Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ngôi làng Sảo Há ẩn mình trong mây, "bí hiểm" từ phim ảnh ra đời thực

Làng Sảo Há thuộc tỉnh Hà Giang là bối cảnh chính của phim truyền hình kinh dị cổ trang “Tết ở làng địa ngục” vừa được giới thiệu ra công chúng.

Hà Giang có rất nhiều điểm khám phá hấp dẫn như Núi Đôi ở cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, Nhà của Pao, Phố Cáo, cột cờ Lũng Cú ở điểm cực Bắc Tổ quốc với lá cờ 54m2 tung bay... Ngoài ra, còn có làng Sảo Há thuộc thôn Khó Chớ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn - một trong những ngôi làng thu hút khách du lịch yêu thích thám hiểm.

Trong tiếng H’Mông, Sảo Há có nghĩa là “thung lũng trên cao”. Nơi đây bất cứ du khách nào đặt chân đến cũng phải ấn tượng bởi độ hùng vỹ, hoang sơ và không kém phần ma mị nhất là buổi sáng tinh sương và lúc chiều tà. NSƯT Chiều Xuân cũng tiết lộ rằng, ngôi làng ẩn mình trong mây tạo cảm giác bí hiểm giúp cô gắn kết và hiểu được tâm lý của nhân vật trong phim một cách dễ dàng hơn.

61916470-10156569128957799-2098061712727998464-n-1698107685.jpg
Diễn viên Lan Phương không thể quên được những cảnh quay đầy ấn tượng ở làng Sảo Há.

Với diễn viên Lan Phương, lần đầu ngồi xe máy trên những con đường khúc khuỷu nơi đại ngàn khiến nữ diễn viên sợ đến nỗi luôn nhắm tịt mắt: “Phương ngồi đằng sau xe máy của anh người H’Mông, con đường chỉ có bề rộng hơn 1m, một bên là núi một bên là vực. Lúc đó, Phương chỉ kịp nghĩ có khi nào mình lăn xuống dưới không. Nơi đây còn đáng sợ hơn khi đi vào buổi tối, lúc đó khung cảnh hòa quyện vào màn đêm tối, sương mù và vực sâu, thêm nữa là không khí vô cùng lạnh. Từ những cảm xúc không thể quên được ở làng Sảo Há đã giúp Phương hoàn thành tốt vai diễn”.

befunky-collage-9-1-1698118183.jpg
Khung cảnh làng Sảo Há trong phim cổ trang. Ảnh: BTC

Đường đến ngôi làng Sảo Há thử thách lòng can đảm

Hà Giang được biết đến là tỉnh thành có nhiều ngôi làng “cô độc” giữa đại ngàn với núi đá bao quanh. Ngôi làng Sảo Há cũng là một trong những thôn làng ẩn mình giữa cao nguyên đá Đồng Văn, các hộ gia đình tại đây sống biệt lập với quần thể làng bên ngoài.

canh-dep-ha-giang-4160jpg-1698134584.jpg
Một góc Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Núi Xanh
lang-co-sao-ha-ha-giang-6-1350jpg-1698134238.jpg
Con đường gồ ghề đi lên làng Sảo Há. Ảnh: Núi Xanh

Từ huyện Yên Minh, đường đi đến ngôi làng Sảo Há phải vượt hết một con đèo trên tuyến đường mang tên “Hạnh Phúc” dài gần 17km với những khúc cua "tay áo", dốc dài len lỏi quanh núi. Đến chân dốc Thẩm Mã, du khách phải tiếp tục rẽ phải đi 4km mới tới xã Vần Chải. 

doc-tham-ma-ha-giang-5085jpg-1698134350.jpg
Những khúc cua "tay áo" đầy khúc khuỷu thử thách nhiều phượt thủ. Ảnh: Núi Xanh
ngoi-lang-trong-may-sao-ha-2-7890jpg-1698134411.jpg
Cánh đồng bắp ven đường lên làng Sảo Há xanh mướt và yên bình. Ảnh: Núi Xanh

Để đến được ngôi làng chỉ có thể di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ trên những cung đường quanh co, chênh vênh. Nhiều đoạn dốc ngược, một bên là vực sâu, một bên là những vườn ngô, cây lanh trồng xen với đá. Con đường này có đoạn như luồn trong mây và không một bóng người. Khi đến làng du khách sẽ nhìn thấy một cổng đá với miếu thờ thần rừng.

canh-dep-ha-giang-3-7919jpg-1698134493.jpg
Con đường dốc cheo leo vắng vẻ người qua lại, một bên là vực sâu một bên là vách núi. Ảnh: Núi Xanh

Sảo Há gây ấn tượng với hàng rào đá, thâm trầm dưới bóng đại ngàn

Trong ngôi làng Sảo Há có khoảng 22 nóc nhà bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 500ha, với khoảng 16 hộ gia đình sống quây quần bên nhau. Nằm trên độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, ngôi làng khiêm nhường nép mình bên ngọn núi cao nên khá biệt lập. 

90-c3a507a580a17a9910f4137e9a748f1b-1698140369.jpeg
 
lang-co-sao-ha-ha-giang-5-4420jpg-1698118645.jpg
Ngôi nhà truyền thống của dân tộc H' Mông ở Sảo Há. Ảnh: Núi xanh

Ven lối mòn là những ngôi nhà truyền thống được gọi là “trình tường”, tường nhà được ép đất dày, mái lợp ngói âm dương. Tất cả sinh hoạt của gia đình, chăn nuôi gia súc, gia cầm đều ở bên trong dãy tường bằng đá cao khoảng 1,5m.

Những viên đá đủ hình thù được khéo léo sắp xếp vừa khít, dù không có vật liệu kết dính, nhưng rất vững chắc. Nơi đây còn có những bức tường được xây dựng lâu năm phủ đầy rêu xanh giữa rừng cây tạo nên khung cảnh ma mị, độc đáo.

images1443445-tkydalay-hang-rao-da-reu-phong-myly-1698130714.jpeg
Những hàng rào bằng đá, cây cổ thụ rêu phong là đặc trưng của Sảo Há. Ảnh: Núi xanh

Sảo Há còn nổi bật với khu Rừng Trúc, Hang Phỉ thu hút nhiều du khách muốn hòa mình với thiên nhiên bên cạnh thích khám phá trải nghiệm cảm giác yên bình ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Dưới tán rừng già, hai bên đường thấp thoáng những ngôi nhà đã bạc màu cùng thời gian trở thành hình ảnh hấp dẫn níu giữ bước chân du khách mỗi khi lạc bước đến nơi này.

images1443446-tkydalay-con-duong-len-hang-phi-rung-truc-myly-1698118727.jpg
Đường lên Hang Phỉ. Ảnh: Núi xanh

Thường ngày khu làng rất vắng vẻ, người lớn đi nương xa từ sáng và chiều tối mới về. Công việc trồng ngô trong hốc đá gần như là công việc truyền đời của cư dân sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Trong làng chỉ có trẻ con và người già. 

Lên Sảo Há đẹp nhất là vào mùa xuân khi những cây đào đỏ rợp cả làng. Mùa hạ, mùa thu ngắm mây bay bảng lảng trên đường đi...  còn mùa đông thì lạnh và sương mù phủ cả ngày. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để Sảo Há trở thành điểm đến kì bí, quyến rũ mà ai cũng mong được ít nhất một lần đặt chân đến để trải nghiệm. 

Ngân Trần