Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Những lễ hội ngày xuân thú vị ở Bình Định

Du xuân Bình Định vào đầu năm mới, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, du khách đừng quên bỏ lỡ những lễ hội vô cùng hấp dẫn mang bản sắc văn hóa tại đây.

Lễ hội chợ Gò

Lễ hội chợ Gò diễn ra mỗi năm một lần vào mùng 1 và mùng 2 Tết tại chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, Bình Định). Trong tâm thức của người dân Tuy Phước nói riêng và người Bình Định nói chung, hội Chợ Gò là nơi vui chơi, cầu lộc trong ngày đầu năm mới.

426543958-778279591012674-1913124285264485253-n-1707588311.jpg
Bán trầu cau tại Lễ hội chợ Gò. Ảnh: Robehieu.

Vào ngày hội chợ, người dân từ các vùng phụ cận mang đến những sản vật từ địa phương của mình, nhưng nhiều nhất vẫn là trầu cau. Việc mua bán không nặng tính kinh doanh, người bán không nói thách và người mua cũng không trả giá mà chỉ xem việc mua bán như một hình thức cầu lộc trong ngày đầu năm mới.

Ngoài việc mua bán cầu lộc, người đến chợ còn được thưởng thức các món đặc sản ẩm thực địa phương như chả cá, nem chua, bánh ít lá gai,… và tham gia các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của Bình Định như hô bài chòi, lô tô, đánh cờ người, múa lân…

viewimage-1-1707587805.jpg
Biểu diễn võ thuật tại lễ hội Chợ Gò. Ảnh: Văn Lưu

Trải qua gần 300 năm tồn tại, đến nay Lễ hội Chợ Gò vẫn giữ được nét truyền thống vốn có và phát triển ngày càng phong phú. Bên cạnh các hàng quán ăn uống phục vụ cho người trẩy hội, nhân dân địa phương vẫn duy trì việc đem bán các loại hàng hóa, tạp phẩm tự sản, tự tiêu, nông thô sản và thực phẩm tươi sống, hải sản các loại để phục vụ trong 3 ngày tết. Du khách về dự hội chợ Gò có dịp mua nhiều món quà mang ý nghĩa trao nhau chút lộc đầu xuân, mong trong năm được nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng.

Lễ hội đua thuyền

Vào chiều mùng 2 Tết du khách lại đến với Lễ hội Đua thuyền ở Gò Bồi (thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu. Lễ hội gồm các hoạt động thi đua tranh tài của hơn 50 ngư dân đến từ 4 xã ven đầm Thị Nại là Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng với các môn sõng câu bơi dầm, sõng câu chống sào và đua thuyền rồng tập thể. 

Thuyền tham gia đua được làm công phu với thiết kế đầu rồng, trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt do xã đầu tư bởi chiếc thuyền đua là đại diện địa phương. Ngày nay, Lễ hội đua thuyền còn mang tính chất là phong trào rèn luyện sức dẻo dai phục vụ đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của ngư dân trong vùng.

le-hoi-dua-thuyen-quy-nhon-1707587921.jpg
Lễ hội đua thuyền Quy Nhơn là nét văn hoá truyền thống miền biển. Ảnh: Quy Nhơn.

Lễ hội Đống Đa, Tây Sơn

Lễ hội được diễn ra vào chiều ngày mùng 4 với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung và Khu Tâm linh Đàn tế Trời đất. Dự lễ vào ngày này du khách như cảm thấy lòng mình hòa nhập vào hồn thiêng sông núi địa linh nhân kiệt.

Chương trình hội ngày mùng 5 Tết với tiết mục chính là ôn lại những chiến công hiển hách lịch sử của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và cuộc đại phá quân Thanh. Chương trình bao gồm biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như đua thuyền, hát tuồng, hội đánh bài chòi cổ... thu hút đông đảo người dân đất võ tham dự tưởng nhớ công ơn những nghĩa quân Tây Sơn đã bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.

le-hoi-dong-da-tay-son-binh-dinh-a-1707588060.jpg
Lễ hội Đống Đa Tây Sơn Bình Định tái hiện oai hùng lịch sử. Ảnh: Quy Nhơn.
Q.H (Tổng hợp)