Bắc Ninh hay xứ Kinh Bắc nổi tiếng là một vùng quê văn hiến, giàu truyền thống với mật độ di tích lịch sử dày đặc (1.259 di tích). Trong đó, quan trọng nhất là quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Đô.
Đền Đô mang tên chữ Cổ Pháp điện, còn được gọi là đền Lý Bát Đế, xây dựng vào thế kỷ XI, tương truyền dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Thái Tổ đăng cơ. Ngày nay, đền nằm ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Chứng nhân lịch sử
Theo sử sách, vào thời kỳ nhà Lý, dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn để đón tiếp nhà vua Lý Thái Tổ lúc ông về thăm quê.
Khi Lý Thái Tông lên ngôi, ông tiếp tục cho tu sửa căn nhà đó, quyết định chọn nơi đây làm nơi thờ cúng vua cha. Vì vậy, khu nhà này trở thành đền gọi là Cổ Pháp điện. Sau đó Cổ Pháp Điện tiếp tục trở thành nơi thờ cúng các vị tiên hoàng đế của triều đại nhà Lý sau khi họ qua đời.
Hiện Đền Đô thờ phụng 8 vị vua triều Lý bao gồm Thái tổ hoàng đế Lý Công Uẩn, Thái Tông hoàng đế, Thánh Tông hoàng đế, Nhân Tông hoàng đế, Thần Tông, Anh Tông, Cao Tông, Huệ Tông hoàng đế. Duy chỉ có hoàng đế Lý Chiêu Hoàng (nữ hoàng đế duy nhất của Việt Nam) không được thờ ở đây mà thờ tại một đền riêng (đền Rồng), cách Đền Đô khoảng 2km.
Bên ngoài đền, hướng thẳng là thủy đình mới được tôn tạo lại, rộng 5 gian “chồng diêm tám mái”, 8 đao cong làm bằng gỗ lim chắc chắn, chạm hoa văn tinh xảo.
Kiến trúc
Về kiến trúc, trong khuôn viên 31.000m2, đền có nhiều hạng mục công trình cổ, đi cùng năm tháng. Dù đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử kèm trùng tu, đền vẫn kế thừa một cách hài hòa 2 phong cách cung đình và dân gian mật thiết. Các cấu kiện, linh vật, đồ thờ tự tạo tác sinh động, tinh xảo.
Cổng chính Ngũ Long môn xây dựng nguy nga thời đó, đến giờ vẫn là long môn đẹp, mang đậm vẻ phù sa văn hóa. Trước cổng có chạm khắc 5 con rồng vờn mây, khi cổng mở ra cảm tưởng cả 5 con rồng đều như đang cuộn mình trực bay lên cao vút.
Từ cổng Ngũ Long môn nhìn sang bên trái (tức bên phải nội đền) là bức “Thiên đô chiếu” 214 chữ được khắc tinh xảo trên chất liệu gốm. Chiếu dời đô là văn kiện lịch sử quan trọng, khẳng định chủ quyền của nước ta.
Phía bên kia, ngay gần nơi thờ võ tướng nhà Lý còn có tạc bài thơ “Nam quốc sơn hà” tương truyền sáng tác bởi Lý Thường Kiệt – càng là minh chứng cho chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ nước Nam, trở thành bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên in vào lịch sử. Lý Thường Kiệt được thờ ở khu đền Võ tướng triều Lý, cũng nằm trong khuôn viên Đền Đô.
Trung tâm của khu nội thành là chính điện, sau đó là phương đình (3 gian 8 mái) và hậu cung – nơi thờ Lý triều bát đế. Bên cạnh phương đình, chạy dọc đến hậu cung có nhà bia và nhà kiệu. Nhà bia – hay “Cổ Pháp điện tạo bi” ghi chép lại lịch sử các lần trùng tu của đền, bia cao 190cm, rộng 103cm, dựng năm Giáp Thìn (1605), khắc tổng cộng 1.500 chữ. Đối xứng nhà bia là nhà kiệu, nơi để kiệu rước 8 vị vua dùng vào dịp tế lễ.
"Bát đế vân du" huyền ảo
Theo người xưa kể lại, ở Đền Đô diễn ra một số hiện tượng kỳ lạ, đến nay chưa có lời giải. Theo đó, năm 1998, đền tổ chức lễ giỗ vua Lý Anh Tông thì có 8 vầng mây trắng xuất hiện ở khu Thọ Lăng Thiên Đức và bay về Đền Đô nên được gọi là “Bát đế vân du” – ngụ ý 8 vị vua triều Lý đi thăm thú nhân gian.
Sự tri ân với các vị tiên hoàng hậu
Ngay bên cạnh khu phương đình nhìn sang bên tay phải là nhà Mẫu – nơi thờ phụng các vị hoàng hậu triều Lý. Ngồi ở trung tâm là Thánh Mẫu Lê Thị (vợ vua Thái Tổ), ngoài ra còn có các vị hoàng hậu Linh Cảm Kim Thiên hoàng hậu (Lý Thái Tông), Ỷ Lan nguyên phi (Lý Thánh Tông)…
Giữa đền có treo bức hoành phi “Vương mẫu từ”, phía trước cung Mẫu có đề nhiều câu đối, đáng chú ý là cặp câu đối “Từ Mẫu xuất long nhi kế nghiệp hiền vương phồn bách tính - Uy linh miếu vũ thiên thu hiển tích đức an lưu”. Tạm dịch là: Từ mẫu sinh ra long nhi kế nghiệp vua cha làm phồn vinh trăm họ - Miếu linh thiêng ngàn năm còn hiển hiện ghi tạc ơn đức.