc Dao Đỏ vào ngày mưa, rét. Về tới bản, anh được xem quy trình sơ chế và được người dân địa phương đun cho một thùng lá thuốc mới. Được ngâm mình trong làn nước thơm mùi thảo mộc, anh cảm giác mọi mệt mỏi đều tan biến.

16-1-1701081026.jpg
Lần Dũng theo bà con dân tộc Dao Đỏ đi hái lá thuốc.
17-1701081038.jpg
Chàng trai 9X có dịp trải nghiệm các công đoạn đun lá thuốc để dùng làm nước tắm của người Dao Đỏ.
18-1-1701081386.jpg
Hương thơm từ các loại thảo mộc khiến Dũng đặc biệt ấn tượng.

Quốc Dũng cũng đặc biệt ấn tượng với mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là bản làng du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động như: Trèo bè trên sông, quăng chài bắt cá, đan lát, leo núi đá trải nghiệm, ...

Người dân trong bản đều chung tay, góp sức bảo vệ môi trường và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khách du lịch đến đây muốn đi bắt cá thì người dân sẽ dẫn họ đi câu nhưng với một số lượng nhất định chứ không phải là quăng chài, bắt tất, ăn cả.

Theo đó, người dân không chỉ có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống mà vẫn đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững với sự hài hòa của ba yếu tố: Môi trường, kinh tế và xã hội. Câu chuyện du lịch bền vững ở Bản Ngàm có thể trở thành nguồn cảm hứng, mô hình tham khảo cho nhiều bản làng khác trong vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

13-1-1701080992.jpg
Người dân Bản Ngàm đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây Lùng.

Theo Quốc Dũng, ngoài những vai trò đặc biệt quan trọng như: Giữ bầu không khí trong sạch, điều tiết nước, phòng tránh ngập lụt, xói mòn, bảo vệ độ bền và phát triển tự nhiên của đất, phát triển kinh tế,… thì rừng cũng ngày càng có ý nghĩa trong việc phát triển du lịch.

Nhân ngày 28/11 - Ngày Lâm nghiệp Việt Nam, Quốc Dũng cũng không quên gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc đến những “người hùng xanh” - các cán bộ công chức, viên chức, người lao động vẫn đang ngày đêm nỗ lực để bảo vệ màu xanh cho Việt Nam.

Bài: Nhật Tân - Ảnh: NVCC