Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lần đầu tiên Nhật Bản áp dụng thu phí leo núi Phú Sĩ

H.N
Khoản phí mới này sẽ tách biệt với khoản phí 1.000 yên mà những người leo núi hiện đang được yêu cầu tự nguyện trả nhằm hỗ trợ việc bảo tồn ngọn núi.

Để tránh tình trạng quá tải lượng người leo núi và gây quỹ cho các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách và người leo núi, từ mùa hè 2024, chính quyền tỉnh Yamanashi sẽ thu thêm mức phí 2.000 yên (khoảng 13 USD) với du khách lên núi Phú Sĩ - ngọn núi biểu tượng của Nhật Bản. 

Kể từ ngày 1/7, tỉnh Yamanashi sẽ dựng một chốt kiểm soát ở trạm thứ 5 để đóng đường mòn Yoshida từ 16h chiều hôm trước đến 3h sáng hôm sau đối với bất kỳ ai không đặt trước chỗ qua đêm tại một điểm nghỉ chân trên sườn núi.

Chính quyền tỉnh cũng lần đầu thực hiện triển khai dịch vụ đặt chỗ trực tuyến cho tuyến leo núi này do lo ngại vấn đề an toàn và tác động tới môi trường trên ngọn núi cao nhất Nhật Bản.

shizuoka-guide-to-climbing-mt-fuji-201826-6566-1719824569.jpg

Thêm vào đó, lượng du khách đến đây cũng được giới hạn ở mức 4.000 mỗi ngày, không bao gồm những người đặt chỗ tại một trong những lều dọc theo con đường mòn quanh co dẫn đến đỉnh núi cao 3.776m, nơi những người leo núi có thể mua đồ uống giải khát và nghỉ qua đêm.

Nguyên nhân dẫn đến việc kiểm soát này từ chính quyền Yamanashi là vào mỗi mùa hè, các phương tiện truyền thông Nhật Bản thường đưa tin về tình trạng du khách leo núi Phú Sĩ mà không có đủ thiết bị leo núi cần thiết cũng như không đảm bảo sức khỏe khi cố gắng lên đến đỉnh núi và quay trở về mà không ngủ giữa chừng.

anh-mo-ta-1719824678.png
Hình ảnh hồ nước gần núi Phú Sĩ.

Trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, Tỉnh trưởng tỉnh Yamanashi, ông Kotaro Nagasaki cho biết các biện pháp mới được đưa ra trên hết là để bảo vệ tính mạng của người leo núi, chứ không phải nhằm ngăn cản khách du lịch đến Phú Sĩ (theo tờ Asahi).

Mùa leo núi Phú Sĩ sẽ kéo dài từ 1/7 đến 10/9. Dự báo năm nay, lượng du khách nước ngoài đến Nhật dự kiến sẽ tăng mạnh, một phần do đồng yen yếu.

shizuoka-guide-to-climbing-mt-fuji-201885-9017-1719824763.jpg
Núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2013.

Lưu ý khi trải nghiệm leo núi Phú Sĩ

Thời gian có thể leo núi này từ đầu tháng 7 đến đầu tuần tháng 9. Những thời gian khác sẽ không thể leo núi vì nguy hiểm. Thời gian cao điểm với du khách trải nghiệm núi Phú Sĩ là từ 1/7 trở và vào khoảng giữa tháng 8 là thời điểm đông nhất (thay đổi tuỳ từng năm).

Ngoài ra, vào cuối tuần, lượng khách leo núi người Nhật muốn tận dụng thời gian nghỉ để leo núi cũng rất đông. Vì vậy, nếu các du khách muốn có nhiều thời gian leo núi thì nên đi vào ngày thường.

Mức độ trải nghiệm lộ trình chinh phục núi Phú Sĩ

Lộ trình điển hình gợi ý cho người mới bắt đầu: "Lộ trình Yoshida": Đây là lộ trình được yêu thích nhất vì dễ leo núi. Có nhiều quán trọ ven đường nên sẽ phù hợp nhất với người mới bắt đầu. Tuy nhiên, vào lúc cao điểm sẽ rất đông khách leo núi, vì vậy có nhiều trường hợp bạn sẽ lên đến đỉnh núi muộn hơn khá nhiều thời gian dự kiến, vì vậy các bạn hãy lưu ý.

Thời gian leo núi: khoảng 6 tiếng
Thời gian xuống núi: khoảng 3,5 tiếng
Điểm xuất phát: Fuji Subaru Line 5th

"Lộ trình Fujinomiya" với tổng khoảng cách ngắn nhất, dành cho người có thể lực tốt: Đây là lộ trình thu hút khách leo núi tiếp theo lộ trình Yoshida. Tổng khoảng cách ngắn nhất, so với các lộ trình khác thì có thể lên đến đỉnh núi với thời gian ngắn chính là lý do mà lộ trình này được yêu thích. Tuy nhiên, có nhiều nơi dốc khá gấp vì vậy đây là lộ trình đòi hỏi phải có thể lực tốt. 

Thời gian leo núi: khoảng 5,5 tiếng
Thời gian xuống núi: khoảng 4 tiếng
Điểm xuất phát: Fujinomiyaguchi 5th

"Lộ trình Subashiri" có thể thưởng ngoạn thiên nhiên ở Phú Sĩ: So với lộ trình Yoshida hay lộ trình Fujinomiya thì lộ trình này ít phổ biến hơn, nhưng ngược lại thì lượng khách leo núi ít, các bạn có thể leo núi trong yên tĩnh, không quá ồn ào, đông đúc. 

Trên đường leo núi có rất nhiều cây xanh, vì vậy các bạn còn có thể thưởng ngoạn thiên nhiên, thực vật trên núi cao.

Điểm gợi ý khi xuống núi cũng là đặc trưng của lộ trình này. Ở đây nổi tiếng là khu vực có độ dốc còn được gọi là "Sunabashiri" có thể đi xuống giống như đang trượt trên con đường đá sỏi. Tuy nhiên các bạn hãy lưu ý không bị ngã.

Thời gian leo núi: khoảng 7 giờ
Thời gian xuống núi: khoảng 3,5 giờ
Điểm xuất phát: Subashiriguchi 5th

"Lộ trình Gotemba" phù hợp khi leo núi theo điều kiện của bản thân: Là gói leo núi trong thời gian dài. Tuy nhiên các bạn có thể leo núi nhẹ nhàng nên so với các lộ trình khác thì những rủi ro về hội chứng do độ cao sẽ ít hơn. 

Giống với lộ trình Subashiri, đoạn xuống núi cũng có nhiều con đường đá sỏi, vì vậy các bạn cũng có thể trải nghiệm đi trên con đường đá sỏi giống như lộ trình Subashiri. Đoạn này người ta gọi là "Osunabashiri". 

Thời gian lên núi: khoảng 8 giờ
Thời gian xuống núi: khoảng 4,5 giờ
Điểm xuất phát: Gotembaguchi 5th
H.N